Điều gì giúp Yersin tạo kỳ tích khi thám hiểm Đông Dương?

Yersin không bận tâm chia sẻ những câu chuyện thám hiểm của mình với công chúng. Vì vậy, người đọc đương thời gần như quên mất kỳ tích phi thường mà ông tạo nên hơn 100 năm trước.

Nhiều tác giả đã đặt câu hỏi về động cơ của nhà thám hiểm Yersin. Tại sao ông lại từ bỏ một vị trí đáng ước ao và đầy hứa hẹn tại Viện Pasteur Paris, nơi ông đã nổi tiếng sau khi cùng Emile Roux phát hiện ra trực khuẩn bạch hầu? Tại sao ông lại chấp nhận những rủi ro vật chất và tài chính có thể gây nguy hại cho danh tiếng của mình trong suốt cuộc đời, khi dường như không có gì bắt buộc ông phải làm như vậy?

Và trên hết, làm thế nào mà ông có được hầu hết mọi thứ ông yêu cầu từ các hệ thống phân cấp khác nhau, dù là quân sự, dân sự hay học thuật, mà ông đã phải đối mặt trong suốt cuộc đời của mình, mà không nhờ vào lợi ích của một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ và phổ biến.

Hầu hết những người viết tiểu sử của ông, thường là bác sĩ, bạn bè, đồng nghiệp cũ hoặc học trò, đã giải thích rằng sở dĩ ông dễ dàng đạt được mục tiêu của mình đôi khi là nhờ nền giáo dục từ đạo Tin lành, đôi khi nhờ sức hút tự nhiên, trí thông minh vượt trội, hoặc thậm chí là sự hy sinh...

Những người khác nghi ngờ ông được hưởng lợi từ sự hỗ trợ huyền bí, hoặc thậm chí từng là một gián điệp phục vụ cho các lợi ích chính trị - quân sự bí mật khi ông thực hiện các chuyến thám hiểm của mình ở vùng đất người Thượng. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, những giả thuyết cuối cùng này dường như không có cơ sở.

 Một hình ảnh trên đường thám hiểm của Yersin. Nguồn: NXB Trẻ.

Một hình ảnh trên đường thám hiểm của Yersin. Nguồn: NXB Trẻ.

Giá trị của tài liệu

Yersin không bao giờ bận tâm chia sẻ những câu chuyện thám hiểm của mình với công chúng. Các báo cáo của ông chủ yếu nhằm mục đích gây quỹ cho các chuyến thám hiểm tiếp theo. Văn phong báo cáo là thực tế, không rườm rà hoặc trữ tình bay bổng. Ông hiếm khi nói về bản thân và những cảm giác mà những lần lang thang và gặp gỡ đã khơi dậy trong ông.

Người đọc đương thời gần như quên mất kỳ tích phi thường mà những chuyến đi này đã tạo nên vào thời điểm đó: du hành “nhẹ nhàng” so với hầu hết các cuộc thám hiểm thời bấy giờ, nhưng được trang bị nhiều dụng cụ (máy kinh vĩ, thời kế, la bàn, máy ảnh, vũ khí, v.v.) đòi hỏi các biện pháp vận chuyển đặt biệt, tuy nhiên Yersin đã xoay sở để vượt qua những khoảng cách đáng kể trong thời gian kỷ lục, trên những con đường hiểm trở và khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện gió mùa.

Những đóng góp khoa học của Yersin rất đa dạng: một mặt, ông mô tả các nhóm dân tộc vẫn chưa được biết đến, cũng như phong tục và tập quán của họ, ngay cả khi những quan sát của ông không có chất lượng như của nhà dân tộc học Henri Maître, người sẽ kế tục ông ở vùng đất người Thượng (và ông Henri Maître đã chết một cách bi thảm ở đó).

Mặt khác, công việc khảo sát địa hình của ông (ông tự học môn này) đã giúp ông có thể điền vào chỗ trống trên các bản đồ Đông Dương thời bấy giờ, bên cạnh công trình của Dutreuil de rhins, Pavie, Cupet, v.v.

Là một người “sành sỏi” đi trước thời đại, luôn chú ý đến những cải tiến công nghệ mới nhất, Yersin cũng rất thành thạo nghệ thuật nhiếp ảnh. Có lẽ ông là người tiên phong chụp phong cảnh trong những điều kiện khắc nghiệt của chuyến thám hiểm dài hàng tháng trong rừng rậm!

Thật vậy, để chụp nhiều bức ảnh, ông đã trang bị một cái phòng tối, bao gồm những tấm kính dễ vỡ và các chất hóa học cần thiết cho việc rửa phim, tất cả đều là vật liệu mong manh, dễ vỡ và cồng kềnh. Do đó, ông là người đầu tiên ghi lại lối sống của người Thượng, văn hóa, làng mạc và một số phong tục của họ trước khi những xã hội này tiếp xúc với nền văn minh phương Tây.

Alexandre Yersin/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-gi-giup-yersin-tao-ky-tich-khi-tham-hiem-dong-duong-post1460165.html