Điều gì đang xảy ra với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ?
Liên tiếp trong tuần qua, Không quân Mỹ đã mất 2 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hiện đại là F-22 Raptor (Chim ăn thịt) và F-35A Lightning II (Tia chớp) tại căn cứ không quân Eglin, bang Florida. Có thể thấy, tần suất tai nạn của máy bay thế hệ thứ 5 của Mỹ có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua.
Phi công Mỹ từng sợ bay với F-22
Trong chuyến bay huấn luyện thường kỳ hôm 15/5 tại căn cứ Eglin, chiếc F-22 mang số hiệu 325 thuộc Không đoàn số 43 đã gặp nạn. Cũng giống như các vụ tai nạn trước đó của dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này, nguyên nhân của vụ việc không được công bố. Rất may mắn là phi công đã kịp nhảy dù và được đưa tới bệnh viện kịp thời.
Tính từ thời điểm dây chuyền lắp ráp máy bay F-22 đóng cửa tới nay, đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn liên quan tới dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 ngày. Thậm chí, giới chuyên gia quân sự đã hoài nghi về chất lượng của máy bay F-22 với hàng loạt vấn đề không thể khắc phục, trong đó có nhiều lỗi gây nguy hiểm tới tính mạng của phi công.
Trong các vụ tai nạn liên tiếp diễn ra ở các năm 2009, 2010 và 2012, hàng loạt vấn đề kỹ thuật đã được phát hiện trên máy bay F-22. Các lỗi quá nhiệt dẫn đến cháy động cơ hay thiết bị tái tạo dưỡng khí hoạt động sai khiến phi công bất tỉnh trên khoang đều là các vấn đề gây chết người. Dù Không quân Mỹ cho rằng có một phần lỗi của phi công trong các vụ tai nạn, nhưng cũng không giúp xóa nhòa các vấn đề kỹ thuật còn tồn tại trên dòng máy bay chiến đấu đắt tiền này.
Thậm chí, trong vụ tai nạn máy bay F-22 xảy ra năm 2019 làm phi công Jeffrey Haney thiệt mạng, cơ quan điều tra ban đầu kết luận nguyên nhân vụ tai nạn do lỗi của phi công, nhưng sau khi thu thập đủ chứng cứ, nguyên nhân vụ tai nạn lại do tình trạng kỹ thuật của máy bay không đảm bảo. Vụ việc tai tiếng tới mức, thân nhân của phi công Jeffrey Haney sau đó đã gửi đơn kiện hãng chế tạo Lockheed Martin, nơi phát triển và lắp ráp máy bay F-22.
Những vấn đề kỹ thuật của máy bay F-22 chính là do sự phức tạp của các công nghệ áp dụng trong quá trình chế tạo. Để tối ưu cho khả năng tàng hình, máy bay F-22 đã phải hy sinh nhiều tính năng an toàn so với máy bay chiến đấu truyền thống. Thậm chí là thiết kế lõi của máy bay đã có những vấn đề không thể khắc phục. Dù không công bố, nhưng những con số thống kê về khả năng chiến đấu của máy bay F-22 đã minh chứng nó là phương tiện chiến đấu không đủ tin cậy. Trong năm 2019, giới chức Không quân Mỹ xác nhận tình trạng sẵn sàng chiến đấu của máy bay F-22 sau nhiều nỗ lực cải thiện vẫn chỉ đạt 68%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn hơn 80% đề ra. Trước đó, trong giai đoạn 2011-2012, các chuyến bay của F-22 đã phải tạm hoãn do các vấn đề kỹ thuật. Đã ghi nhận ít nhất có 2 phi công từ chối bay trên máy bay F-22 do lo ngại mất an toàn.
Vấn đề của “Tia chớp” cũng tương tự như “Chim ăn thịt”
Do cùng là sản phẩm của hãng chế tạo Lockheed Martin, máy bay F-35 ra đời sau chắc chắn được kế thừa nhiều công nghệ và bài học kinh nghiệm từ quá trình phát triển máy bay F-22. Tuy nhiên, tham vọng về một dòng máy bay tác chiến liên quân hội đủ các yêu cầu của cả hải-lục-không quân đã khiến máy bay F-35 tồn tại rất nhiều lỗi kỹ thuật. Theo thống kê của Ủy ban giám sát Trang bị quân sự thuộc Hạ viện Mỹ, tính tới cuối năm 2019, máy bay F-35 vẫn còn tồn tại tới gần 900 lỗi kỹ thuật, trong đó có nhiều lỗi đã tồn tại nhiều năm qua. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới các tai nạn của dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ 5 này.
Trước vụ tai nạn xảy ra hôm 19/5, một vụ tai nạn máy bay F-35A của Không quân Nhật Bản từng được giới quan sát quân sự quốc tế chú ý vì những bất thường liên quan tới tình tiết vụ việc. Hồi tháng 4/2019, máy bay F-35A thuộc phi đội số 302, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã gặp nạn và rơi xuống Thái Bình Dương. Phi công lái chiếc máy bay xấu số là người dày dạn kinh nghiệm, Thiếu tá Akinomi Hosomi, 41 tuổi, đã tử nạn.
Sau vụ việc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ra tuyên bố về nguyên nhân vụ tai nạn không phải do các vấn đề kỹ thuật của máy bay, mà là do phi công Akinomi Hosomi mất định hướng không gian khi bay biển. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc tại sao một phi công dày dạn kinh nghiệm bay biển như Akinomi Hosomi lại mắc lỗi sơ đẳng là mất định hướng trong không thì không được giải thích.
Trước đó, vào tháng 9/2018, một máy bay F-35B thuộc biên chế Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã rơi cách căn cứ Beaufort 8km. May mắn là phi công đã kịp nhảy dù và thoát ly an toàn. Đây được coi là tai nạn đầu tiên của máy bay F-35. Một vấn đề khác ít được chú ý là ngoài các vụ tai nạn chính thức, nhiều máy bay F-35 đã gặp vấn đề kỹ thuật buộc phải hạ cánh khẩn cấp như: Vụ máy bay F-35A bị cháy động cơ dẫn tới hư hỏng nặng tại căn cứ Eglin hồi năm 2014 hay vụ việc tương tự xảy ra với máy bay F-35B hồi năm 2016.
Những vụ việc trên gây tổn hại nghiêm trọng tới chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35 trị giá hàng trăm tỷ USD của Mỹ và đồng minh. Chính vì thế, không lạ khi nguyên nhân các vụ tai nạn đều được xác định do nguyên nhân con người hoặc khách quan!