Năm 2019, con cháu dòng họ Chế thôn Vân Thê, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) phát tâm xây dựng một ngôi nhà thờ họ tộc để tri ân, tưởng nhớ, thờ phụng tổ tiên, tiền nhân.
Ngôi nhà thờ tọa lạc tại thôn Vân Thê, xã Thủy Thanh, với nét kiến trúc độc đáo "riêng có" so với những ngôi từ đường (nhà thờ họ) khác ở trên đất Huế hiện nay.
Theo ông Chế Công Đức, đại diện họ Chế tại làng Vân Thê, để xây dựng được ngôi nhà thờ họ độc đáo như hiện nay, con cháu trong dòng họ đã dày công lên ý tưởng, nghiên cứu và thống nhất về mặt kiến trúc đặc trưng văn hóa Chămpa.
Con cháu dòng họ Chế làng Vân Thê đã cất công đi đến nhiều nơi còn lưu giữ, bảo tồn kiến trúc văn hóa Chămpa ở Quảng Nam, Ninh Thuận, Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng… để tìm hiểu, tham khảo. Từ đó, thống nhất xây dựng ngôi nhà thờ theo lối kiến trúc đặc biệt, mang nét đặc trưng của một dòng họ người Chămpa còn lại trên đất Huế.
Có một việc kỳ công không kém, khi chuẩn bị xây dựng ngôi nhà thờ Chăm, con cháu dòng họ Chế đã đặt mua các nguyên vật liệu “đặc biệt”, các phù điêu hoa văn, tượng trang trí, gạch không trét mạch... ở tận tỉnh Ninh Thuận.
Việc xây dựng nhà thờ Chăm tại Vân Thê là để thờ phụng ông bà, tổ tiên của dòng họ Chế làng Vân Thê nói riêng, họ Chế trên đất nước Việt Nam nói chung.
Cũng tại ngôi nhà thờ họ “đặc biệt”, con cháu họ Chế làng Vân Thê hiện vẫn lưu giữ những hiện vật Chămpa quý hiếm như: cặp voi thần Gadixi, 2 bức tượng ở trụ chính nhà thờ, cùng với một phiến đá cổ có khắc chữ viết mà người Chămpa xưa từng sử dụng.
Ở làng Vân Thê hiện còn lăng mộ và miếu thờ hai vị Khai canh và Thành hoàng của làng cùng là người Chămpa. Đó là các vị Chế Ba Na và Chế Văn Kiệt. Tại đây, họ Chế đứng đầu trong các họ khai canh làng xã. Trong đình làng Vân Thê (có từ thế kỷ 15) hiện thờ ông Chế Văn Kiệt - bổn thổ thành hoàng làng Vân Thê, cùng tám vị khai canh thuộc họ Chế, Nguyễn, Phan, Đỗ, Trần, Hoàng, Văn, Lê. Thứ tự này dựa theo sắc phong của vua Gia Long năm thứ 3.
Ngọc Văn