Điều gì đợi các 'đại gia' bất động sản Trung Quốc sau khi Evergrande 'thoát hiểm' vào phút chót?
Một lần nữa, China Evergrande lại thoát khỏi 'bờ vực' vỡ nợ bằng cách thanh toán tiền lãi trái phiếu vào phút chót. Tuy nhiên, khủng hoảng thanh khoản trong toàn ngành bất động sản Trung Quốc, đặc biệt là tại các doanh nghiệp lớn, vẫn như đang treo lơ lửng...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Cuối tuần vừa rồi, khách hàng của công ty thanh toán quốc tế Clearstream đã nhận được tiền lãi của ba lô trái phiếu USD từ Evergrande. Đây là số tiền lãi 148 triệu USD đáo hạn trước đó một tháng và có thời gian ân hạn là 30 ngày.
DỒN DẬP ĐÁO HẠN NỢ TRÁI PHIẾU TẠI DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN TRUNG QUỐC
Mấy tuần gần đây, Evergrande, công ty bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, trải qua 3 đợt thanh toán tiền lãi trái phiếu quốc tế. Lần nào công ty này cũng trả nợ vào phút chót và nhờ đó thoát khỏi cảnh vỡ nợ chéo – một kịch bản tồi tệ mà giới quan sát cho rằng sẽ đẩy cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc lên một nấc thang mới. Dù vậy, Evergrande vẫn đang “oằn mình” dưới khối nghĩa vụ nợ 300 tỷ USD, trong đó 19 tỷ USD là nợ trái phiếu phát hành bằng USD.
Sau mỗi lần Evergrande trả được nợ, giới đầu tư toàn cầu lại “thở phào”. Nhưng vấn đề nợ nần trong ngành địa ốc Trung Quốc – lĩnh vực có trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD và đóng góp khoảng 1/4 GDP của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới – vẫn chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng. Từ nay đến hết năm 2021 và trong năm 2022, các “ông lớn” bất động sản Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những khoản nợ dồn dập đáo hạn.
“Đó chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Còn một chặng đường rất dài phải đi trước khi vấn đề được giải quyết triệt để”, một nguồn thạo tin nói với hãng tin Reuters về tình hình ở Evergrande.
Tìm mọi cách để huy động tiền mặt để trả nợ là việc đang diễn ra ở hầu hết các công ty bất động sản Trung Quốc ở thời điểm này, khi cuộc khủng hoảng nợ đã khiến các doanh nghiệp hầu như mất khả năng huy động vốn từ thị trường trái phiếu.
Theo tin từ Bloomberg, Sunac China Holdings, một trong những công ty phát triển địa ốc lớn nhất Trung Quốc, vừa huy động được khoảng 953 triệu USD thông qua phát hành cổ phiếu mới và bán bớt cổ phần trong một công ty con.
Trong một tuyên bố ngày 14/10, Sunac cho biết đã phát hành 335 triệu cổ phiếu mới, thu về 653 triệu USD. Ngoài ra, công ty thu về 300 triệu USD nhờ bán 158 triệu cổ phiếu trong công ty con về quản lý bất động sản, với mức giá rẻ hơn 11% so với giá đóng cửa phiên ngày thứ Sáu của cổ phiếu công ty này niêm yết tại thị trường Hồng Kông.
Ông Sun Hongbin, cổ đông chính và là Chủ tịch của Sunac, bỏ thêm 450 triệu USD cho công ty vay không lấy lãi.
Ngành bất động sản của Trung Quốc gặp khó khi đại dịch Covid-19 khiến doanh số bán nhà giảm sút và Chính phủ nước này đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát vay nợ trong nền kinh tế. Trao đổi với Reuters, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ giữ vững chính sách giảm nợ tại các công ty bất động sản, cho dù việc này gây biến động thị trường tài chính.
Sau đợt thanh toán nợ vừa rồi, Evergrande sẽ phải thanh toán 255 triệu USD tiền lãi trái phiếu đáo hạn vào ngày 28/12. Không chỉ chủ nợ trái phiếu, Evergrande còn đang đối mặt với sức ép từ khách hàng mua nhà, nhà cung cấp, chủ nợ là ngân hàng… Những tuần gần đây, nhà đầu tư bỏ tiền vào các dự án còn dang dở của Evergrande đã biểu tình tại các văn phòng của công ty để đòi tiền, gây sức ép đòi cơ quan chức năng tìm giải pháp.
“PHẬP PHỒNG” HY VỌNG VỀ MỘT GIẢI PHÁP TỪ BẮC KINH
Trong ngắn hạn, một loạt công ty bất động sản Trung Quốc đang căng thẳng thanh khoản khác cũng đến hạn trả nợ, trong đó có Kaisa Group. Công ty này là doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc nợ trái phiếu quốc tế nhiều thứ hai, chỉ sau Evergrande. Tính đến cuối tháng 6 năm nay, Kaisa có dư nợ trái phiếu USD là 10,9 tỷ USD.
Tuần trước, Kaisa đã lên tiếng đề nghị các chủ nợ giúp đỡ khi đến hạn thanh toán tổng số 59 triệu USD tiền lãi trái phiếu vào hôm thứ Năm và thứ Sáu. Cả hai khoản lãi này đều có thời gian ân hạn 30 ngày. Năm nay, giá cổ phiếu Kaisa đã giảm hơn 70%, đưa giá trị vốn hóa của công ty về mức xấp xỉ 1 tỷ USD. Cổ phiếu Kaisa niêm yết tại thị trường Hồng Kông đã bị đình chỉ giao dịch từ hôm 5/11.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cảnh báo rằng khủng hoảng trong ngành bất động sản Trung Quốc có thể gây rủi ro toàn cầu. Trong khi đó, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẽ ra tay giải cứu các doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn đang đứng trước rủi ro vỡ nợ.
Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh mới chỉ có những tuyên bố mang tính trấn an nhà đầu tư và người mua nhà, nói rằng rủi ro nằm trong tầm kiểm soát và nhà chức trách sẽ điều chỉnh việc các ngân hàng siết chặt tín dụng một cách thái quá. Một số cuộc họp giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp bất động sản đã diễn ra, và thị trường vẫn đang “phập phồng” hy vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra một chính sách nào đó để ngăn một cuộc “hạ cánh cứng” của ngành bất động sản, cho rằng khả năng về một cuộc giải cứu trực tiếp là rất thấp.
Dù sao, việc Evergrande tạm thời thoát hiểm cũng là một tin tốt giữa lúc có quá nhiều tin xấu từ ngành bất động sản Trung Quốc. Cổ phiếu các công ty địa ốc Trung Quốc niêm yết tại thị trường Hồng Kông đã tăng mạnh trong phiến ngày thứ Sáu, với chỉ số Hang Seng Mainland Properties Index đóng cửa tăng 5,6%. Trong đó, cổ phiếu Evergrande tăng 6,8%, đạt mức cao nhất 2 tuần.
Giá trái phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc cũng tăng vọt sau khi không ngừng lao dốc những tuần gần đây. Giá trái phiếu USD đáo hạn vào tháng 3/2027 của China Aoyuan Group tăng hơn 30%. Giá trái phiếu USD đáo hạn vào tháng 4/2022 của Evergrande tăng 4%.