Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu Vietnam Airlines?

Giá cổ phiếu HVN liên tục giảm mạnh 2 tuần gần nhất khiến vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines giảm hơn 1 tỷ USD chỉ trong thời gian ngắn.

 Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã giảm sàn 4/5 phiên giao dịch gần nhất. Ảnh: VNA.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã giảm sàn 4/5 phiên giao dịch gần nhất. Ảnh: VNA.

Kết thúc phiên giao dịch 22/7, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines tiếp tục giảm kịch biên độ xuống mốc 24.350 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, đây đã là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp và là phiên giảm sàn thứ 4/5 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu này. Trong gần 2 tuần qua, cổ phiếu HVN chỉ giữ xu hướng giảm.

Chỉ trong nửa tháng, thị giá HVN đã bốc hơi 33% và lùi về vùng thấp nhất kể từ cuối tháng 5. Vốn hóa thị trường của hãng bay vì thế cũng giảm từ 80.500 tỷ đồng xuống gần 54.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm ròng 26.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Đà giảm liên tục gần đây của cổ phiếu Vietnam Airlines diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này đã tăng rất mạnh từ đầu năm.

Cổ phiếu Vietnam Airlines bay cao rồi lao dốc

Trước chuỗi phiên giảm sâu vừa qua, các cổ đông Vietnam Airlines đã trải qua nửa năm giao dịch tích cực khi giá cổ phiếu tăng gấp 3 lần từ đầu năm (hơn 12.000 đồng) lên đỉnh phiên 5/7 (hơn 36.000 đồng/cổ phiếu).

Trong đó, đà tăng của HVN bắt đầu đến rõ rệt khi quý I kết thúc. Trước đó, mã chứng khoán đại diện cho hãng hàng không quốc gia đã duy trì xu hướng đi ngang quanh ngưỡng 12.000-13.500 đồng/cổ phiếu suốt thời gian dài.

Động lực đáng chú ý nhất hỗ trợ giá cổ phiếu hàng không này chính là những kỳ vọng về kết quả kinh doanh khởi sắc sau quãng thời gian dài làm ăn thua lỗ vì đại dịch, kinh tế khó khăn.

Trong quý I, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu tăng hơn 25% so với cùng kỳ lên gần 28.300 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu quý cao nhất kể từ khi hãng chuyển sang mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Nguồn thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn, đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao.

Ngoài ra, sự trở lại của các tuyến bay quốc tế cũng góp công vào bức tranh kinh doanh tích cực của Vietnam Airlines. Trong quý I, các chuyến bay quốc tế đóng góp 65% vào tổng doanh thu vận tải hàng không của hãng.

Giá vốn hàng bán tăng ít hơn doanh thu giúp công ty lãi gộp hơn 4.000 tỷ đồng trong quý đầu năm, gấp đôi cùng kỳ. Công ty cũng ghi nhận hơn 3.630 tỷ đồng thu nhập khác từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines.

Sau cùng, lợi nhuận sau thuế quý I của Vietnam Airlines đã tăng vọt lên hơn 4.400 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi thua lỗ 16 quý liên tiếp.

Ngoài kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu HVN nửa đầu năm còn được hỗ trợ bởi một loạt thông tin tích cực như chính sách tăng trần vé máy bay nội địa hay việc Ngân hàng Nhà nước gia hạn khoản vay 4.000 tỷ đồng để hãng khắc phục khó khăn.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta, ngành hàng không đã đi qua thời kỳ khó khăn nhờ 4 lý do chính gồm giá dầu ổn định quanh mức 90 USD/thùng (chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-28% chi phí khai thác của các hãng hàng không); khách quốc tế duy trì đà phục hồi, khách trong nước tăng trưởng ổn; và tăng trần giá vé máy bay.

Ngoài ra, khi sân bay quốc tế Long Thành được hoàn thiện với công suất 100 triệu lượt khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa, tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được khác phục, đồng thời mang lại lợi ích cho các hãng bay và dịch vụ hàng không dài hạn.

Đến quý II lợi nhuận đi lùi

Các thông tin tích cực trong nửa đầu năm đã hỗ trợ đà tăng giá tích cực của cổ phiếu HVN. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý II của hãng bay này lại không quá tích cực, phần nào giải thích xu hướng giá cổ phiếu.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines, cho biết ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong 6 tháng đầu năm của tổng công ty hàng không đạt hơn 4.600 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa sau 3 tháng kinh doanh trong giai đoạn cao điểm hè, hãng bay chỉ tích lũy thêm vài trăm tỷ đồng lợi nhuận, kém xa quý I.

Chia sẻ thêm, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết dù có một số yếu tố thuận lợi nhưng 6 tháng đầu năm nay vẫn là giai đoạn có nhiều thách thức.

 Cổ phiếu HVN rơi thẳng đứng. Ảnh: TradingView.

Cổ phiếu HVN rơi thẳng đứng. Ảnh: TradingView.

Trong đó, giá nhiên liệu tăng làm tăng chi phí vận hành, tỷ giá tăng 4,8% từ đầu năm cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh. Trên hết, toàn ngành hàng không Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt tàu bay do các lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất.

Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỳ vọng trên 4.230 tỷ đồng và lợi nhuận riêng công ty mẹ đạt 105 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, Vietnam Airlines đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận gần 9%.

Ngoài kết quả kinh doanh quý II thấp hơn quý I, giới đầu tư cho rằng đà giảm "kịch liệt" lần này của cổ phiếu HVN một phần đến từ áp lực chốt lời của các nhà đầu tư đã có lợi nhuận trước đó.

Cụ thể, tính từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 7, thị giá cổ phiếu này đã tăng hơn 170% lên vùng cao nhất 6 năm, trong khi đà giảm vừa qua mới tương đương 33% giá từ đỉnh.

Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán vẫn dao động lình xình quanh vùng dưới 1.300 điểm khiến nhà đầu tư có tâm lý hiện thực hóa lợi nhuận sớm hơn thay vì nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Điều này dẫn tới nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh từ đầu năm bị chốt lời mạnh từ đầu tháng 7, trong đó có cổ phiếu HVN.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-gi-dang-xay-ra-voi-co-phieu-vietnam-airlines-post1487593.html