Điều gì khiến WEF Davos 2022 không giống bất kỳ một Hội nghị nào trước đây
Không có tuyết rơi không phải đặc điểm duy nhất khiến Hội nghị WEF Davos 2022 không giống bất kỳ một Hội nghị nào trước đây, Chủ tịch WEF Borge Brande mở đầu bài thuyết trình.
Không chỉ là lần đầu tiên không diễn ra vào tháng Giêng, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ (WEF Davos 2022) diễn ra từ ngày 23-26/5, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine và những biến động bất thường mới của kinh tế toàn cầu, hậu đại dịch Covid-19, cũng đủ trở thành một sự kiện chưa từng có về nhiều phương diện.
Những giá trị bị rạn nứt
Những giá trị mà nhà sáng lập WEF Klaus Schwab đặt nền móng và tinh thần của “phiên chợ ý tưởng” nhằm cải thiện thế giới trong nửa thế kỷ phát triển, bị cho là đang rạn nứt. Khát vọng về một thế giới liên kết, nơi mà sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, con người và ý tưởng chia sẻ thịnh vượng trên toàn cầu dần nhạt nhòa và trở thành một mục tiêu đầy thách thức.
Ngay tại ngày khai mạc WEF Davos 2022 (23/5), đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nền kinh tế thế giới “dường như đang đối mặt bài kiểm tra lớn nhất kể từ sau Thế chiến II”, bị đẩy tới bờ vực của khủng hoảng chồng khủng hoảng.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva phân tích, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây hiệu ứng làm trầm trọng thêm ảnh hưởng vốn đã rất tồi tệ của đại dịch Covid-19, đặt thêm áp lực lên sự phục hồi kinh tế, kéo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống và thổi bùng lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Khi giá lương thực - thực phẩm và năng lượng đồng loạt leo thang, bóp nghẹt các hộ gia đình trên khắp thế giới; các ngân hàng trung ương buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, lãi suất tăng càng gây thêm áp lực lên các quốc gia, doanh nghiệp và những hộ gia đình với những khoản nợ chồng chất. Mức độ thách thức đối với nền kinh tế thế giới đã được nhấn mạnh trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cho thấy GDP của các nước G7 đã giảm 0,1% trong quý I/2022 so với ba tháng trước đó.
Sự bất ổn ngày càng tăng trên thị trường tài chính và những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng cũng đặt ra những rủi ro không nhỏ. Chưa kể, biến đổi khí hậu vẫn là một thách thức lớn đối với toàn cầu.
Trong khi đó, khả năng ứng phó của những tổ chức như IMF đang “bị hạn chế bởi hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine làm gia tăng nguy cơ phân mảnh địa kinh tế”, Giám đốc điều hành IMF cho biết. Hiện đã có khoảng 30 quốc gia hạn chế giao dịch các mặt hàng thực phẩm, năng lượng và các loại hàng hóa chủ chốt khác...
Giai đoạn bước ngoặt
Tất nhiên, trên thực tế, ngay cả trước đại dịch và xung đột, chia rẽ nội bộ đã làm căng thẳng các siêu cường như Mỹ. Các quốc gia về cơ bản vẫn tồn tại những khác biệt, ít nhất là hệ thống chính trị, kinh tế và cả mức độ giàu có.
Nhưng trong “một thế giới toàn cầu”, dù Moscow vẫn là đối thủ chiến lược của Mỹ và châu Âu, thì mối quan hệ kinh tế giữa họ vẫn ngày càng sâu sắc. Hàng trăm tập đoàn đa quốc gia đã đến hoạt động ở Nga và ngược lại; châu Âu cũng nổi lên như một đối tác lớn về năng lượng, các loại nguyên liệu mới và cả công nghệ… của Nga.
Nhưng giờ đây, dù nhà sáng lập WEF Klaus Schwab không sử dụng từ “chiến tranh lạnh mới”, nhưng ông nói rằng, chúng ta đang đối mặt với viễn cảnh “thế giới bị phân mảnh”, nguy cơ chia tách thành một hệ thống đa quyền lực với những triết lý, hệ tư tưởng khác nhau. Trước mắt là viễn cảnh bất ổn toàn cầu lớn hơn đang ở phía trước, nguy cơ từ các lệnh trừng phạt và trả đũa, những nền kinh tế bị cô lập và những toan tính riêng.
Có lẽ như vậy, chủ đề WEF 2022-“Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt: Chính sách của chính phủ và Chiến lược của doanh nghiệp” được đặt kỳ vọng ở một trong số ít những nơi tập hợp các nhân vật quyền lực từ nhiều lĩnh vực và khu vực địa lý, từ người đứng đầu chính phủ cho đến các nhà quản lý tập đoàn hàng đầu thế giới, đưa chính sách công, doanh nghiệp và xã hội dân sự xích lại gần nhau, cùng đối phó với những thách thức chưa từng có.
Thực tế cho thấy, phương thức sản xuất, cách mà con người tồn tại và phát triển hiện nay đã bộc lộ khuyết điểm, thế giới trở nên mong manh trước mọi biến cố. Chẳng hạn, một yếu tố phi truyền thống như dịch Covid-19 - chưa từng được đề cập cách đây hơn hai năm, tại Davos 2020, bỗng có sức công phá kinh hoàng.
Covid-19 đánh trực diện vào hệ miễn dịch-khâu yếu nhất trong cơ thể người; cũng như chỗ “mềm” nhất trong mối liên kết toàn cầu, hạn chế sự tiếp xúc, đi lại, kết nối; buộc con người thay đổi phương thức sản xuất từ trực tiếp sang gián tiếp. Chính những yếu tố này sẽ làm thay đổi thế giới – cái mà nhà sáng lập WEF gọi là “bước ngoặt lịch sử”.
Giáo sư Klaus Schwab nói: “Câu hỏi lớn đặt ra tại Davos là làm thế nào để phát triển năng lực bền bỉ cần thiết ở mỗi cấp độ cá nhân, quốc gia và toàn cầu, để trang bị tốt hơn cho tương lai, sẵn sàng đối phó với tất cả những biến động ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta”.
Hội nghị năm nay tiếp tục quy tụ giới tinh hoa thế giới, các nhà lãnh đạo quốc gia, các chính trị gia hàng đầu, các chuyên gia từ khắp các châu lục. Đặt trên bàn nghị sự cùng với vấn đề thời sự như kinh tế số, tăng trưởng xanh, bền vững…, các mối đe dọa thường xuyên như biến đổi khí hậu và an ninh mạng… đã thêm các “vấn đề nóng hổi” như xung đột Nga-Ukraine và dịch bệnh… Và khi những tác động của cuộc xung đột ở Ukraine lan rộng ra ngoài phạm vi địa lý, các chuyên gia đang cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn, có thể kéo dài từ châu Phi đến Nam Mỹ và gây ra nhiều bất ổn xã hội và di cư hàng loạt.
Trong một thế giới như đang tách rời nhau như vậy, Giáo sư Schwab vẫn tin rằng, nhu cầu hợp tác đa quốc gia ngày càng cấp thiết hơn. Hợp tác liên quan đến việc giải quyết các thách thức toàn cầu của chúng ta là hoàn toàn cần thiết, bởi vì chúng ta phụ thuộc lẫn nhau.
Bởi thực tế, toàn cầu hóa đã giúp hàng triệu triệu người thoát đói nghèo. Các số liệu thống kê cho thấy, số người sống trong cảnh nghèo cùng cực trên toàn cầu đã giảm mạnh trong những thập niên gần đây, trong khi khả năng tiếp cận điện, nước sạch và thực phẩm bổ dưỡng vẫn tăng đều, dù vẫn tồn tại những giới hạn nhất định.
Và như sự tin tưởng của Rich Lesser, Chủ tịch toàn cầu của Boston Consulting Group, một trong những ý tưởng lớn của WEF là chia sẻ sự thịnh vượng kinh tế sẽ giúp thế giới xích lại gần nhau hơn… Dù mục tiêu đó giờ sẽ khó khăn hơn nhiều.