Điều gì chờ đợi thị trường dầu mỏ
Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang bị đe dọa bởi tốc độ phục hồi kinh tế chậm, căng thẳng thương mại gia tăng, rủi ro chính trị toàn cầu và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Thị trường dầu khí toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhiều nền kinh tế phải đóng cửa, ngừng sản xuất. Giá dầu đã trải qua sự sụp đổ trong tháng 4 vừa qua và đang phục hồi khi các nước dỡ bỏ các hạn chế về kiểm dịch và cắt giảm sản lượng dầu thô từ liên minh OPEC+. Tuy nhiên, một vấn đề khác nảy sinh là trong trong điều kiện đại dịch là việc người dân đi lại ít hơn và hạn chế đi du lịch. Điều này đã hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu.
Theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư vào các hoạt động dầu khí toàn cầu năm 2020 đã giảm 30%, xuống còn 328,4 tỷ USD. IEA cho biết, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ trong thời gian đại dịch là rất nghiêm trọng. Nhiều quốc gia vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế, kiểm dịch khiến nhu cầu dầu thô vẫn trong tình trạng suy giảm. Các công ty dầu khí buộc phải cắt giảm đầu tư của mình để hỗ trợ bảng cân đối kế toán trong bối cảnh doanh thu sụt giảm trong điều kiện hiện nay. Ngoài ra, đầu tư vào công nghệ dầu khí, tìm kiếm thăm dò cũng ghi nhận sự cắt giảm. Điều này dẫn đến sụt giảm sản lượng khai thác dầu thô trong tương lai. Vì vậy, nhiều dự báo cho rằng, nguồn cung dầu mỏ trong tương lai sẽ suy giảm tự nhiên. Một số ví dụ về các công ty dầu khí Mỹ đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng và đang phải nỗ lực thanh toán các khoản nợ:
Chesapeake Energy đang xin bảo hộ phá sản khi ký thỏa thuận với các chủ nợ về việc cung cấp một gói tín dụng cho vay mới.
Whiting Petroleum đang đàm phán với các chủ nợ về việc xóa nợ 2,2 tỷ USD thông qua việc sở hữu 97% cổ phần công ty.
Denbury Resources đang thuê công ty dịch vụ tư vấn tài chính Evercore nhằm quản lý khoản nợ trị giá 2,3 tỷ USD của mình.
Equinor có kế hoạch sa thải 20% nhân sự của mình tại Mỹ, Canada và Anh nhằm đảm bảo lợi nhuận trong điều kiện giá dầu thấp hiện nay.
Điều gì xảy ra với ngành dầu khí hiện nay?
Sau khi cắt giảm hàng nghìn việc làm, ngành công nghiệp dầu mỏ đang đẩy nhanh ứng dụng các phương pháp khoan và nứt vỡ vỉa thủy lực từ xa. Các phương pháp này đang ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí. Ba công ty dịch vụ dầu khí hàng đầu thế giới và Schlumberger, Halliburton, Baker Hughes đã chuyển công việc của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư khoan sang chế độ làm việc từ xa.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường dầu mỏ đã chứng kiến tâm lý lạc quan về sự tăng giá nhiên liệu (những kỳ vọng của giới thương nhân và đầu tư vào sự tăng trưởng nhanh của thị trường và chứng khoán). Thị trường ghi nhận những khoản đầu tư không giới hạn trong giai đoạn 2011 - 2014, khi mà giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng và cả ở giai đoạn 2014 - 2017 khi giá dầu sụt giảm, duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, sự không chắc chắn vẫn là một thách thức đối với hoạt động sản xuất và đầu tư trong ngành công nghiệp này.
Hiện tại, giá dầu Brent đang ở quanh mức 40 - 50 USD/thùng. Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất dầu nói chung có lợi nhuận, giá dầu Brent phải tăng lên 60 USD/thùng. Sau cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2008, giá dầu mất khoảng 6 tháng để quay trở lại mốc 60 USD/thùng. Đến cuộc khủng hoảng 2015 - 2016, thời gian hồi phục của giá dầu là hai năm. Những yếu tố chính tích cực hỗ trợ giá dầu hiện nay là dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục hồi sau khi nhiều quốc gia dỡ bỏ các hạn chế, tự cách ly vì đại dịch.
Giá dầu thô phản ánh sự biến động và tính thanh khoản của thị trường, đồng thời cho thấy rằng dầu là thước đo cho hoạt động kinh tế toàn cầu. Những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran có thể hỗ trợ giá dầu tăng, nhất là trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11. Mỹ tiếp tục lên kế hoạch cấm vận Iran. Áp lực trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela cũng như sụt giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ thời gian gần đây đang làm suy giảm nguồn cung tiềm năng dầu thô ra thị trường. Để thay thế cho nguồn cung dầu từ Iran và Venezuela, phía Mỹ tích cực nhập khẩu dầu cát Canada và dầu thô khai thác ở các khu vực nước sâu tại Brazil.
Những trở ngại đối với ngành công nghiệp dầu khí thế giới
Những yếu tố đang cản trở sự phát triển của thị trường dầu khí có thể là sự suy giảm tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, châu Âu và tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Bên cạnh đó còn là sự leo thang căng thẳng thương mại, gây ra những rủi ro tăng trưởng, thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra cũng phải kể đến các rủi ro địa chính trị toàn cầu, trong đó có bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới và căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Kinh tế Mỹ ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục 31,7% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu phụ thuộc phần lớn vào tình hình kinh tế toàn cầu.
Việc tăng trưởng bằng mọi giá, mối quan hệ một chiều giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp, những thay đổi ưu tiên trong việc cân bằng vốn và dòng tiền (nợ, đầu tư, phân phối) đã gây mất niềm tin của nhà đầu tư và sức hấp dẫn của ngành công nghiệp này. Trên thực tế, một chiến lược quản lý tài chính thận trọng trên cơ sở dẫn đầu về ứng dụng công nghệ mới có thể là chìa khóa để duy trì hoặc lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư. Và trong khi nhiều công ty dầu khí đã đạt được những bước tiến lớn, thị trường tài chính vẫn đang kìm hãm, xem xét đánh giá xem liệu các công ty dầu khí có thể duy trì hoạt động tài chính ổn định hay không.
Các loại hình năng lượng thay thế
Song song với những khó khăn của ngành dầu khí là sự gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ của các loại hình năng lượng thay thế. Lần đầu tiên của kể từ tháng 4/2019, các nguồn năng lượng tái tạo tại Mỹ đã vượt qua năng lượng than, chiếm 23% trong cơ cấu nguồn điện, so với mức 20% của điện than tại nước này. Cũng trong nửa đầu năm 2019, các nguồn năng lượng gió và mặt trời cũng tăng tỷ trọng lên 50% trong sản xuất điện tái tạo tại Mỹ. Như vậy, các nguồn năng lượng tái tạo mới đã thay thế vai trò của thủy điện.
Nhìn chung, sự gia tăng ổn định về phụ tải điện của Mỹ, chi phí năng lượng tái tạo giảm nhanh chóng, các hệ thống lưu trữ năng lượng phát triển nhanh đang làm gia tăng khả năng cạnh tranh của các nguồn năng lượng tái tạo so với năng lượng truyền thống. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi tăng cường vai trò của năng lượng tái tạo trong lĩnh vực sản xuất điện. Nhiều thành phố, tiểu bang, tập đoàn, các công ty tiện ích đã đặt ra các mục tiêu phát triển để sản xuất, phân phối và tiêu thụ nhiều năng lượng tái tạo hơn. Năm 2021 hứa hẹn sẽ là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này có thể xảy ra trong điều kiện tăng cường đổi mới và hợp tác giữa các bên liên quan. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thị trường điện. Tình trạng dư thừa nhiên liệu hóa thạch cùng với những thành tựu trong lĩnh vực sử dụng điện gió và điện mặt trời sẽ đẩy giá năng lượng thế giới tiếp tục giảm.