Điều đặc biệt của tòa thành cổ sắp được đại tu gần Hà Nội
Bộ VH,TT&DL vừa ban hành Quyết định 2647/QĐ-BVHTTDL cho phép khai quật khảo cổ tại di tích Thành cổ Sơn Tây (giai đoạn 1). Nhân dịp này, cùng điểm qua nét chính về lịch sử và kiến trúc của tòa thành cổ nổi tiếng xứ Đoài.
Nằm ở thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, Thành cổ Sơn Tây là một trong số ít công trình kiến trúc quân sự cổ còn được gìn giữ ở Việt Nam.
Căn cứ quân sự bảo vệ thành Thăng Long
Theo các tư liệu lịch sử, thành được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng (1822) với tổng diện tích 16ha. Tòa thành này đóng vai trò là căn cứ quân sự bảo vệ kinh thành Thăng Long, đồng thời là thủ phủ của vùng Tam tuyên gồm ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang dưới thời nhà Nguyễn.
Thành được xây bằng đá ong, loại vật liệu xây dựng đặc thù của vùng Sơn Tây, theo kiểu Vauban du nhập từ Pháp. Công trình có mặt bằng hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 400m, tường thành cao 5m, chân thành rộng 6m, mặt thành rộng 4m, có nhiều lỗ ở phía trên để quân lính nấp phía trong bắn súng ra ngoài hoặc dùng giáo mác có cán dài đâm đối phương khi chúng trèo lên tường thành.
Thành có 4 cổng chính: Chính Nam gọi là cổng Tiền; Chính Bắc - cổng Hậu; Chính Đông và chính Tây. Mỗi cổng ở phía trên đều có lầu canh (vọng lâu) và chỉ có một lối ra vào, phía ngoài có đắp Dương mã thành (còn gọi là mang cá) hình chóp nón chắn phía ngoài. Xung quanh thành phía ngoài có hào sâu 3m, rộng 20m, dài khoảng 1.800m, được nối ra sông Tích ở góc thành phía Tây Nam.
Trước đây, bốn cửa thành đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu có cầu dẫn vào cổng thành.
Bên ngoài vòng thành chính còn có la thành (thành ngoài) được đắp bằng đất cao 3,5m, hình ngũ giác, bên ngoài có lũy tre gai dày đặc bao bọc. La thành cũng mở 4 cổng trông ra 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc, ngày nay vẫn được gọi là đường La Thành.
Trong thành có các hạng mục kiến trúc: Cột cờ cao 18m, cửa hành cung, hành cung, hai giếng vuông, phía trước khu nghi lễ (hành cung, sân, điện), gần với cửa Tiền. Điện ở đây từng là tòa nhà 5 gian hai chái, tám mái chồng diêm, nằm khoảng chính giữa thành, là nơi làm việc của các quan.
Phía Tây thành có Võ miếu, là nơi thờ các tướng sĩ đã anh dũng hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ thành. Ở 4 góc thành, xưa kia có 4 giếng nước hình vuông to, xây bậc xuống tận đáy bằng đá ong, sâu khoảng 6 mét, quanh năm cung cấp nước ăn cho quân lính trong thành và nhân dân trong trấn lỵ.
Bên cạnh đó là dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh: Tổng đốc (sau đổi là Tuần phủ), Bố chánh (hay Án sát), Đề đốc và Đốc học. Về phía Đông Vọng cung là ngục thất (trại giam), kho lương và Trại con gái - nơi vợ con binh lính ở.
Để xây dựng Thành Sơn Tây, vua Minh Mạng đã điều 2.000 quân tinh nhuệ do Phó thống thập cơ Tả quân Vũ Văn Thân chỉ huy xây dựng.
Bước vào cuộc đại trùng tu...
Trải qua gần 200 năm, bị nhiều cuộc chiến tranh và thời gian tàn phá, Thành cổ Sơn Tây đã bị phá hủy nặng nề, chỉ còn lại tường thành, cửa tiền, cửa hậu, 2 khẩu thần công và một số phế tích như vọng lâu, nền điện, giếng nước...
Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử Kiến trúc quốc gia.
Ngày 16/2/2009, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định cải tạo, chỉnh trang Di tích Lịch sử văn hóa Thành cổ Sơn Tây phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích Thành cổ Sơn Tây diễn ra từ ngày 15/9 - 30/10/2023 trên tổng diện tích 120m2. Trong đó, diện tích thăm dò là 60m2, diện tích khai quật là 60m2.
Theo quyết định, việc thăm dò diễn ra tại 3 khu vực: Khu vực Bố chánh phủ: 20m2 (4 hố x 5m2/hố); khu vực Án sát phủ: 20m2 (4 hố x 5m2/hố); khu vực Cổng Đông: 20m2 (4 hố x 5m2/hố). Về khai quật sẽ thực hiện tại khu vực Tổng đốc phủ với diện tích 60m2 (3 hố x 20m2/hố). Chủ trì thăm dò, khai quật là ông Nguyễn Văn Mạnh - Viện Khảo cổ học.
Quyết định yêu cầu, trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Đặc biệt, những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.