Điều gì chờ đợi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol?

Sau khi bị bắt tạm giam, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol giờ đây đối mặt với nguy cơ nhận một lệnh bắt giữ chính thức cũng như một bản án hình sự nghiêm trọng. Liệu ông Yoon có lật ngược thế 'chiếu tướng' trong ván cờ khắc nghiệt này?

Ông Yoon chấp nhận bị bắt giữ

Các cơ quan thực thi pháp luật Hàn Quốc ngày 17/1 đã yêu cầu tòa án ra lệnh bắt giam chính thức với tổng thống bị luận tội của nước này, ông Yoon Suk-yeol, người đang ở ngày thứ ba trong trại tạm giam.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết ông chấp nhận bị tạm giam vì muốn tránh “đổ máu không đáng có”. Ảnh: Timeline Daily

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết ông chấp nhận bị tạm giam vì muốn tránh “đổ máu không đáng có”. Ảnh: Timeline Daily

Ông thống Yoon Suk-yeol bị bắt giam hôm 15/1 do những cáo buộc liên quan đến việc ông ban bố thiết quân luật ngày 3/12 năm ngoái và điều binh sĩ đến bao vây trụ sở Quốc hội Hàn Quốc. Khi ấy, thiết quân luật chỉ kéo dài vài giờ vì các nhà lập pháp vượt qua được sự phong tỏa, lọt vào trụ sở Quốc hội để bỏ phiếu bãi bỏ biện pháp này. Đến ngày 14/12, Quốc hội do phe đối lập áp đảo đã bỏ phiếu luận tội ông Yoon.

Sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bị Quốc hội luận tội, Văn phòng Điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao Hàn Quốc (CIO) đã phát lệnh bắt tạm giam nhà lãnh đạo này vào ngày 3/1. Các điều tra viên và cảnh sát được cử đến khu nhà ở của ông Yoon tại Hannam-dong, trung tâm Seoul để thực thi lệnh bắt giữ nhưng vấp phải sự ngăn cản của lực lượng quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ nơi đây.

Đoàn xe chở ông Yoon Suk-yeol về nơi tạm giam. Ảnh: Reuters

Đoàn xe chở ông Yoon Suk-yeol về nơi tạm giam. Ảnh: Reuters

Những người ủng hộ ông Yoon cũng kéo đến bên ngoài khu nhà ở của vị tổng thống để phản đối lệnh bắt giữ, khiến các điều tra viên của CIO phải rút lui. Tổng thống Yoon Suk-yeol sau đó liên tục phớt lờ lệnh triệu tập của cơ quan thực thi pháp luật, vốn có hiệu lực cho đến 9h05 tối 17/1. Nhưng, đến ngày 15/1, ông Yoon bất ngờ tuyên bố chấp nhận việc bị bắt nhằm tránh những “đổ máu” đáng tiếc. Phát biểu với quốc dân, ông nói: “Là tổng thống, người phải bảo vệ Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Đại Hàn Dân quốc, tôi tuân thủ các quy trình bất hợp pháp và vô hiệu này không có nghĩa là tôi chấp nhận. Điều này chỉ để ngăn chặn đổ máu không đáng có”.

Sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bị tạm giam, các luật sư của ông yêu cầu tòa án quận Trung tâm Seoul ra lệnh thả ông đồng thời đặt câu hỏi về tính hợp hiến của lệnh bắt giữ do Tòa án quận phía Tây Seoul ban hành. Họ lập luận rằng không cần phải giam giữ ông Yoon trong quá trình điều tra, vì nhà lãnh đạo này không gây ra mối đe dọa bỏ trốn hoặc tiêu hủy bằng chứng. Tuy nhiên, vào cuối ngày 16/1, Tòa án quận Trung tâm Seoul bác bỏ yêu cầu thả ông Yoon. Điều đó đồng nghĩa rằng, ông vẫn bị tạm giam trong khi chờ tòa án cân nhắc xem có nên chính thức bắt giữ ông hay không.

Lập luận của các bên như thế nào?

Trong lúc Tổng thống Yoon Suk-yeol bị tạm giam, hàng trăm người ủng hộ ông đã tập trung gần Tòa án quận phía Tây Seoul, hô vang các khẩu hiệu kêu gọi trả tự do cho ông. Đáp lại, trong thông điệp gửi đến những người ủng hộ, được truyền đạt thông qua luật sư, ông Yoon cảm ơn họ đã xuống đường trong thời tiết giá lạnh để thể hiện “lòng yêu nước nồng nhiệt” của mình.

Những người ủng hộ Tổng thống Yoon Suk-yeol biểu tình phản đối vụ bắt giữ ông. Ảnh: Asahi

Những người ủng hộ Tổng thống Yoon Suk-yeol biểu tình phản đối vụ bắt giữ ông. Ảnh: Asahi

Nếu Tổng thống Yoon Suk-yeol chính thức bị bắt giữ, các điều tra viên có thể gia hạn thời gian tạm giam lên 20 ngày, trong lúc đó họ sẽ chuyển vụ án cho công tố viên để truy tố. Trong trường hợp các công tố viên truy tố Tổng thống Yoon Suk-yeol về tội nổi loạn và lạm dụng quyền lực, là những cáo buộc đang được các điều tra viên xem xét, họ có thể giam giữ ông trong thời gian lên đến 6 tháng cho đến khi có phán quyết của tòa án sơ thẩm. Nếu tòa án sơ thẩm kết tội ông Yoon và tuyên án tù, nhà lãnh đạo 64 tuổi sẽ phải chấp hành bản án đó trong khi vụ việc có thể được chuyển lên Tòa án Cấp cao Seoul và Tòa án Tối cao.

Theo luật pháp Hàn Quốc, việc dàn dựng một cuộc nổi loạn có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình. Để tránh bị kết án về tội phản loạn, Tổng thống Yoon Suk-yeol phải chứng minh tuyên bố thiết quân luật chỉ là lời cảnh báo tạm thời và “hòa bình” đối với phe đối lập, lực lượng bị nhà lãnh đạo này cáo buộc là cản trở chương trình nghị sự của ông và làm tê liệt các vấn đề nhà nước nhờ chiếm đa số trong cơ quan lập pháp.

Trên thực tế, Tổng thống Yoon và các luật sư cũng đã tuyên bố rằng ông không có ý định ngăn chặn hoạt động của Quốc hội và việc triển khai quân đội nhằm mục đích duy trì trật tự, không phải ngăn cản các nghị sĩ thực hiện cuộc bỏ phiếu phản đối thiết quân luật. Họ cũng cho biết các binh sĩ được cử đến trụ sở Quốc hội không mang theo vũ khí và phủ nhận cáo buộc rằng ông Yoon đã ra lệnh bắt giữ các chính trị gia chủ chốt, bao gồm Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik và lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung.

Tuy nhiên, các chỉ huy quân sự có liên quan đến sự kiện này khai rằng đây là một nỗ lực cố ý nhằm chiếm giữ cơ quan lập pháp. Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi phe đối lập, những người cho rằng chỉ nhờ sự ngăn chặn của hàng trăm thường dân và nghị sĩ, cũng như sự miễn cưỡng hoặc từ chối tuân lệnh của các binh sĩ mà những nghị sĩ vào được trụ sở Quốc hội để thực hiện cuộc bỏ phiếu.

Bản cáo trạng của công tố viên đối với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun, đã bị bắt giữ hôm 8/12, nêu rằng ông Yoon đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát bắt giữ các chính trị gia chủ chốt hoặc bất kỳ nhà lập pháp nào cố gắng vào trụ sở Quốc hội, qua đó ngăn chặn cơ quan lập pháp gồm 300 thành viên thu thập được 150 phiếu bầu cần thiết để lật ngược lệnh thiết quân luật của ông. Bản cáo trạng mô tả ông Yoon trở nên mất kiên nhẫn khi gọi điện cho các chỉ huy quân đội để phá hủy cửa phòng họp chính và đưa các nhà lập pháp ra khỏi phòng họp.

Những chi tiết kể trên cũng tương tự lời khai của trung tướng Kwak Jong-keun, chỉ huy Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt của Lục quân hiện đã bị bắt. Tướng Kwak cho biết Tổng thống Yoon Suk-yeol đã trực tiếp chỉ đạo ông ra lệnh cho quân đội đưa các nhà lập pháp ra khỏi phòng họp nhưng ông đã không thực hiện những mệnh lệnh đó.

Cơ hội nào cho ông Yoon?

Theo các nhà phân tích, cơ hội để Tổng thống Yoon Suk-yeol thoát khỏi bản án hình sự phụ thuộc vào phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Nếu tòa bác bỏ quyết định luận tội ông Yoon, đồng nghĩa sẽ phục chức cho nhà lãnh đạo này thì mọi nguy cơ sẽ được hóa giải. Trong trường hợp ngược lại, vị tổng thống bị phế truất sẽ không còn được bảo vệ bởi những đặc quyền dành cho nguyên thủ quốc gia nữa.

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần thứ nhất về ông Yoon tại Seoul, ngày 16/1. Ảnh: Yonhap

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần thứ nhất về ông Yoon tại Seoul, ngày 16/1. Ảnh: Yonhap

Được biết, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã lên lịch 3 phiên điều trần bổ sung vào các ngày 6, 11 và 13/2 để tiếp tục xem xét trường hợp của ông Yoon, sau khi đã kết thúc phiên điều trần gần nhất vào ngày 16/1. Do đang bị tạm giam, ông Yoon có thể sẽ bỏ lỡ các phiên điều trần tới đây nhưng theo luật, Tòa án Hiến pháp có thể tiến hành thảo luận có hoặc không có sự tham dự của ông kể từ phiên điều trần thứ hai.

Trên chính trường Hàn Quốc lúc này, sự ủng hộ dành cho đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon đang có dấu hiệu phục hồi sau khi xuống rất thấp vì vụ thiết quân luật. Cuộc thăm dò của Gallup Korea cho thấy đảng PPP đã dẫn trước đảng Dân chủ (DP) đối lập với tỷ lệ 39% so với 36%, lần đầu tiên kể từ tháng 8.

Thật khó để xác định mức tăng của PPP thể hiện bao nhiêu sự thông cảm dành cho Tổng thống Yoon Suk-yeol và bao nhiêu là sự thất vọng lớn hơn về tình hình hỗn loạn của chính trường đất nước sau đó, vì Gallup Korea và hầu hết các công ty thăm dò ý kiến khác đã ngừng khảo sát mức tín nhiệm cá nhân của ông Yoon.

Một cuộc thăm dò dư luận hôm 17/1 cho thấy 57% người được hỏi ủng hộ việc phế truất nhà lãnh đạo 64 tuổi này, và những người phản đối ông Yoon vẫn thường xuyên tụ tập biểu tình với số lượng lớn. Trong khi đó, những người ủng hộ ông Yoon cũng xuống đường và bày tỏ quan điểm mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Những thái cực đối lập và sự chia rẽ như vậy là chỉ dấu về một bối cảnh rối ren trong cả hai trường hợp: ông Yoon bị kết tội hoặc được phục chức. Và, đó là tín hiệu không tốt cho Hàn Quốc trong bối cảnh kinh tế nước này đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến động chính trị.

Theo Báo Korea Times, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đất nước trong năm 2025 do những tác động của tình hình chính trị xung quanh Tổng thống bị luận tội Yoon Suk-yeol và các rủi ro bên ngoài xuất phát từ căng thẳng thương mại toàn cầu.

Bộ này ước tính kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 1,8% vào năm 2025, giảm mạnh so với mức 2,6% mà bộ này đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's Ratings cũng cho biết việc bất ổn chính trị kéo dài làm gián đoạn hoạt động kinh tế có thể tác động tiêu cực đến tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc.

Bình luận về tình hình hiện tại, nhật báo lớn nhất Hàn Quốc Chosun Ilbo kêu gọi các bên sớm tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị để ngăn hậu quả xấu tới nền kinh tế và sinh kế của người dân. “Giới chính trị nên tập hợp trí tuệ của mình và hành động nhanh chóng để loại bỏ những bất ổn do tình hình này gây ra”, bài xã luận của Chosun Ilbo viết.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/dieu-gi-cho-doi-tong-thong-han-quoc-yoon-suk-yeol--i757423/