Điều gì đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho Thụy Điển gia nhập NATO?
Sau một năm bế tắc,Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Tại sao nhà lãnh đạo này lại thay đổi quyết định như vậy?
Pha “quay xe” bất ngờ
Hai lần trong cùng một ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã khiến phương Tây sửng sốt: Đầu tiên là đồng ý với yêu cầu kết nạp Thụy Điển trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sau đó là một thỏa hiệp bất ngờ vào phút cuối.
Hôm thứ Hai (10/7), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo rằng ông Erdogan đã đồng ý chuyển đề xuất của Thụy Điển về việc gia nhập liên minh quân sự này tới quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ "càng sớm càng tốt".
Trước khi xác nhận của Ankara được công bố, ông Erdogan đã có một động thái cuối cùng khiến mọi người bất ngờ. Tại một cuộc họp báo trước khi rời Istanbul để dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius, Lithuania hôm 11/7, ông đã đưa ra một điều kiện khác để Thụy Điển trở thành thành viên NATO.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rằng đất nước của ông đã chờ đợi ở ngưỡng cửa của Liên minh châu Âu (EU) trong hơn 50 năm và đã phát biểu trước Brussels rằng: “Hãy mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, và sau đó chúng tôi sẽ mở đường cho Thụy Điển, giống như chúng tôi đã mở đường cho Phần Lan”.
Bối rối trước động thái này, Brussels đã từ chối yêu cầu của Erdogan, nhấn mạnh rằng NATO và EU là các quá trình riêng biệt. Tuy nhiên, một tuyên bố chung được đưa ra sau thỏa thuận NATO cho biết Thụy Điển sẽ "tích cực hỗ trợ các nỗ lực tái tạo quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm hiện đại hóa Liên minh Hải quan EU-Thổ Nhĩ Kỳ và tự do hóa thị thực”.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm?
Mặc dù các phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ miêu tả sự ủng hộ của Thụy Điển là một chiến thắng cho ông Erdogan, nhưng các chuyên gia cho rằng đây không phải là một thành tựu mới đối với Ankara, vì Thụy Điển từ lâu đã là một trong những quốc gia thuộc EU ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên.
Nhưng ông Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc văn phòng Quỹ Marshall của Đức tại Ankara, tin rằng động thái của Tổng thống Erdogan vẫn có thể được coi là một thông điệp quan trọng.
“Tôi nghĩ sau cuộc bầu cử, ông Erdogan đang tìm kiếm mối quan hệ tích cực hơn với Mỹ và châu Âu, và ông ấy muốn được họ chấp nhận", Unluhisarcikli nói. "Ví dụ như những lời của ông ấy về việc mở đường vào EU; sẽ không có gì xảy ra trong vấn đề này và ông ấy biết điều đó. Nhưng điều ông ấy muốn nói là 'Đừng loại trừ tôi'”.
Một giả thuyết khác cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, với tỷ lệ lạm phát kỷ lục và đồng lira mất giá nhanh chóng, đang chuyển chính sách cân bằng giữa Nga và phương Tây theo hướng có lợi cho phương Tây chủ yếu vì lý do kinh tế.
Ankara có thể đạt được lợi thế kinh tế bằng cách hiện đại hóa Liên minh Hải quan EU-Thổ Nhĩ Kỳ. Việc này nhằm mục đích mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, các lĩnh vực dịch vụ bên cạnh các sản phẩm công nghiệp. Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng học được cách tự bảo vệ mình trước các hiệp định thương mại tinh vi của EU với các nước thứ ba.
Hành trình khó nhọc đến EU của Thổ Nhĩ Kỳ
Các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của Ankara, bắt đầu tại Brussels vào năm 2005, đã không đạt được tiến bộ cụ thể. Đặc biệt là sau âm mưu đảo chính vào tháng 7 năm 2016, các cuộc đàm phán đã đi vào bế tắc do các biện pháp chống khủng bố do Ankara thực hiện đã bị nhiều nước châu Âu lên án.
Các nhà quan sát ở châu Âu lập luận rằng để phục hồi đáng kể quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU ở góc độ thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên phải bình thường hóa quan hệ với Hội đồng châu Âu (CoE), một tổ chức quốc tế được thành lập để bảo vệ nhân quyền, dân chủ và pháp quyền ở châu Âu. CoE độc lập với EU, nhưng không có quốc gia nào từng gia nhập khối mà không thuộc về CoE trước.
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên CoE, nhưng mối quan hệ của họ đã rạn nứt trong những năm gần đây. Ankara đã không tuân theo phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu, cơ quan nổi tiếng nhất của CoE, về việc "thả ngay lập tức" Osman Kavala, một nhà hoạt động và nhà từ thiện người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bỏ tù từ năm 2017, và Selahattin Demirtas, một chính trị gia người Kurd nổi tiếng người đã bị cầm tù từ năm 2016.
Nếu không có tiến triển trong vụ Kavala, CoE sẽ bắt đầu đàm phán về các biện pháp trừng phạt có thể có đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa thu này. Vì vậy, còn rất nhiều việc mà Ankara cần phải làm cho quá trình gia nhập EU hơn là chấp thuận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
Liệu Ankara có nhận được máy bay từ Washington?
Trong khi hành trình EU của Thổ Nhĩ Kỳ không hướng tới một đích đến thực tế trong tương lai gần, quyết định của Ankara về Thụy Điển có thể là khởi đầu cho các thỏa thuận mới với Washington.
Các liên hệ ngoại giao gần đây với Mỹ cũng góp phần vào sự đồng thuận đạt được ở Vilnius. Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh quyết định của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO.
“Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”, Tổng thống Joe Biden nói trong một tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra.
Trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO, một tuyên bố quan trọng khác đến từ Vilnius. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan cho biết Mỹ có thể sẽ tiến hành chuyển giao chiến đấu cơ phản lực F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham vấn của Quốc hội Mỹ.
Trong khi cả Ankara và Washington đều cho rằng không có mối liên hệ nào giữa hai vấn đề, thì những diễn biến đã dẫn đến suy đoán rằng việc ông Erdogan rút khỏi việc ngăn chặn con đường NATO của Thụy Điển đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ tiến một bước gần hơn tới thỏa thuận F-16.
Ankara đã lặp lại mong muốn mua 40 máy bay chiến đấu F-16 mới của Lockheed Martin Corp và khoảng 80 gói nâng cấp hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của họ. Tuy nhiên, một số thành viên của Quốc hội Mỹ không hài lòng về thương vụ này, đặc biệt Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez, vì Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, cũng như các mối quan tâm khác - bao gồm cả việc Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn NATO kết nạp Thụy Điển.
Sau khi Erdogan “bật đèn xanh” cho Thụy Điển trở thành thành viên, ông Menendez cũng đưa ra thông điệp lạc quan, dù vẫn còn thận trọng. Thượng nghị sĩ 69 tuổi cho biết, ông đang thảo luận vấn đề này với chính quyền Biden và rằng ông có thể quyết định trong vòng tuần tới về tình trạng của thương vụ F-16.
Asli Aydintasbas, một cựu nhà báo từ Thổ Nhĩ Kỳ, lập luận trong bài viết của mình trên tờ Washington Post: “Những chiếc F-16 có thể không đến ngay lập tức, nhưng có khả năng là đã có những đảm bảo chắc chắn rằng cuối cùng chúng sẽ được chuyển giao”. Theo Aydintasbas, một sự thiết lập lại mối quan hệ trên quy mô lớn hơn có thể đang được thực hiện nếu cả Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đều chơi đúng quân bài của họ.