Điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam được Nhật Bản đánh giá cao
Hiện các cơ sở y tế của Nhật Bản mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam.
Sau 9 năm triển khai Chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam đã tuyển chọn, đào tạo và đưa được gần 1.900 ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá: Ứng viên điều dưỡng hộ lý Việt Nam có tính cần mẫn, nhiệt tình trong công việc, năng lực chuyên môn và đảm đương được công việc mà nhân viên điều dưỡng, hộ lý Nhật Bản đang làm. Hiện các cơ sở y tế của Nhật Bản mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng hộ lý từ Việt Nam.
Sau 12 tháng đào tạo trong nước và đạt chứng chỉ trình độ tiếng Nhật N3 để sang Nhật Bản làm việc, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam luôn bày tỏ quyết tâm sẽ làm tốt công việc của mình.
"Em được hỗ trợ rất nhiều về cơ sở vật chất, ăn ở rất tốt và em được giao lưu với nhiều bạn trong cả nước và được học tập một cách bài bản. Em ấn tượng nhất ở đây là em không chỉ được học kiến thức về ngôn ngữ mà em được học cả về văn hóa và lối sống của người Nhật. Tham gia chương trình, em muốn khám phá đất nước Nhật Bản, tích lũy kiến thức, những điều tốt đẹp ở Nhật Bản"- ứng viên Trần Thị Xuân chia sẻ.
Bạn Đường Vinh Tới, ở Vĩnh Phúc cho biết: "Khát khao lớn nhất của em là sang Nhật để học tập về cách làm việc của người Nhật và thi để đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật. Qua tìm hiểu thì em thấy nghề này rất nhân văn và việc chăm sóc sức khỏe người khác thì em cảm thấy mình cũng đủ sức và có năng khiếu, cho nên em đã chọn nghề này".
Chương trình phái cử điều dưỡng và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản được thực hiện theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản. Từ năm 2012 đến nay, sau 8 khóa triển khai, chương trình đã tuyển chọn, đào tạo và đưa được gần 1.900 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Hiện các ứng viên diều dưỡng, hộ lý khóa 9 đang được đào tạo tiếng Nhật bằng hình thức trực tuyến trong nước và dự kiến hoàn thành khóa học vào tháng 12 tới để có thể xuất cảnh vào năm sau. Đối với khóa 10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) đang tiếp tục nhận hồ sơ tham gia tuyển chọn các ứng viên đến hết ngày 30/10/2021.
"Tôi hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam và Nhật Bản, trong thời gian tới có nhiều hơn nữa các ứng viên điều dưỡng hộ lý của Việt Nam được sang học tập và làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Chương trình EPA. Phía Nhật Bản cũng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh chương trình này để làm sao số lượng các em ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được sang học tập và làm việc tại Nhật Bản sẽ ngày càng tăng cao"- ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Tham gia Chương trình, sang Nhật Bản, các ứng viên sẽ vừa học, vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (cả 2 đối tượng mỗi năm được gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Theo đó, ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm 1 lần, ứng viên hộ lý được dự thị một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại thị trường này, hưởng mức lương khoảng 35-39 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, các ứng viên còn được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
Thực tế, qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia của Nhật Bản, các ứng viên Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với điều dưỡng viên và hộ lý của các nước khác, với tỷ lệ thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản rất cao (70% đối với ứng viên điều dưỡng và 90% đối với ứng viên hộ lý). Ứng viên điều dưỡng hộ lý Việt Nam cũng luôn được các cơ sở tiếp nhận đánh giá cao về tính cần mẫn nhiệt tình trong công việc, năng lực chuyên môn, trình độ tiếng Nhật và có thể đảm đương được công việc mà nhân viên điều dưỡng hộ lý Nhật Bản đang làm. Chính vì vậy, nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý Việt Nam từ các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản luôn cao. Hiện các cơ sở y tế của Nhật mong muốn được tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng và hộ lý từ Việt Nam.
"Những ý kiến từ phía các bệnh viện cũng như các cơ sở chăm sóc tại Nhật Bản họ cũng đánh giá rất cao điều dưỡng và hộ lý của Việt Nam đang làm việc tại các cơ sở này. Có thể thấy rằng, từ tỷ lệ đỗ rất cao Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản cũng như những đánh giá tốt từ các cơ sở mà ứng viên điều dưỡng, hộ lý đang làm việc, chúng ta thấy rõ những nỗ lực hợp tác của các cơ quan và hỗ trợ của Chính phủ hai quốc gia, cũng như sự nỗ lực trong đào tạo của các cơ sở tiếng Nhật. Chính phủ Nhật Bản cũng đang đánh giá rất cao những kết quả của chương trình này"- ông Hayashi Mikio, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết.
Việt Nam là quốc gia thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Indonesia và Philippines có thỏa thuận đưa điều dưỡng và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Việc hợp tác, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực từ Việt Nam sang Nhật Bản là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước. Với sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan liên quan phía Nhật Bản và Việt Nam và sự nỗ lực của các ứng viên, chương trình sẽ tiếp tục là điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam- Nhật Bản./.