Điều gì khiến Hà Nội thuộc top những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới?

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn đang nổi lên với tốc độ tăng trưởng ổn định và là điểm đến yêu thích của dòng FDI đa dạng đến từ Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… Tại sự kiện 'Kinh tế Việt Nam: tổng kết 6 tháng đầu năm và dự báo tương lai' do Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam (CanCham) và Công ty tư vấn đầu tư InCorp tổ chức vừa qua, các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực đã cùng nhau chia sẻ những nhận định sâu sắc về tình hình kinh tế Việt Nam.

Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện “Kinh tế Việt Nam: tổng kết 6 tháng đầu năm và dự báo tương lai”.

Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện “Kinh tế Việt Nam: tổng kết 6 tháng đầu năm và dự báo tương lai”.

Lực đẩy từ FDI

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại nước ta ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Phân tích chung về bức tranh nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm, ông Jack Nguyễn - Tổng Giám đốc InCorp Việt Nam cho biết dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, bất động sản và năng lượng. Trong đó, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất.

“Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với nhiều khu công nghiệp mới đang được phát triển. Chúng tôi nhận được yêu cầu tư vấn từ các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tại thị trường khu vực phía Bắc. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển đến Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng của họ. Xu hướng xây dựng một khu công nghiệp quy mô lớn ngay ngoại ô thành phố hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới”, ông Jack Nguyễn nói.

Thêm vào đó, vị này nhấn mạnh so sánh với các nước ASEAN khác, Việt Nam đứng thứ ba về dòng FDI trong nửa đầu năm 2024, sau Indonesia và Singapore đồng thời vượt trước Thái Lan và Malaysia.

“Dân số trong độ tuổi lao động trẻ của Việt Nam là 67,5 triệu người là một lợi thế đáng kể để thu hút đầu tư. Nhiều nhân viên làm việc trong các công ty vừa và nhỏ, và các công ty ưu tiên giữ chân nhân viên, cải thiện năng suất và quản lý chi phí nhân sự”, ông Jack Nguyễn nói.

Bán lẻ hưởng lợi

Kinh tế trưởng VinaCapital nhấn mạnh 3 yếu tố chủ chốt đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh bao gồm quá trình công nghiệp hóa nhanh nhờ dòng vốn FDI, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và thế mạnh đặc biệt về địa chính trị.

“Việt Nam rất thành công khi xây dựng được mối quan hệ tốt với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong khu vực hiện nay chỉ có Việt Nam và Singapore có thể cân bằng được vị trí giữa hai cường quốc. Đây là tiền đề cho những cơ hội chiến lược về công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế” - ông Michael Kokalari nói thêm.

Ở phương diện ngành bất động sản, ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung vào việc cung cấp cơ sở hạ tầng.

“Chúng tôi ghi nhận một số dự án bất động sản nhà ở mới đã được ra mắt, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ hoạt động sản xuất. Có thể nói, FDI là yếu tố thiết yếu cho thị trường bất động sản trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp” - ông Neil MacGregor nói thêm.

Số liệu của Savills cho thấy Việt Nam hiện có 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê, với tỷ lệ lấp đầy 80%, nhu cầu cao, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Xu hướng phát triển đang nổi lên hiện nay là các nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy của loại bất động sản này khá cao, đạt 80% trên toàn quốc. Giá thuê trung bình cũng đạt mức 5,4 USD/m2/tháng và đang chủ yếu tập trung ở thị trường phía Nam. Tuy nhiên ở miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh xung quanh Hà Nội, như Bắc Giang, Hải Dương cũng đang cho thấy tốc độ nắm bắt nhanh.

Ngoài ra, một nghiên cứu của Savills Impacts mới công bố cũng khẳng định Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và thuộc top những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ các yếu tố như nhân khẩu học, đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và tầng lớp trung lưu đang phát triển.

Trong quy hoạch Thủ đô tới năm 2030 và tầm nhìn 2050, phía Đông Hà Nội giữ vai trò trung tâm. Khu vực này sẽ là trung tâm kết nối của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với 3 hạt nhân là thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh. Hiện, tam giác tăng trưởng đang là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Bắc cũng như cả nước với tốc độ phát triển vượt trội. Trong đó, Hải Phòng và Quảng Ninh luôn nằm trong top những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như đóng góp GDP cho cả nước.

Theo Cushman & Wakefield, khoảng 70 tỷ USD nguồn vốn sẵn có đang chờ rót vào các dự án trong lúc nhà đầu tư tìm kiếm thời điểm tối ưu để tiếp tục hoạt động đầu tư tại châu Á Thái Bình Dương. Trong đó, tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc của Việt Nam thu hút lượng vốn đầu tư lớn. Trong 7 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, Hải Phòng cũng đạt hơn 1.373 triệu USD còn Quảng Ninh đ ã cán mốc 1,55 tỷ USD chỉ trong nửa năm.

Giới chuyên gia nhận định, sự phát triển của vùng “tam giác vàng" không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế nói chung mà còn thúc đẩy phát triển bất động sản, nhất là khu vực phía Đông Hà Nội - cửa ngõ kết nối Thủ đô với các khu vực khác. Thực tế cũng chứng minh, dọc những tuyến đường quan trọng kết nối 3 tỉnh, thành phố, hàng loạt ông lớn đã đổ về đây xây dựng những dự án lớn, đón đầu lượng khách là chuyên gia nước ngoài, lực lượng lao động chất lượng cao đang làm việc ở khu công nghiệp lớn.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dieu-gi-khien-ha-noi-thuoc-top-nhung-thanh-pho-co-toc-do-tang-truong-nhanh-nhat-the-gioi-394476.html