Điều động, luân chuyển để giải quyết bài toán thừa - thiếu GV cục bộ

Điều động GV giúp họ phát huy sở trường, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tránh tình trạng trì trệ, quan liêu, tâm lý thỏa mãn, chọn đơn vị, vị trí công tác.

Chỉ còn ít ngày nữa là chính thức bước vào năm học 2024-2025. Theo ghi nhận của phóng viên, một trong những giải pháp được địa phương triển khai nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở vùng núi, vùng sâu vùng xa là tiếp tục thực hiện điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.

Trường vùng cao khó tiếp cận kho học liệu dùng chung

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) có 1 điểm trường chính và 9 điểm trường lẻ. Hiện việc di chuyển giữa các điểm trường không quá vất vả vì đường xá đã cơ bản được sửa chữa.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lưu Thị Nghĩa - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, để chuẩn bị cho năm học 2024-2025, giáo viên nhà trường đã tập trung dọn vệ sinh sạch sẽ, kê lại bàn ghế, sửa sang khu bán trú, chuẩn bị đồ dùng dạy học chu đáo.

Với những điểm trường lẻ được đặt tại các thôn, bản vùng sâu vùng xa, nhà trường yêu cầu giáo viên có mặt ở điểm trường để làm nhiệm vụ thông báo cho phụ huynh, học sinh quanh khu vực về thời gian tựu trường, khai giảng.

Năm học 2024-2025 sắp cận kề nhưng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập vẫn phải đối mặt với một số khó khăn. Đơn cử như chưa đủ đội ngũ giáo viên. Theo chia sẻ của cô Nghĩa, tính đến thời điểm này đã là 2 năm học liên tiếp nhà trường thiếu 6 biên chế giáo viên.

“Với số lượng biên chế còn thiếu, theo hướng dẫn của phòng giáo dục huyện, nhà trường được phép ký hợp đồng giáo viên. Do đó, về cơ bản, nhà trường đáp ứng được số lượng giáo viên để hoàn thành nhiệm vụ năm học. Tuy nhiên, mong muốn của nhà trường là ngành giáo dục cần có thêm chính sách đãi ngộ, thu hút đối với giáo viên công tác tại các vùng núi, vùng sâu vùng xa để làm "đòn bẩy" giúp thuận lợi trong tuyển dụng biên chế giáo viên môn đặc thù (ví dụ như môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh)”, cô Nghĩa chia sẻ.

Thứ hai, chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh cũng đang là vấn đề trăn trở đối với lãnh đạo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. Bởi, cô Nghĩa cho biết, hiện nay nhà trường mới chỉ được cấp đầy đủ sách giáo khoa của lớp 1, 2, 3 và lớp 4; còn lớp 5 vẫn thiếu sách giáo khoa chương trình mới.

Thứ ba, nhà trường chưa đẩy mạnh được việc sử dụng kho học liệu dùng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá.

“Theo tôi, học liệu số cung cấp các phương tiện điện tử để giáo viên dạy và học tốt như: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử,...; nhờ đó giáo viên cũng có thể phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học.

Tuy nhiên, việc truy cập kho học liệu dùng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn khá khó khăn vì đường truyền internet ở trường khá yếu, đơn vị cung cấp dịch vụ đã cố gắng khắc phục nhưng chưa có tiến triển. Muốn sử dụng kho học liệu dùng chung, giáo viên phải truy cập bằng mạng 4G phát từ điện thoại cá nhân. Chưa kể, nhà trường có một số giáo viên đã lớn tuổi, khả năng sử dụng công nghệ thông tin hạn chế. Với những khó khăn đó, đánh giá thực tế hiệu quả sử dụng kho học liệu dùng chung ở nhà trường hiện chỉ đạt ở mức trung bình", cô Nghĩa tâm sự.

Không gặp nhiều khó khăn như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập trong việc tiếp cận kho học liệu dùng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Cao Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mường Kim (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) cho biết, giáo viên nhà trường khá thuận lợi khi sử dụng kho học liệu này.

“Kho học liệu dùng chung của Bộ giúp giáo viên sử dụng tốt các thông tin, dữ liệu cho bài giảng. Cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng của nhà trường đảm bảo lớp học có máy chiếu nên giáo viên sử dụng kho học liệu rất trơn tru trong quá trình đứng lớp. Tuy nhiên, nhà trường quán triệt thầy cô không chia sẻ, bình luận về câu hỏi trực tuyến của các môn học”, thầy Hùng cho hay.

 Một góc thư viện của Trường Trung học cơ sở Mường Kim. (Ảnh: NTCC)

Một góc thư viện của Trường Trung học cơ sở Mường Kim. (Ảnh: NTCC)

Năm học 2024-2025, tổng số học sinh Trường Trung học cơ sở Mường Kim xấp xỉ 1.000 em (trong đó có hơn 200 học sinh khóa mới). Năm học này, nhà trường chỉ thiếu 1-2 giáo viên nên vẫn có thể đảm bảo công tác giảng dạy. Song, giáo viên của nhà trường luôn mong muốn tiếp tục tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn để yên tâm bước vào năm học mới.

“Nhằm tạo môi trường học đường xanh, sạch, đẹp, nhà trường đã phân công giáo viên thực hiện lao động vệ sinh, kê bàn ghế, trồng thêm hoa, cây xanh để tạo cảnh quan cho trường, lớp. Nhà trường cũng đã phối hợp chặt chẽ với trưởng thôn, bản, tham gia các cuộc họp giao ban của xã để cùng vận động phụ huynh nhắc nhở con em chuẩn bị tinh thần quay trở lại trường học theo đúng kế hoạch”, thầy Hùng chia sẻ.

Điều động giáo viên nam từ vùng thuận lợi sang vùng khó khăn tối thiểu 05 năm

Bàn về công tác chỉ đạo các đơn vị trường học chuẩn bị năm học 2024-2025, thầy Phan Ngọc Nam – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) thông tin, từ đầu tháng 8/2024, Phòng đã chỉ đạo các trường học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) tập trung giáo viên về trường - nơi công tác để tổ chức dọn dẹp, trang trí trường, lớp. Với những công trình trường học bị xuống cấp, Phòng cũng đã tham mưu ủy ban nhân dân huyện rà soát để bổ sung kinh phí sửa chữa cho đơn vị.

Với công tác vận động trẻ ra lớp, thầy Nam chia sẻ, ngay từ ngày 1/8/2024, các đơn vị trường học đã thông báo đến phụ huynh học sinh chuẩn bị cho con em đi học trở lại. Những năm trước, các tuần đầu tiên của năm học mới, sĩ số lớp khó đạt 100%, nhất là bậc trung học cơ sở. Do đó, Phòng đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc, rốt ráo công tác vận động học sinh.

 Học sinh Trường Trung học cơ sở Mường Kim. (Ảnh: NTCC)

Học sinh Trường Trung học cơ sở Mường Kim. (Ảnh: NTCC)

Năm học 2024-2025 là năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với tất cả các lớp ở bậc tiểu học, trung học cơ sở nên Phòng đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn sách giáo khoa, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, nhất là giáo viên tham gia dạy chương trình mới lớp 5 và lớp 9.

Liên quan đến đội ngũ giáo viên, thầy Nam cho biết, giữa tháng 6/2024, Ủy ban nhân dân huyện Bắc Trà My ban hành Quyết định số 2227/QĐ-UBND về phương án điều động giáo viên ngành giáo dục đào tạo của huyện.

“Phương án điều động giáo viên nhằm mục tiêu tiếp tục sắp xếp, điều chỉnh, bố trí hợp lý công tác đối với giáo viên; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện thực tế của giáo viên đang công tác ở vùng khó khăn lâu năm được về vùng thuận lợi, tạo sự công bằng trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ và đảm bảo yêu cầu về phát triển mạng lưới trường, lớp.

Việc điều động giáo viên cũng giúp họ phát huy sở trường, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tránh tình trạng trì trệ, quan liêu, tâm lý thỏa mãn, chọn đơn vị, vị trí công tác.

Đồng thời, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong ngành giáo dục huyện”, thầy Nam chia sẻ.

Cũng theo thầy Nam, đối tượng giáo viên điều động là biên chế đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy tại các đơn vị trường học trực thuộc.

Việc điều động dựa trên nguyên tắc khách quan, công tâm, khoa học, phù hợp trình độ chuyên môn và vị trí việc làm; chống bè phái, chủ nghĩa cá nhân, không gây mất kiểm soát, không xáo trộn sự ổn định, không quá định mức được giao hàng năm.

“Việc điều động giáo viên được thực hiện sau khi kết thúc năm học (trong tháng 7, 8) hoặc khi kết thúc học kỳ I nếu cần thiết; không lợi dụng các quy định điều động vì mục đích vụ lợi hoặc trù dập giáo viên. Thời gian điều động giáo viên nam tối thiểu 05 năm và giáo viên nữ 04 năm (từ vùng thuận lợi về vùng khó khăn). Giáo viên nhiều năm công tác ở các thôn thuộc vùng khó khăn có nguyện vọng xin chuyển về vùng thuận lợi sẽ được xem xét quyết định”, thầy Nam nhấn mạnh.

Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My cũng cho hay, với những trường học còn thiếu giáo viên, không thực hiện được việc điều động giáo viên, Phòng yêu cầu các trường tự liên hệ để hợp đồng giáo viên.

Hiện nay, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) có 39 trường học, trong đó có 15 trường mầm non - mẫu giáo; 11 trường tiểu học; 10 trường trung học cơ sở; 03 trường tiểu học và trung học cơ sở.

Tổng số giáo viên của huyện là 739/404 nữ. Tổng số học sinh là 11.547, trong đó mầm non có 2.867 trẻ; tiểu học có 5.162 học sinh và trung học cơ sở có 3.518 học sinh.

Theo phương án điều động giáo viên được phê duyệt, huyện Bắc Trà My được chia thành 2 vùng là: vùng khó khăn (vùng 2 - gồm 4 xã) và vùng thuận lợi (vùng 1 - gồm 9 xã).

Điều kiện điều động đối với giáo viên từ vùng 1 đến vùng 2:

Giáo viên có tuổi đời từ đủ 45 trở xuống đối với nữ, từ đủ 50 tuổi trở xuống đối với nam (tính đến ngày 30/8 hàng năm) đang công tác ở vùng 1 những chưa công tác giảng dạy ở vùng 2 hoặc đã công tác giảng dạy ở vùng 2 nhưng chưa đủ thời gian theo quy định (nam 10 năm, nữ 8 năm).

Từ năm học 2025-2026 trở đi, giáo viên đủ 47 tuổi trở xuống đối với nữ, đủ 52 tuổi trở xuống đối với nam đang công tác ở vùng 1 nhưng chưa công tác giảng dạy ở vùng 2 hoặc đã công tác giảng dạy ở vùng 2 nhưng chưa đủ thời gian theo quy định (nam 10 năm, nữ 8 năm).

Trường hợp cả 2 vợ chồng là giáo viên thuộc diện điều động thì chỉ điều động 01 người.

Điều kiện điều động giáo viên từ vùng 2 đến vùng 1:

Giáo viên đang công tác ở vùng 2 có đủ thời gian từ 08 năm trở lên đối với nữ và 10 năm trở lên đối với nam (tính từ thời gian thực hiện công tác giảng dạy trong ngành giáo dục Bắc Trà My có đóng bảo hiểm xã hội) có đơn xin chuyển công tác đến vùng 1.

Giáo viên đã hết thời hạn điều động (từ vùng 1 đến vùng 2) có đơn xin chuyển công tác đến vùng 1. Tuy nhiên, tổng thời gian công tác ở vùng 2 chưa đủ 10 năm trở lên đối với nam, 8 năm trở lên đối với nữ mà có tuổi đời từ đủ 47 trở xuống đối với nữ, từ đủ 52 trở xuống đối với nam vẫn thuộc đối tượng điều động.

Điều động giữa các trường trong cùng vùng hoặc khác vùng:

Giáo viên công tác liên tục tại một đơn vị trường học từ 10 năm trở lên thì xem xét điều động đến đơn vị khác.Giáo viên được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở xuống 02 năm liên tục. Điều động một số trường hợp khác nhằm bổ sung cho các trường học còn thiếu giáo viên, đáp ứng yêu cầu sắp xếp mạng lưới trường lớp và nhiệm vụ giáo dục hàng năm cũng như đảm bảo chế độ, chính sách đối với giáo viên theo quy định.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dieu-dong-luan-chuyen-de-giai-quyet-bai-toan-thua-thieu-gv-cuc-bo-post245211.gd