Điều gì khiến ASEAN và EU cần có nhau?
Theo tờ Le Figaro (Pháp), thị trường ASEAN hấp dẫn và đầy tiềm năng đối với Liên minh châu Âu (EU) trong dự án chiến lược Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway).
Ngày 14/12 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, các nhà lãnh đạo của hai khu vực quan trọng trên thế giới đã tụ họp tại Brussels (Bỉ).
Nâng tầm quan hệ một cách thực chất
Diễn ra trong bối cảnh địa chính trị bất ổn, Hội nghị cấp cao ASEAN-EU gửi đi thông điệp cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa, hướng tới thương mại và chủ nghĩa đa phương.
Đây là lần đầu tiên Hội nghị cấp cao ASEAN-EU được tổ chức tại một nước EU, cho thấy tầm quan trọng của các đối tác Đông Nam Á với EU và mối quan hệ nâng lên tầm "chiến lược" trong năm 2020 đã được triển khai một cách thực chất.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Chủ tịch ASEAN 2022 đã hoan nghênh sự kiện này và cho rằng ngoài ý nghĩa biểu tượng, cuộc gặp còn là cơ hội để biến mong muốn xích lại gần nhau thành một "kế hoạch cụ thể và có lợi cho hai khu vực của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới".
Trong khi đó, bà Eva Pejsova, chuyên gia nghiên cứu địa chính trị tại Đại học Brussels nói tiếng Hà Lan (VUB), nhận định rằng mối quan tâm mới của ASEAN đối với châu Âu cũng là một hướng đi nhằm tránh ảnh hưởng của cạnh tranh Mỹ-Trung.
Mặt khác, việc tăng cường quan hệ ASEAN-EU cũng nhằm đối trọng với ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu Josep Borrell chỉ ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị hiện nay.
Đồng quan điểm, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo khẳng định: “Điều quan trọng là chúng tôi đưa ra những đề nghị có thể làm đối trọng với ảnh hưởng mà những nước khác đưa ra trong khu vực".
Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo EU, nền kinh tế châu Âu cần phải chống lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách khuyến khích ASEAN đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi cung ứng của lục địa già. Đặc biệt khi các quốc gia Đông Nam Á rất giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khí đốt tự nhiên hoặc các nguyên liệu quý hiếm, chẳng hạn như lithium (đặc biệt là Indonesia).
Một nhà ngoại giao cũng cho rằng cần phải kết nối lại với khu vực đặc biệt năng động này của thế giới, đặc biệt khi ASEAN hiện đang phấn đấu trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới trong vòng 4, 5 năm tới.
Trên thực tế, nhiều quốc gia châu Âu đã và đang tỏ ra quan tâm đến các đối tác ở Đông Nam Á, chẳng hạn như Lithuania, đã bắt đầu mở rộng quan hệ chính trị và kinh tế trong khu vực.
Tiềm năng thương mại vô hạn
Theo các chuyên gia, hợp tác ASEAN-EU sẽ được đẩy mạnh trước hết trong lĩnh vực thương mại.
Cho đến nay, hợp tác thương mại giữa hai bên vẫn luôn là điểm sáng trong quan hệ ASEAN-EU. Với kim ngạch thương mại hơn 280 tỷ Euro vào năm 2021, EU và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của nhau.
"Tiềm năng vẫn vô cùng nhiều. Đó là một thị trường khổng lồ, rất trẻ và rất chất lượng", bà Eva Pejsova nhấn mạnh.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU được cho là "mục tiêu dài hạn chung" của hai bên, được thể hiện rõ trong tuyên bố chung. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi hiệp định giữa hai khu vực thì các hiệp định song phương cần phải được ưu tiên. Hiện nay, trong khu vực ASEAN, EU mới chỉ ký kết FTA với Singapore và Việt Nam.
Theo bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, các lãnh đạo EU tận dụng cơ hội gặp gỡ lần này tại Brussels để cố gắng thuyết phục các đối tác ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia tạo ra "những điều kiện phù hợp” để nối lại đàm phán.
Để hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN, EU sẽ đầu tư 10 tỷ Euro vào khu vực này từ nay đến năm 2027, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp bền vững. Sự cam kết này đi kèm với một danh sách khá chi tiết các dự án.
Được công bố vào năm 2021, các quỹ đầu tư công này đến từ chương trình Cửa ngõ toàn cầu nổi tiếng của EU, được coi là một đối thủ cạnh tranh với Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc. Quỹ này phải có tác dụng đòn bẩy để huy động vốn tư nhân.
Một quan chức châu Âu bày tỏ sự lạc quan về triển vọng huy động nguồn vốn này: "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ trong khu vực nhằm đa dạng hóa các nguồn đầu tư và làm việc với các đối tác đáng tin cậy".
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dieu-gi-khien-asean-va-eu-can-co-nhau-209904.html