Điều gì khiến Sri Lanka phá sản trong 30 tháng?
Gia tộc Rajapaksa trở lại chưa được bao lâu thì Sri Lanka nợ nần chồng chất, phải vay thêm tiền để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ.
Trước cuộc bầu cử tổng thống Sri Lanka vào tháng 11-2019, ông Gotabaya Rajapaksa (ứng cử viên tổng thống khi đó) đã đưa ra một đề xuất cắt giảm thuế bị chính phủ khi đó cho là mánh lới tranh cử.
Đề xuất trên giảm thuế giá trị gia tăng từ 15% xuống 8% và loại bỏ các khoản thuế khác.
Bộ trưởng Tài chính thời điểm đó là ông Mangala Samaraweera cảnh báo đề xuất trên rất "nguy hiểm". "Nếu những đề xuất trên được thực hiện, không chỉ toàn bộ đất nước sẽ phá sản, mà Sri Lanka sẽ trở thành một Venezuela hoặc một Hy Lạp khác".
Đối với ông Samaraweera, đó là một phép toán đơn giản. Doanh thu của Sri Lanka tương đối ít hơn so với hầu hết quốc gia khác. Thêm vào đó là gánh nặng nợ nần, buộc nước này phải chờ gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Sau khoảng 30 tháng, dự báo của ông Mangala Samaraweera trở thành sự thật. Đây được xem là cảnh báo cho các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy giữa bối cảnh chiến tranh, bệnh tật và lạm phát cao.
Sau khi ông Gotabaya Rajapaksa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổn thống năm 2019, ông đã ngay lập tức thông qua việc cắt giảm thuế trong cuộc họp nội các đầu tiên.
Ông Gotabaya Rajapaksa cũng hồi sinh một trong những "triều đại quyền lực" nhất châu Á khi chỉ định anh trai Mahinda làm thủ tướng. Hãng tin Bloomberg cho biết tổng thời gian nắm giữ các vị trí cấp cao trong chính phủ Sri Lanka của các thành viên gia tộc Rajapaksa là 12 năm trong khoảng 20 năm gần đây.
Thế nhưng, chiến lược cầm quyền này nhanh chóng bị phản tác dụng. Trong những tuần gần đây, Sri Lanka cạn kiệt tiền mặt để thanh toán cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu, khiến giá xăng tăng và cắt điện kéo dài.
Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Chính phủ nước này đã tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỉ USD.
Thực ra, ngay cả trước khi ông Gotabaya Rajapaksas nắm quyền, Sri Lanka đã gặp khó khăn về tài chính. Chính phủ đã vay các khoản vay lớn từ Trung Quốc để đầu tư vào các dự án như cảng biển nước sâu ở TP Hambantota, với hy vọng trở thành một quốc gia phiên bản của Singapore.
Tuy nhiên, nhiều dự án bị đình trệ và nợ nước ngoài tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2010-2020. Thêm vào đó là dịch Covid-19 bùng phát, khiến doanh thu từ du lịch và kiều hối giảm.
Gia tộc Rajapaksa cố gắng kiểm soát thiệt hại, chạy đua để đảm bảo hàng hóa cơ bản cho người dân, tìm kiếm các khoản tiền khẩn cấp từ IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc hay từ các tổ chức cho vay.
Người biểu tình bám trụ bên ngoài văn phòng tổng thống ở trung tâm thủ đô Colombo suốt nhiều tuần để yêu cầu ông Gotabaya Rajapaksa từ chức. Các đối thủ chính trị tìm cách luận tội Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và loại bỏ ông Mahinda khỏi chức thủ tướng.
Ông Jehan Perera, Giám đốc điều hành của tổ chức Hội đồng Hòa bình quốc gia Sri Lanka, nhận định: "Những người nhà Rajapaksas đang tìm cách rút lui song điều đó không có nghĩa là họ sẽ đầu hàng. Người nhà Rajapaksas lo rằng nếu họ từ bỏ quyền lực, họ sẽ rất dễ bị tổn thương ở cả trong và ngoài nước Sri Lanka. Họ phải đối mặt với cáo buộc vi phạm nhân quyền, tội ác chiến tranh và tham nhũng".
Ông Gotabaya Rajapaksa (72 tuổi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng) đã lãnh đạo cuộc tấn công cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân ly khai Tamil, hậu quả là giết chết 100.000 người trước khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2009.
Anh trai của ông Gotabaya - ông Mahinda (76 tuổi) – được cho là bộ não chính trị của gia đình, từng là tổng thống và hai lần là thủ tướng.