Điều gì khiến Hạm đội Biển Đen bỏ Crimea về Novorossiysk?
Việc Nga di chuyển tàu của Hạm đội Biển Đen về Novorossiysk đã tạo ra một cái bẫy với máy bay, UAV NATO đang hỗ trợ các cuộc tấn công của Ukraine.
Theo bình luận trên tờ “Thời báo Á-Âu” (The EurAsian Times), việc Nga rút các tàu của Hạm đội Biển Đen khỏi bán đảo Crimea về cảng Novorossiysk, vùng Krasnodar là nhằm mục đích buộc Lực lượng Vũ trang Ukraine phải triển khai tấn công trong những điều kiện bất lợi hơn nhiều.
Kiev, phương Tây vui mừng khi Hạm đội Biển Đen bỏ Sevastopol
Sự hân hoan của phương Tây trước việc các tàu chiến Nga và trụ sở của Hạm đội Biển Đen rút khỏi căn cứ chính ở Sevastopol được coi là kết quả tích cực của các cuộc tấn công dai dẳng của máy bay không người lái cảm tử (kamikaze), tàu mặt nước không người lái và tên lửa tầm xa của hải quân Ukraine.
Theo giới chức quân sự phương Tây và Kiev, đây là một thành công lớn trong kế hoạch đẩy Hải quân Nga khỏi phía nam Ukraine theo chiến lược do Hoa Kỳ vạch ra.
Nhưng giới chuyên gia phân tích cho rằng, sự vui mừng như vậy rõ ràng là quá sớm.
Theo bài viết, với việc các chiến hạm Nga được triển khai ở Novorossiysk, các máy bay trinh sát và máy bay không người lái của NATO sẽ khó tiến hành hoạt động trinh sát hỗ trợ thông tin cho lực lượng Ukraine, đồng thời các UAV (máy bay không người lái) và USV (tàu mặt nước không người lái) của Hải quân Ukraine cũng khó tiến hành các cuộc tấn công như vậy.
Đồng thời, The EurAsian Times nhận định rằng, việc tái triển khai các tàu chiến từ Sevastopol đến Novorossiysk (cách Sevastopol gần 350km về phía đông) sẽ không làm suy yếu khả năng của Liên bang Nga trong việc tiến hành các hoạt động hải quân tích cực ở Biển Đen.
Trong mọi trường hợp, Nga tiếp tục kiểm soát Biển Đen với sự trợ giúp của các tàu chiến và lực lượng hàng không hải quân, có nhiệm vụ thứ nhất là tìm diệt máy bay không người lái và tàu không người lái của Ukraine và cản trở các nỗ lực đổ bộ của các nhóm phá hoại.
Nhiệm vụ thứ hai của Hạm đội Biển Đen vẫn là tiếp tục tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine bằng tên lửa hành trình Kalibr phóng từ các tàu mặt nước và tàu ngầm.
Với khoảng cách gần 350km về phía đông Sevastopol, các tên lửa hành trình Kalibr trên tàu chiến Nga vẫn có thể tấn công vào tất cả các mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine.
Như vậy, trên thực tế là Hạm đội Biển Đen chỉ thay đổi vị trí của mình sang những vị trí ít dễ bị tổn thương hơn.
Có cớ bắn hạ máy bay trinh sát NATO?
Ngoài ra, với việc chuyển căn cứ của Hạm đội Biển Đen về một cảng vốn dĩ từ trước đến nay thuộc chủ quyền Nga sẽ có tác dụng rất lớn. Mọi cuộc tấn công do NATO hậu thuẫn của Ukraine vào Novorossiysk, lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận, có thể hợp pháp hóa việc Moscow hạ lệnh bắn hạ máy bay trinh sát NATO.
Các máy bay chuyên dụng của Mỹ và NATO, bao gồm máy bay giám sát điện tử RC-135 Rivet, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A Poseidon, máy bay trinh sát chiến lược không người lái RQ-4B Global Hawk và máy bay trinh sát-tấn công không người lái MQ-9 Reaper, thường xuyên bay qua khu vực phía nam và phía tây của Biển Đen, cũng như phía đông Ba Lan và Romania.
Những phương tiện trinh sát trên không này thực hiện các chuyến bay dày đặc trên Biển Đen để thu thập thông tin về các vị trí của Nga và lượng phát sóng radar phòng không để giúp Kiev thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Moscow, Belgorod và Crimea.
Các máy bay trinh sát có và không người lái của Mỹ và NATO cũng chia sẻ dữ liệu về các mục tiêu của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, tàu mặt nước không người lái của hải quân Ukraine trên Biển Đen.
Do đó, việc bắn rơi một trong những máy bay trinh sát chiến lược của Mỹ có thể ngăn cản các nhiệm vụ do thám như vậy được thực hiện, điều này sẽ làm suy yếu đáng kể vị thế quân sự của Ukraine vì nước này hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ quân sự của phương Tây, sau khi đã mất gần như toàn bộ máy móc quân sự và cơ sở công nghiệp quốc phòng ngay trong năm đầu tiên.
Sự hỗ trợ quân sự và kỹ thuật của phương Tây cho Ukraine khẳng định sự đúng đắn trong tuyên bố của Nga rằng: Cuộc xung đột hiện nay, bao gồm các cuộc tấn công vào các mục tiêu quan trọng trên bờ Biển Đen (như Sevastopol và cầu Kerch), là các cuộc tấn công do Kiev thực hiện thay mặt phương Tây.
Tờ EurAsian Times cảnh báo, kể từ khi bắt đầu phát động Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2/2022 cho đến nay, Điện Kremlin đã kiềm chế các hành động trả đũa trực tiếp chống lại hàng không và các lực lượng NATO khác, nhưng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào lục địa Nga, điều này sẽ biện minh cho sự thay đổi lập trường của Moscow.