Gói mới cho vay 100.000 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất 100% ở TP.HCM có gì đặc biệt?
Chính sách hỗ trợ lãi suất 100% giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vay vốn, từ đó có thể tập trung nguồn lực vào phát triển sản phẩm và dịch vụ.
UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 42/2024/QĐ-UBND về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM. Quyết định trên được ban hành trên cơ sở Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị quyết 09/2023 của Hội đồng nhân dân TP.HCM (HĐND).
Theo đó, doanh nghiệp (DN) có thể vay tối đa 200 tỉ đồng/dự án, với mức lãi suất hỗ trợ lên đến 100% và thời hạn hỗ trợ không quá bảy năm. Quyết định 42 có hiệu lực từ cuối tháng 7.
Hỗ trợ lãi suất lên đến 100% giúp DN vượt qua khó khăn tài chính
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TP.HCM đánh giá, khi có Quyết định 42, một số DN sẽ mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của các nhà mua hàng là công ty có vốn đầu tư nước ngoài hay khách hàng nước ngoài. Từ đó giúp DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sản xuất các sản phẩm thay thế hàng ngoại nhập.
"Vì vậy, chính sách này có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của các DN, tạo nên sự phát triển của ngành cơ khí thành phố”- ông Tống nhấn mạnh.
Là một trong 98 DN TP.HCM đạt danh hiệu xanh năm 2024, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) cho rằng, chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi suất của thành phố rất có ý nghĩa với DN.
Theo ông Dũng, để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới và nội địa trong tiêu dùng sản phẩm xanh, thời gian qua SCC đã và đang có các dự án chuyển đổi xanh. Đây là quá trình dài hơi nên công ty sẽ nghiên cứu, cân đối nhu cầu vốn cũng như các điều kiện để có thể tham gia.
“Với mức vốn vay tối đa và mức hỗ trợ lãi suất của chương trình rất thiết thực, nhất là đối với DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả đòi hỏi DN phải có chiến lược lâu dài. Vì vậy, với các dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nếu DN nào đáp ứng các điều kiện tham gia sẽ hưởng lợi nhiều”- ông Dũng nói.
Một số DN khác cho biết hào hứng với chương trình này và mong muốn làm sao tiếp cận vay vốn dễ dàng, nhanh chóng.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và Quản lý TP.HCM (Đại biểu HĐND TP.HCM) cho biết, Quyết định 42 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng cho DN và sự phát triển của TP.HCM.
Cụ thể, chính sách hỗ trợ lãi suất giúp DN giảm bớt chi phí vay vốn, từ đó có thể tập trung nguồn lực vào phát triển sản phẩm và dịch vụ. Giúp các DN có thêm động lực để đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, chuyển đổi số, y tế, giáo dục và hạ tầng kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới mang tính đột phá.
Về khía cạnh phát triển của TP.HCM, việc hỗ trợ lãi suất cho các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Chính sách này không chỉ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn tài chính mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và toàn diện của TP.HCM
TS Trần Quang Thắng
Đặc biệt, việc khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, góp phần xây dựng nền kinh tế TP.HCM hiện đại, bền vững. Mặt khác, việc hỗ trợ các DN trong nước sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM trên thị trường quốc tế, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn vốn hơn 100.000 tỉ đồng chờ cho vay
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên HFIC cho biết, theo Quyết định 42 hiện nay vẫn đang chờ thành lập Tổ công tác liên ngành do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ở lĩnh vực như công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, y tế, giáo dục, nhà ở xã hội…
Tổ công tác liên ngành do Sở Công thương TP.HCM làm đầu mối liên quan đến bốn ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ. Đây là đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký của DN và tham mưu trình UBND TP.HCM phê duyệt hoặc không phê duyệt dự án được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
"Với vai trò của mình, HFIC đã phối hợp với Sở Y tế, các bệnh viện triển khai chính sách, giải đáp các thắc mắc liên quan tới chương trình hỗ trợ lãi suất để DN tiếp cận và tham gia. Các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường HFIC đã thẩm định trước một bước nhằm đón đầu khi Tổ công tác thành lập xong thì có thể bắt tay ngay”- ông Hòa nói.
Đồng thời, không chờ DN có nhu cầu vay vốn đến liên hệ HFIC mới thẩm định hồ sơ mà ngay sau khi Nghị quyết 98 được ban hành đơn vị đã tổ chức các buổi làm việc để truyền thông chính sách này. Đáng chú ý, tháng 2 HFIC và Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) ký kết hợp tác hỗ trợ DN trong việc tiếp cận, tham gia.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc HFIC cho biết, chương trình lần này có một số điểm mới như quy trình cho vay với biểu mẫu rõ ràng, chi tiết, rất cụ thể.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tùy trường hợp cụ thể có thể vay không cần vốn đối ứng, có thể vay cùng lúc nhiều dự án khác nhau, có thể kết hợp nhiều nguồn vốn trong cơ cấu tài chính của dự án, sử dụng tài sản hình thành sau vay để làm tài sản thế chấp tín dụng.…
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vốn thực hiện chương trình, ngoài nguồn vốn hiện có, HFIC sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại để cùng cho vay hợp vốn do HFIC làm đầu mối.
“Mặt khác, về lâu dài theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, HĐND TP.HCM được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa các DN 100% vốn nhà nước do UBND TP.HCM làm đại diện chủ sở hữu để bổ sung vốn điều lệ cho HFIC. Ước tính gần 100 ngàn tỉ đồng để HFIC phát huy vai trò là công cụ mạnh của thành phố”- ông Thanh nói.
Mong giải quyết khó khăn cũ
Chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi suất của TP.HCM được triển khai 20 năm qua đã giúp cho nhiều DN vừa và nhỏ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, chương trình bị gián đoạn ba năm qua khiến nhiều DN gặp không ít thách thức, trong đó có các DN thuộc Hội Cơ khí Điện TP.HCM. Đến nay, chương trình được tái khởi động DN kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết, theo Quyết định 42, thành phố hỗ trợ cho những dự án hoàn toàn mới. Đối với những dự án của DN đã phê duyệt giải ngân theo chương trình cũ, thành phố đang chỉ đạo các sở ngành tập hợp để có tờ trình, trình HĐND TP.HCM định hướng giải quyết.
Theo ông Tống, UBND TP.HCM đang thực hiện các bước tiếp theo để trình HĐND TP.HCM ra nghị quyết đặc thù thực hiện việc giải ngân cho các DN đã có quyết định được UBND TP.HCM ký trong giai đoạn từ 2020- 2022.
"Rất mong lãnh đạo thành phố nhanh chóng thực hiện vì hiện nay DN đang rất khó khăn khi đã được UBND TP.HCM ký quyết định cho phép đầu tư, được hỗ trợ lãi suất nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân. Có DN trong Hội Cơ khí Điện TP.HCM cổ đông đã phải bán nhà để trả lãi ngân hàng vì trong dòng tiền tính theo dự án là có khoản hỗ trợ lãi suất của thành phố mà đến nay chưa được nhận”- ông Tống nói.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi vay của TP.HCM những năm trước đã tạo động lực lớn cho DN mạnh dạn đầu tư, phát triển. Thời gian qua chương trình phải tạm dừng. Tuy nhiên, trách nhiệm cam kết hỗ trợ đối với những dự án đã được phê duyệt, thành phố cần thể hiện rõ để kiến tạo niềm tin cho DN về mặt chính sách.
“Nếu những khó khăn cũ không được giải quyết, chương trình mới khó hấp dẫn DN tham gia ”-TS Điền nhấn mạnh.
Theo TS Thắng, để DN yên tâm tham gia chương trình theo Quyết định trên, thành phố cần thực hiện một số biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn cũ. Thành phố cần cam kết duy trì chính sách hỗ trợ lãi suất trong dài hạn. Thường xuyên đánh giá hiệu quả của chính sách và điều chỉnh kịp thời để phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu của DN...
Theo Quyết định 42, các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố gồm các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp; Y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, văn hóa thể thao; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường.
Dự án thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, điện tử- công nghệ thông tin, hóa dược- cao su nhựa, chế biến thực phẩm và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Đối tượng tham gia gồm DN, tổ chức kinh tế tập thể trong nước được thành lập hoạt động theo Luật DN, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập.