Điều gì khiến người tiêu dùng 'chần chừ' khi lựa chọn sản phẩm xanh?

Một số doanh nghiệp không chân chính lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao, là vấn đề khiến người tiêu dùng lo ngại khi lựa chọn sản phẩm gắn mác xanh

Theo thống kê của Bộ Công Thương, người tiêu dùng Việt ngày càng hiểu biết hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh; đồng thời, thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm xanh hiện vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân, trong khi đó các hành vi quảng cáo gian dối, lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao ngày càng phổ biến, gây e ngại, tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng… Ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Xin ông cho biết, nhu cầu và ý thức sử dụng những sản phẩm bền vững của người tiêu dùng hiện nay như thế nào?

Thực tế hiện nay cho thấy, sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng thực tiễn, không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà đây là xu hướng mang tính chất toàn cầu, đã thực hiện và được thúc đẩy tại rất nhiều quốc gia. Chính vì vậy, thời gian gần đây nhận thức của người tiêu dùng đối với tiêu dùng xanh, cũng như lựa chọn những sản phẩm có quy trình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường được nâng cao.

Đã có báo cáo cho thấy doanh thu đối với những sản phẩm xanh đã tăng tới 15%, đồng thời, mức chi tiêu của người tiêu dùng chi trả cho những sản phẩm xanh tăng theo mỗi năm.

Từ sự chuyển biến nhu cầu tiêu dùng, ông đánh giá như thế nào về mức độ chuyển mình của các nhà sản xuất trong việc tăng cường sản xuất sản phẩm bền vững?

Ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương

Ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương

Chúng ta đang nói đến hai khía cạnh là sản xuất và tiêu dùng. Để có sản phẩm xanh cần phải có vai trò của nhà sản xuất, tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, sau khi người tiêu dùng tiêu dùng những sản phẩm xanh thì bản thân họ sẽ đưa ra những đánh giá, lựa chọn, từ đó tạo ra động lực cho các doanh nghiệp trong việc tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất xanh. Rõ ràng, để sản xuất và tiêu dùng xanh bền vừng thì cần có vai trò của doanh nghiệp và vai trò của người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, chúng ta đã ghi nhận rất rõ sự vào cuộc chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải carbon tới năm 2050, đồng thời Chính phủ cũng đặt quyết tâm đến năm 2030 sẽ có những kết quả cụ thể đối với các hành động cắt giảm khí thải carbon. Quyết tâm đó đã được lan tỏa và hiện thực từng bước từ các quy định tại các văn bản pháp luật. Đã có rất nhiều văn bản pháp luật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững.

Song song đó, nhiều hoạt động cụ thể đã được triển khai, chẳng hạn như quy định về dãn nhãn năng lượng đối với sản phẩm để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; áp dụng nguồn năng lượng sạch trong quá trình sản xuất…

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với sản xuất và sản xuất xanh là yêu cầu nguồn lực rất lớn, đặc biệt là giai đoạn đầu tư ban đầu, trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới chi phí, giá thành của sản xuất. Từ đó dẫn đến giá bán của các sản phẩm xanh thường có xu hướng cao hơn so với những sản phẩm thông thường. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người tiêu dùng gặp khó khăn khi quyết định lựa chọn sản phẩm xanh.

Và một vấn đề nữa, chúng ta cũng có thể thấy đó là một số doanh nghiệp hoạt động không chân chính, lợi dụng thông tin của các sản phẩm xanh để bán giá cao, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, thiệt hại cho quyền lợi của người tiêu dùng. Đây cũng là vấn đề khiến cho người tiêu dùng cảm thấy bất an hơn, lo lắng hơn khi lựa chọn sử dụng những sản phẩm được gắn mác sản phẩm xanh.

Người tiêu dùng Việt ngày càng hiểu biết hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh

Người tiêu dùng Việt ngày càng hiểu biết hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh

Từ thực tế đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn, các nguồn lực để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cung cấp cho người tiêu dùng thông tin nhà sản xuất, sản phẩm xanh đáng tin cậy, giúp người tiêu dùng tăng niềm tin khi quyết định sử dụng sản phẩm.

Trên thị trường, các sản phẩm trong nước, đặc biệt là các sản phẩm xanh đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm nhập ngoại. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Trong những năm gần đây, Việt Nam tham gia hội nhập vào thị trường thế giới rất sâu và rộng. Do đó, tại thị trường trong nước không chỉ có sản phẩm nội địa mà còn có rất nhiều sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, đây là một cuộc chơi mà chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh bình đẳng không chỉ trong nước mà còn cạnh tranh ở các thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ở trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế. Đầu tiên là về mặt nguyên vật liệu, chúng ta có lợi thế là sân nhà, sử dụng chính nguồn nguyên vật liệu tại thị trường Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã có mô hình phát triển dựa vào nguồn nguyên vật liệu theo mùa, tức là mùa nào thức nấy và sử dụng ngay tại thị trường trong nước. Điều này cũng tạo ra được sự cạnh tranh nổi bật so với những sản phẩm nhập ngoại. Do đó, nếu doanh nghiệp có sự đầu tư, nghiên cứu thì về mặt năng lực cạnh tranh sẽ không thua kém với sản phẩm của nước ngoài.

Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam có sự ủng hộ rất lớn của người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn có xu hướng ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp mang lại những giá trị, lợi ích chung cho xã hội và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà.

Xin cảm ơn ông!

Ngân Thương (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dieu-gi-khien-nguoi-tieu-dung-chan-chu-khi-lua-chon-san-pham-xanh-338822.html