Điều cuối cùng còn lại
Một buổi chiều đầu tháng Bảy, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn đón hai người khách đặc biệt, họ là đôi vợ chồng già bắt xe vào chiến trường xưa thắp hương cho đồng đội. Người đàn ông tên Lợi, dáng người gầy, mái tóc muối tiêu bạc gần hết, thẽ thọt bước từng bước đi khó nhọc dưới sự trợ giúp của đôi nạng gỗ. Cạnh ông là bà Lành, người phụ nữ ngoài trung niên đồng hành cùng ông đã mấy chục năm trên hành trình cuộc đời đầy giông bão.
Trong buổi chiều tháng Bảy, hai ông bà khập khiễng đỡ nhau đến từng ngôi mộ thắp hương khấn vái. Đến ngôi mộ nào, ông Lợi cũng lẩm nhẩm đọc tên rồi đoán tuổi của các liệt sĩ, giọng đầy xót xa: “Trẻ! Trẻ quá! Chiến sĩ nào cũng hy sinh khi mới mười tám, đôi mươi”. Rồi ông quay sang nói với vợ: “Lần bị thương nặng trong trận đánh ác liệt tại chiến trường Quảng Trị, nếu tôi không qua khỏi thì bây giờ cũng đã nằm đây với các đồng đội. Năm đó tôi vừa tròn 23 tuổi, bà ạ”.
Bóng chiều đổ xuống, những hàng thông già nghiêng nghiêng in bóng che mát nấm mồ các liệt sĩ. Chốc chốc, từng cơn gió thổi tới, mang theo hơi nóng đặc trưng của gió Lào miền Trung. Gió vi vút đuổi nhau trên ngọn hàng cây bạch đàn, gió lật tung tán lá của cây bồ đề cổ thụ nằm sát ngay đài dâng hương rồi chuyển qua quần thảo tán lá bàng trồng quanh các khu mộ. Vẳng nghe âm u trong gió tiếng thì thầm của linh hồn các liệt sĩ đang kể về những năm tháng xông pha chiến đấu nơi chiến trường mưa bom, bão đạn. Ông Lợi đốt một nắm hương to, kính cẩn cúi đầu vái bốn phía, miệng lầm rầm khấn vái “Các đồng chí linh thiêng hãy chứng giám cho tấm lòng của tôi. Bao nhiêu năm qua, tôi chỉ ước một lần được trở lại chiến trường xưa thắp hương cho các đồng chí. Nhưng vì thương tật quá nặng, đi lại khó khăn nên mãi tới hôm nay mới thực hiện được. Cuối cùng tôi đã được hội ngộ với các đồng chí, coi như thỏa lòng trước lúc nhắm mắt xuôi tay”.
Hai ông bà tiếp tục tiến đến dâng hương khu mộ của các liệt sĩ quê nhà. Đứng trước dãy mộ đá xếp đều tăm tắp, ông Lợi lặng người khi nhìn thấy dòng chữ khắc trên bia mộ: “Liệt sĩ Lê Văn Lợi, sinh ngày 21/3/1950, quê quán…”. Ông thầm nghĩ “Mọi thông tin đều trùng khớp với mình. Chắc hẳn đây chính là mộ của người đồng chí đã mang tên ông suốt mấy chục năm qua, cũng là nguồn gốc của sự nhầm lẫn trong giấy báo tử gửi về cho gia đình ông năm xưa”. Đang trầm ngâm suy tư thì sau lưng ông vang lên một giọng nói quen thuộc, nghe như vọng về từ quá khứ:
- Trời ơi! Anh Lợi! Phải anh Lợi không? Anh… còn sống đây sao?
Tiếng nói cất lên rồi chợt im bặt trong tiếng thút thít nghẹn ngào. Ông Lợi thấy trái tim mình nhói đau như bị ai bóp nghẹt. Ông chầm chậm quay người lại, đối diện với đôi mắt to tròn đỏ hoe trên gương mặt trái xoan từng in sâu trong tâm trí. Quá bất ngờ và bối rối, ông thốt lên câu hỏi nghe có vẻ ngớ ngẩn:
- Liên! Là Liên phải không? Em… đến đây thắp hương cho anh sao?
Người phụ nữ cười buồn:
- Vâng! Em Liên đây. Anh Lợi ơi! Mấy chục năm qua, em cứ ngỡ anh đã hy sinh rồi. Mỗi năm đến ngày này, em lại đến đây thắp hương cho anh và các đồng đội. Thật bất ngờ khi được gặp lại anh bằng xương, bằng thịt thế này.
Ông Lợi bần thần cả người, hết nhìn người phụ nữ trước mặt rồi nhìn sang ngôi mộ mang tên mình. Đôi gậy trong tay chấp chới làm ông suýt ngã. Cả hai người đàn bà cùng chạy tới đỡ lấy, dìu ông vào ngồi nghỉ dưới tán cây. Bà Lành lục túi lấy ra thuốc huyết áp và trợ tim cùng chai nước đưa cho chồng uống. Lúc sau, tâm trạng bình ổn trở lại, họ bắt đầu trò chuyện. Gặp lại nhau trong hoàn cảnh đặc biệt, bao nhiêu chuyện cũ chôn chặt trong lòng giờ theo đó tuôn trào như thác đổ trước sự lắng nghe chăm chú của bà Lành và sự chứng kiến của linh hồn các đồng đội.
***
Năm 1969, ông Lợi khi ấy là chàng thanh niên 19 tuổi hừng hực ý chí căm thù giặc và quyết tâm cầm súng góp sức mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là con trai út trong gia đình có hai anh trai đã xung phong đi bộ đội, mặc cho bố mẹ ngăn cản, Lợi vẫn quyết tâm cùng các bạn đồng lứa viết huyết thư xin vào chiến trường. Sau 5 tháng huấn luyện khắc nghiệt, đơn vị ông được lệnh hành quân gấp rút vào chiến trường Trị - Thiên. Vào đến Vĩnh Linh, ông được biên chế về K12 đặc công đoàn 31 Sông Hồng, từ đây chính thức bước vào sống đời lính trận.
Lúc bấy giờ, theo lệnh cấp trên, các đơn vị bộ đội sử dụng chiến thuật đánh úp, ban ngày vào rừng lẩn tránh, đêm đến theo chân giao liên địa phương tiếp cận và công phá đồn làm tiêu hao sinh lực địch. Trong hoàn cảnh đó, chàng chiến sĩ trẻ đã gặp và phải lòng cô giao liên nhỏ xinh xắn, mưu trí, dũng cảm. Không ít lần Lợi chứng kiến cảnh Liên dẫn bộ đội luồn lách tránh sự truy sát của địch hay màn đối đáp ứng phó đánh lạc hướng của cô với tên phụ trách đồn nhằm cứu nguy cho bộ đội, từ đó tâm trí Lợi in đậm bóng hình của Liên. Còn Liên sau thời gian tiếp xúc, cô cũng dành nhiều tình cảm cho anh bộ đội mang gương mặt thư sinh đẹp trai tên Lợi. Thương người yêu sống trong rừng thiếu thốn đủ bề, Liên thường để dành rồi dúi vào tay Lợi lúc thì củ khoai nướng, lúc nắm xôi lạc kèm muối vừng hay bánh xà phòng tắm. Điều kiện chiến tranh khắc nghiệt, những lần gặp gỡ chóng vánh, họ chỉ kịp trao nhau cái nhìn đắm đuối, sự quan tâm ân cần dù chỉ phút chốc nhưng khiến trái tim của đôi bạn trẻ đập loạn nhịp. Tình yêu giữa họ cứ tự nhiên nảy nở rồi đơm hoa giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết.
Một đêm, Liên vừa dẫn trung đội của Lợi đi theo lối tắt đột nhập vào làng tiếp cận đồn địch thì gặp máy bay Mỹ kéo đến ném bom. Tất cả đội hình nhanh chóng di tản. Sau vài vòng lăn lê bò trườn, Liên và Lợi cùng chui vào trú ẩn trong căn hầm du kích xây dựng. Không gian trong hầm chật chội khiến cả hai phải nằm sát vào nhau. Mùi hương bồ kết từ mái tóc đen dài, óng mượt của Liên phả vào mũi làm Lợi thấy nôn nao hết người. Liên cố gắng giữ bình tĩnh khi lần đầu tiên tiếp xúc khoảng cách gần với một người con trai như vậy. Hơi thở của họ phả vào mặt nhau, nghe rõ cả nhịp tim đập của đối phương. Thế rồi, cái gì đến cũng đã đến. Giữa tiếng gào rú của máy bay và đạn pháo, họ trao cho nhau nụ hôn đầu đời say đắm. Khoảnh khắc ấy những đau thương, mất mát, ác liệt của chiến tranh dường như dừng lại bên ngoài cửa hầm, chỉ còn lại đây những phút giây thăng hoa của tình yêu cùng lời hứa hẹn “chờ ngày thống nhất non sông sẽ về chung một nhà”.
Sáng hôm sau, đơn vị Lợi nhận lệnh đánh trận cảm tử mở màn. Trận chiến diễn ra ác liệt khi gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân địch, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống và thương vong vô số kể. Lợi dù bị thương nặng vào chân nhưng vẫn cắn răng giữ vững vị trí chiến đấu. Đúng lúc ấy, một đồng chí bị mảnh bom bay đến cắm vào ngực phải, máu tươi và bọt khí trào ra. Nhìn đồng đội nằm thoi thóp thở, miệng không ngừng rên “rét, rét quá”, Lợi không chần chừ cởi luôn chiếc áo trên người khoác cho đồng đội. Lúc đồng đội tắt thở cũng là lúc Lợi bị trận pháo kích của quân địch thổi bay rồi ngất lịm. Kết thúc trận chiến, khi bộ đội thu dọn chiến trận phát hiện chiến sĩ bị thương đầy mình vẫn còn thoi thóp thở đã chuyển Lợi về trạm quân y dã chiến điều trị. Người đồng đội hy sinh sau đó bị nhầm lẫn là Lợi khi trong túi áo anh mặc có lọ thuốc berberin ghi thông tin về chiến sĩ Lê Văn Lợi. Một thời gian sau, bố mẹ Lợi gần như ngất lịm khi nhận giấy báo tử của con trai út, cũng là đứa con trai thứ ba hy sinh trên chiến trường.

Minh họa: Hoàng Chinh
Sau trận chiến, Liên nhận tin báo tử của người yêu, cô đau đớn tưởng chừng không sống nổi. Sống trong thời chiến, cái chết không còn quá xa lạ đối với bộ đội nhưng Liên không ngờ Lợi hy sinh đột ngột như vậy. Nhưng rồi, cũng thời gian đó, Liên phát hiện mình đã mang thai đứa con của Lợi. Cô đi từ bất ngờ, lo sợ sang quyết tâm giữ lại bào thai chưa rõ hình hài. Rồi chiến trường gọi tên, cô đi B, hai người lạc mất nhau từ đó. Lợi sau khi điều trị, vết thương quá nặng gây tổn hại 79% sức khỏe với một bên chân bị cắt cụt sát bẹn đã được giải quyết xuất ngũ. Hai lần ông quay lại tìm người con gái ấy giữa vùng quê bom đạn khi xưa nhưng không ai biết Liên đi đâu… Đến hôm nay, duyên nợ tình cờ cho họ gặp lại nhau tại nơi từng khắc ghi nỗi đau và tình yêu của một thời tuổi trẻ.
- Anh chị nay có mấy cháu rồi ạ? Đắn đo mãi, cuối cùng bà Liên cũng cất lời hỏi thăm. Nghe nhắc đến chuyện con cái, hai mắt bà Lành đỏ hoe:
- Nào có đứa nào đâu em ơi. Ông ấy bị nhiễm chất độc da cam nên hai đứa con sinh ra đều bị dị tật, chỉ sống được mấy năm rồi lần lượt rời bỏ bố mẹ mà đi.
Nói đến đây, bà Lành úp mặt vào hai bàn tay nhăn nheo khóc nức nở. Ông Lợi thở dài, đặt tay lên lưng vợ an ủi:
- Có mấy ai đi qua chiến tranh mà trở về lành lặn được đâu bà. Các đồng đội tôi còn nằm đây, tôi còn sống trở về đã là điều may mắn rồi bà ơi!
Bà Liên nhìn hai vợ chồng già, ngập ngừng định nói gì đó nhưng lại thôi. Bà không biết nếu chia sẻ tin ông Lợi còn có đứa con trai do bà sinh ra là điều tốt hay sẽ phá vỡ hạnh phúc mấy chục năm qua của họ. “Có lẽ, giờ chưa phải lúc”, bà Liên thầm nghĩ. Họ chia tay nhau khi màn đêm buông xuống. Hai người phụ nữ già lưu số điện thoại của nhau với lời hẹn “bao giờ có cơ hội sẽ đến thăm nhau”.
***
Sau lần đi thắp hương tại nghĩa trang về, ông Lợi ốm nặng. Trận ốm thập tử nhất sinh như rút hết sự sống của ông. Linh tính điều chẳng lành, bà Lành gọi điện thoại báo cho bà Liên, bà Liên bảo con trai thu xếp công việc đưa mình đi thăm người bạn cũ. Trên đường đi, bà kể cho con trai chuyện về “người bố liệt sĩ” còn sống sau mấy chục năm làm hai mẹ con lầm tưởng đã hy sinh. “Mẹ chưa kịp nói với ông ấy về con, bây giờ ông ấy đang hấp hối, mẹ nghĩ con cần đến gặp bố một lần trước lúc ông ấy rời xa cõi tạm này”.
Hai mẹ con chạy xe suốt mười tiếng thì tìm được nhà ông Lợi. Chẳng kịp chào hỏi xã giao, hai người chạy đến bên giường bệnh. Người con trai vội nắm lấy bàn tay xương xẩu của bố, xúc động nói:
- Bố ơi! Con là con trai của bố đây! Bố mở mắt ra nhìn con này!”
Đang nằm thiêm thiếp, ông Lợi đột ngột mở mắt, hết nhìn vào cậu thanh niên trước mặt rồi nhìn sang bà Liên, ra ý hỏi. Bà Liên gật đầu xác nhận:
- Đây là con trai của anh, là kết tinh tình yêu của chúng ta trong lần trú bom tại căn hầm năm ấy. Bao nhiêu năm qua, em vẫn nói với con rằng bố là liệt sĩ. Giờ em đưa con đến gặp anh. Anh cố lên, vượt qua bệnh tật để cha con được đoàn tụ.
Bàn tay ông Lợi run rẩy đưa lên, đặt lên vai người thanh niên như để chắc chắn rằng đó không phải là ảo giác. Nhìn cậu con trai giống mình thời thanh niên như hai giọt nước, ông xúc động nói không thành lời:
- Con ơi! Con trai… của bố!
Rồi ông nhìn sang người con gái duyên nợ một đời với mình, trào nước mắt:
- Cảm ơn em. Vì… tất cả!
Ông Lợi nhìn sang vợ, nhìn khắp một lượt ngôi nhà thân quen rồi thanh thản trút hơi thở cuối cùng. Giây phút cuối đời, ông được sống trong niềm hạnh phúc trọn vẹn sau bao hy sinh, mất mát. Cả hai người phụ nữ và chàng trai trẻ cùng nhau lo hậu sự đưa ông đi chặng cuối bằng tình thương và sự đồng cảm sâu sắc. Trong nghi ngút khói nhang, bà Lành thấy ông Lợi mỉm cười mãn nguyện rồi cùng các đồng đội bay về miền mây trắng.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dieu-cuoi-cung-con-lai-3178852.html