Điều gì khiến UAV Lancet-3 trở thành 'thợ săn' Leopard 2 ở chiến trường Ukraine?
Để săn những con 'báo Đức', những chiếc UAV Lancet-3 của Nga đã xuất hiện nhiều hơn trên chiến trường và được coi là mối đe dọa lớn đối với xe tăng Ukraine.
Kể từ khi Ukraine bắt đầu phản công, quân đội Nga đã sử dụng máy bay không người lái Lancet với tần suất thường xuyên hơn. Đặc biệt, bản nâng cấp mới nhất Lancet-3 FPV có thêm khả năng truyền tải hình ảnh từ UAV.
UAV Lancet-3 có thể truyền tín hiệu video trực tiếp đến màn hình của người điều khiển, nhờ đó người lính có thể nhìn rõ hơn đường bay của chiếc UAV. Ngoài ra, máy ảnh trong máy bay không người lái có thể quay video hoặc hình ảnh và chuyển về cho người điều khiển.
Ngoài những chiếc UAV có khả năng sát thương, trên chiến trường Ukraine cũng có sự xuất hiện của nhiều loại UAV dân sự, được sử dụng nhiều nhất trong cuộc xung đột Ukraine là UAV DJI của Trung Quốc.
Các máy bay không người lái dân sự cũng có thể được sửa đổi lại thành máy bay không người lái tự sát, có khả năng sát thương bằng cách gắn điện tích để tự kích nổ khi va chạm hoặc mang bom, đạn thả từ trên cao xuống. Ukraine và Nga sử dụng rất nhiều máy bay không người lái DJI trong xung đột.
Những thành công của Lancet-1
Trước khi sử dụng phiên bản mới Lancet-3, mẫu Lancet-1 cũng được binh sĩ Nga rất ưa chuộng. Máy bay không người lái này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong năm 2022 vì nó đã góp phần phá hủy khá nhiều thiết bị quân sự giá trị của Ukraine.
Trong số đó có pháo kéo M777 và FH70, cũng như pháo tự hành M109 của Mỹ, pháo tự hành AHS Krab của Ba Lan và pháo tự hành CAESAR của Pháp. Vào đầu năm 2023, Lancet-1 cũng đã được ghi nhận phá hủy một xe tăng T-84 và hệ thống phòng không Stormer HVM của Ukraine do Anh cung cấp.
Lancet-3
Có sự khác biệt đáng kể giữa mẫu Lancet thứ nhất và thứ hai. Ví dụ, Lancet-3 có cấu hình cánh chữ X kép. Lancet-3 cũng có kích thước lớn hơn. Tuy nhiên, tốc độ bay tối đa của cả hai loại là như nhau từ 80 km/h đến 110 km/h.
Một số chuyên gia cho biết thêm, Lancet-3 bay được lâu hơn 10 phút so với phiên bản trước, tức là 40 phút so với 30 phút. Tải trọng cũng là một sự thay đổi, nếu Lancet-1 chỉ mang được 1 kg trọng tải, thì Lancet-3 đã mang được tới 3 kg trọng tải.
Điều này cũng thay đổi trọng lượng cất cánh tối đa. Lancet-1 cất cánh với trọng lượng cất cánh tối đa 5 kg, trong khi Lancet-3 có trọng lượng cất cánh tối đa là 15 kg.
Tại sao Lancet-3 thành công trước Leopard 2A6?
Công ty ZALA Aero Group, nơi thiết kế và sản xuất máy bay không người lái Lancet đã thay đổi bản chất của đầu đạn trong Lancet-3. Nó không chỉ khác với Lancet-1 mà còn khác với máy bay không người lái Shahed-136 của Iran. Đó là lý do tại sao Shahed-136 được sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng chứ không phải xe bọc thép.
Nga dùng Lancet-3 chống xe tăng Leopard 2A6 là vì do đầu đạn. Đầu đạn của chiếc UAV này thường là thuốc nổ chống tăng HEAT. Tức là đầu đạn Lancet-3 được thiết kế để tấn công các mục tiêu quân sự có giá trị cao như xe tăng, bởi nó có sức xuyên tốt.
Có thông tin cho rằng đầu đạn hoạt động theo nguyên tắc của tên lửa chống tăng có điều khiển ATGM. Tức là UAV Lancet-3 phát nổ trước khi đến mục tiêu và bắn một viên đạn xuyên giáp vào mục tiêu, cuộc tấn công của Lancet-3 được thực hiện bằng đầu đạn phân mảnh hoặc nhiệt áp có sức công phá cao.
Một số chuyên gia cho biết thêm, khi máy bay không người lái bắt đầu lao xuống mục tiêu đã định, tốc độ sẽ tăng gấp ba lần. Tức là Lancet-3 đâm đầu đạn ATGM với vận tốc 300 km/h vào giáp của Leopard 2A6.
Lancet-3 chứng minh một sự thật
Theo các chuyên gia phương Tây, việc Nga phải sử dụng Lancet-3 để chống lại xe tăng Leopard chứng tỏ một điều rằng, lớp giáp của Leopard 2A6 mạnh hơn nhiều so với các phiên bản xe tăng trước đó, cũng như lớp giáp của một số lượng lớn các mẫu xe tăng Liên Xô.
Vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng, chính lớp giáp của những chiếc xe tăng Đức bị phá hủy sẽ là một trong những mối quan tâm nghiên cứu của các kỹ sư Nga. Lớp giáp trên Leopard của Đức được chế tạo từ các vật liệu composite khác với áo giáp của Nga và được đánh giá là tiên tiến hơn.