Điều gì tạo nên cơn 'địa chấn' Đào, phở và piano
Bộ phim 'Đào, phở và piano' là bộ phim về đề tài lịch sử hiếm hoi do Nhà nước đặt hàng 'cháy vé' và trở thành bộ phim ăn khách nhất từ trước đến nay.
Theo Box Office Việt Nam, doanh thu Đào, phở và piano tính đến ngày 22/2 là hơn 500 triệu đồng. Với con số này, bộ phim Đào, phở và piano là phim Việt có doanh thu cao thứ 3 ở thời điểm này.
Góc nhìn mới lạ của Đào, phở và piano
Đào, phở và piano là bộ phim lấy đề tài Hà Nội vào những năm 1946 – 1947, phim đã tái hiện lại không khí trong 60 ngày đêm cuối trong trận chiến bảo vệ Hà Nội. Đào, phở và piano đã mang đến cho khán giả câu chuyện về thời chiến hết sức gay go và nguy hiểm. Mặc dù là bộ phim nhìn vào chiến tranh, thế nhưng Đào, phở và piano lại nhìn theo một góc nhìn mới. Mỗi nhân vật trong Đào, Phở và Piano mang theo một số phận, câu chuyện riêng.
Điểm chung của họ là tinh thần lạc quan, tích cực giữa những bộn bề, đổ nát và khắc nghiệt của chiến tranh. Đó có thể là một chàng dân quân hơi ngờ nghệch nhưng đầy gan dạ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Một nàng tiểu thư Hà Thành mặc hết hiểm nguy để đi theo tiếng gọi của con tim, tìm đến nơi người mình yêu thương nhất để sống trọn vẹn những ngày tháng có thể là cuối cùng. Một cậu bé đánh giày làm giao liên với ước mơ nhỏ nhoi là được ăn một bát phở vào mỗi buổi sáng. Một ông họa sĩ già quyết bám trụ lại thủ đô đến cùng để thắp hương cho những người lính đã ngã xuống và hoàn tất tác phẩm tâm huyết của mình.
Trường quay khủng
Điểm đặc biệt của bộ phim là dàn dựng một trường quay "khủng" với quy mô lớn tái hiện một đoạn phố Hà Nội với những không gian sống của các nhân vật ở bối cảnh năm 1946-1947. Đoàn làm phim đã dựng một khu phố cổ dài gần 100 m tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải, Phúc Yên để tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối 1946 đến đầu 1947. Sau hơn 5 tháng thi công, một phim trường khá quy mô đã hình thành với những ngôi nhà phố cổ Hà Nội thập niên 1940, những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn… có cả xe tăng, toa tàu điện – mà người dân Hà Nội đã xây thành chiến lũy trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô năm xưa.
Quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng
Bộ phim quy tụ dàn diễn viên thực lực với những tên tuổi gạo cội như NSND Trung Hiếu (cha xứ), NSƯT Trần Lực (ông họa sỹ). Không chỉ vậy, phim còn có sự góp mặt của những gương mặt trẻ đầy tài năng như Doãn Quốc Đam (chiến sỹ tự vệ), Cao Thùy Linh (tiểu thư Hà thành), Thiện Hùng (chú bé đánh giày), ca sĩ Tuấn Hưng (ông Phán), nghệ sĩ Anh Tuấn (ông bán phở)...
Trong đó phải đặc biệt kể đến Doãn Quốc Đam – gương mặt ăn khách của phim giờ vàng, và cũng là nam diễn viên hiện đang nhận được khá nhiều sự yêu mến từ khán giả. Anh gây ấn tượng với khán giả với khả năng diễn xuất được nhận xét diễn như không diễn. Sự xuất hiện của ca sĩ Tuấn Hưng trong phim cũng là một điểm gây nên nhiều tò mò cho khán giả. Trong vai ông bà bán phở, vợ chồng nghệ sĩ Nguyệt Hằng - Anh Tuấn bộc lộ đúng khí chất người lao động Hà Nội - dân dã, hơi ngoa ngoắt nhưng tử tế.
Ngoài ra, 'anh lính Tây' Oraiden Manuel cũng được khán giả nhắc tới trong mấy ngày qua. Vai diễn chỉ thuộc tuyến quần chúng nhưng Oraiden khiến nhiều người quan tâm bởi mối duyên đầy cảm hứng với Việt Nam.
Học tập tại Việt Nam, là công dân Mozambique, Oraiden được các thầy cô đặt cho tên tiếng Việt là Đức, biệt hiệu Đức Đen. Nhờ khả năng nói tiếng Việt và tiếng Anh tốt, anh hỗ trợ tổ đạo diễn 'Đào, phở và piano' thông dịch cho nhóm diễn viên phương Tây.
Trang phục chỉn chu
Cùng với diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên, bộ phim còn thành công trong việc khắc họa Hà Nội từ gần 80 năm trước thông qua việc xây dựng hình ảnh của các nhân vật trong phim. Trong bộ phim, các diễn viên nữ hầu hết đều mặc trang phục truyền thống dân tộc Việt là áo dài. Điều này làm tôn vinh nét đẹp, quyến rũ, sự dịu dàng của người con gái thùy mị, duyên dáng. Các diễn viên nam trong bộ phim hầu hết mặc trang phục bộ vest nam cổ điển, lịch lãm và quý phái. Đúng chất của những chàng công tử Hà Thành sau thời chiến.
Âm nhạc ấn tượng
Điểm đặc biệt của Đào, Phở và Piano chính là âm nhạc lôi cuốn và sâu lắng. Ca khúc "Ả Đào" do ca sĩ Tuấn Hưng trình bày đã chinh phục trái tim khán giả với giai điệu ngọt ngào, đầy cuốn hút.
Âm nhạc Việt Nam (bản ca trù Chí làm trai và Đời đáng chán của Nguyễn Công Trứ, ca khúc Hồn tử sĩ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Suối mơ của Văn Cao) đặt bên cạnh những bản nhạc Tây phương (Lavie En Rose của Édith Piaf, bản Liebestraum của Franz Liszt, bản Bridal Chorus của Richard Wagner) hòa hợp, đồng điệu đưa khán giả tham dự vào một không gian thâm trầm, lãng mạn, hào hoa, yêu và biết thưởng thức cái đẹp của người Hà Nội xưa.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của mạng xã hội
Theo kế hoạch, phim được trình chiếu tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia từ ngày 1 Tết Nguyên đán 2024 (ngày 10/2) và dự kiến lịch chiếu kéo dài đến hết tháng 2/2024 với 2-3 suất mỗi ngày, mỗi rạp khoảng 100 khán giả.
Tuy nhiên, sau khi bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội qua các bài review, lượng vé đặt xem phim tăng đột biến làm sập cả trang web đặt vé. Với sự phát triển của TikTok, những đoạn clip ngắn về các phân cảnh trong phim được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Khán giả lại càng tò mò hơn về nội dung và muốn được xem trọn vẹn bộ phim.
Đào, phở và piano là phim điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất. Phim được đầu tư với kinh phí lên đến 20 tỷ đồng. Ra mắt vào tháng 9/2023, bộ phim Đào, phở và piano đã giành giải thưởng Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 diễn ra ở Đà Lạt vào tháng 11/2023.