Điều gì khiến nhiều người vẫn do dự đi du lịch?

Du lịch nội địa vẫn đóng vai trò quan trọng trong lộ trình phục hồi của ngành du lịch.

Ngày 20-1, The Outbox Company (Công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu ngành du lịch) công bố báo cáo "Mức độ sẵn sàng trở lại du lịch của du khách Việt".

Báo cáo thực hiện giai đoạn một từ ngày 13 đến 15-10, khi cả nước vừa nới lỏng giãn cách để xem xét mức độ sẵn sàng của du khách, nhận thức việc đi du lịch ngay tại thời điểm cuộc sống vừa bắt đầu trở lại bình thường.

Giai đoạn hai từ ngày 7 đến 9-11 khi cuộc sống trở lại bình thường được một thời gian, nhằm xem xét sự thay đổi trong mức độ sẵn sàng, nhận thức việc đi du lịch ngay tại thời điểm này của du khách.

Kết quả cho thấy sau một thời gian dỡ bỏ giãn cách xã hội, mọi hoạt động dần trở lại bình thường cùng độ phủ vaccine nhanh và rộng đã giúp du khách bớt lo ngại hơn về ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tuy nhiên, họ dần chuyển sang lo lắng tình hình tài chính xấu đi. Giai đoạn 2 có 32% du khách cho biết cực kỳ lo ngại tác động của dịch bệnh đến tài chính. Điều này đã khiến mức độ sẵn sàng đi du lịch của du khách chưa cao.

Du lịch nội địa đóng vai trò quan trọng trong lộ trình phục hồi ngành du lịch. ẢNH: V.THẢO

Du lịch nội địa đóng vai trò quan trọng trong lộ trình phục hồi ngành du lịch. ẢNH: V.THẢO

Theo đại diện Outbox, những lo ngại trên mang tính khách quan không thể tác động bởi các chính sách kích cầu hoặc xúc tiến quảng bá. Để nhà nước, DN du lịch có thể đưa ra chính sách phù hợp thì cần hiểu được du khách đang nghĩ gì, cảm nhận như thế nào về du lịch trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra du khách đang do dự hơn khi nghĩ về việc du lịch trong tương lai.

Cụ thể, ở giai đoạn giữa tháng 10, do lệnh hạn chế di chuyển khiến tâm lý du khách bị dồn nén, nhu cầu được đi lại thoải mái, du lịch khi đó tăng cao.

Tuy nhiên, khi cuộc sống trở lại bình thường, họ luôn nghĩ mình đã "khá sẵn sàng" du lịch. Sau một thời gian, mọi hoạt động dần trở lại quỹ đạo, người dân trở nên lưỡng lự hơn với chỉ số sẵn sàng du lịch từ 57% giảm xuống còn 46% ở giai đoạn hai.

Đặc biệt, ở giai đoạn hai, số du khách có suy nghĩ dời việc đi du lịch tăng hơn 7,4% so với giai đoạn một. Chính tâm lý do dự này khiến mức độ hào hứng du lịch trở lại cũng bị tác động.

Theo đó, giai đoạn một khi lệnh nới lỏng giãn cách được áp dụng, có đến 64% du khách khẳng định rất hào hứng cho các chuyến du lịch trong thời gian này. Song song đó, hơn 79,2% du khách hào hứng tiếp nhận các thông tin du lịch, thông tin quảng bá sản phẩm của điểm đến, DN du lịch.

Sang giai đoạn hai, sau một thời gian quay trở lại nhịp sống cũ, mức độ hào hứng cho du lịch giảm 21% so với giai đoạn một và du khách cũng giảm sự hứng thú trong tiếp nhận các thông tin du lịch.

"Theo thời gian, sự hào hứng đi du lịch sẽ bị các mối bận tâm khác lấn át. Vì vậy, bên cạnh những thông điệp giúp làm giảm lo lắng cho du khách, các chính sách kích cầu nên được lựa chọn, thực hiện đúng thời điểm nhằm nắm bắt đúng tâm lý, nhu cầu của khách du lịch Việt" - đại diện Outbox chia sẻ.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy nếu giai đoạn một, 33% du khách nghĩ rằng Tết sẽ là thời điểm tốt để có thể du lịch trở lại thì giai đoạn hai mức độ sẵn sàng du lịch giảm xuống còn 20,4%, du khách có xu hướng trì hoãn chuyến du lịch đến sau Tết (tháng 3-6/2022).

Bên cạnh đó, ở cả hai giai đoạn du khách Việt đều đồng ý họ chỉ đi du lịch quốc tế trở lại khi dịch bệnh được khống chế. Vì vậy, du lịch nội địa vẫn đóng vai trò quan trọng trong lộ trình phục hồi của ngành du lịch.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/du-lich/dieu-gi-khien-nhieu-nguoi-van-do-du-di-du-lich-1040218.html