Điều gì giúp ứng viên ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng năm 2024?
Thách thức trong tuyển dụng không chỉ là tìm người lao động, mà còn phải đảm bảo ứng viên đáp ứng được yêu cầu công việc. Ứng viên cần hiểu rõ nhu cầu tuyển dụng và nâng cao năng lực để đáp ứng tiêu chí của nhà tuyển dụng. Đây là chìa khóa quan trọng cho cả ứng viên lẫn doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng nhân sự.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự năm 2024
Theo dự báo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, khi bước sang năm 2024, tình hình kinh tế và chính trị toàn cầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức nan giải. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam, cho biết dự báo trong năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn hiện hữu và tiếp tục gây tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa rõ ràng. Trong nước, mặc dù có nhiều thời cơ và thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức xen kẽ. Các động lực tăng trưởng truyền thống vẫn còn yếu, trong khi động lực mới chưa thật sự rõ ràng. Vì vậy, dự báo năm 2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách gay gắt. Tác động từ sự suy giảm của kinh tế thế giới kéo dài từ thời đại đại dịch COVID-19 đến nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu phục hồi tích cực và khả quan hơn.
Mặc dù tình hình kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhưng theo Báo cáo Khảo sát Thị trường Tuyển dụng năm 2023-2024 của JobsGO - đơn vị uy tín trong lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng và tìm việc tại Việt Nam, vẫn có tới 83,7% trong số gần 400 nhà tuyển dụng thuộc nhiều lĩnh vực và quy mô khác nhau tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự. Cụ thể, 12,5% dự định tăng nhân sự trên 30%, 39,72% tuyển thêm từ 10-30%, và 31,71% tuyển thêm dưới 10% nhân sự mới.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt khi số lượng ứng viên mất việc hoặc có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới đang gia tăng, việc đáp ứng các yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng tại Đà Nẵng, Hà Nội hay các thành phố lớn khác đang trở thành một thách thức không nhỏ, buộc ứng viên phải nỗ lực thay đổi và cải thiện bản thân.
Những yếu tố doanh nghiệp cần ở người lao động
Theo kết quả khảo sát, "thiếu ứng viên chất lượng" là thách thức lớn nhất trong tuyển dụng nhân sự năm nay, chiếm tới 55%. Điều này dễ hiểu bởi hiện nay các doanh nghiệp đòi hỏi ứng viên phải có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng. Tuy nhiên, thực tế là phần lớn sinh viên hiện nay chỉ được tiếp xúc với kiến thức lý thuyết, ít có cơ hội thực hành nên kỹ năng của họ còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, số liệu khảo sát của JobsGO cho thấy 63,99% doanh nghiệp muốn tuyển nhân viên mới vào vị trí junior với 1-3 năm kinh nghiệm. Đứng thứ hai là nhân viên cấp trung với 20,63% doanh nghiệp tuyển nhân viên có 3-5 năm kinh nghiệm. Các ứng viên có dưới 1 năm kinh nghiệm hay trên 5 năm kinh nghiệm lại ít được ưu tiên tuyển dụng trong năm 2024.
Bên cạnh vấn đề thiếu ứng viên chất lượng, tình trạng lao động chưa qua đào tạo hoặc đã đào tạo nhưng chưa được cấp bằng cấp cũng là một trong những thách thức lớn. Theo số liệu quý IV/2023, lực lượng lao động trong độ tuổi của Việt Nam lên tới 52,5 triệu người nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 27,6%, còn lại 72,4% chưa qua đào tạo hoặc đào tạo không có chứng chỉ.
Ông Phạm Thanh Hải, CEO JobsGO, cũng nhấn mạnh rằng ngoài kỹ năng chuyên môn, ứng viên cần chuẩn bị hồ sơ xin việc ấn tượng, chú ý các yêu cầu về kỹ năng mềm như trình bày, giao tiếp, làm việc nhóm và ngoại ngữ - những điều nhiều nhà tuyển dụng coi trọng.
Ứng viên nên làm gì?
Nâng cao trình độ chuyên môn
Để đáp ứng những yêu cầu của nhà tuyển dụng, việc nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề là rất quan trọng, giúp ứng viên tự tin hơn trong quá trình ứng tuyển. Ứng viên có thể thực hiện điều này bằng cách tham gia các khóa học, hội thảo, tọa đàm chuyên ngành để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, ứng tuyển vị trí thực tập sinh tại các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực mà ứng viên mong muốn làm việc cũng là cách hiệu quả để tích lũy kinh nghiệm thực tế, trau dồi năng lực chuyên môn liên quan đến ngành nghề hay vị trí công việc đó.
Xây dựng mạng lưới quan hệ
Việc xây dựng mạng lưới quan hệ cũng là một trong số những cách giúp ứng viên tiếp cận với những việc làm phù hợp hơn, tốt hơn và ngược lại. Thông qua quá trình tham gia sự kiện chuyên ngành, hội thảo, hội nghị ứng viên được tiếp xúc, xây dựng mạng lưới quan hệ với những người có uy tín trong ngành nghề. Đây cũng là một trong số những mạng lưới quan trọng để tìm kiếm việc làm, cơ hội hợp tác học hỏi.
Có thể nói, trong bối cảnh xu thế tuyển dụng năm 2024, nhiều doanh nghiệp đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm và kỹ năng, việc nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, xây dựng mạng lưới quan hệ trong ngành là chìa khóa vô cùng quan trọng để tăng cơ hội thành công trong tìm kiếm việc làm.