Điều gì thôi thúc những 'bóng hồng' theo học các nghề kỹ thuật

Là con gái, nhưng nhiều em lại chọn học nghề kỹ thuật thay vì những nghề làm bàn giấy nhẹ nhàng. Điều gì đã khiến cho các em bỏ thời gian công sức, bất chấp cả sự ngăn cản hay tư vấn của gia đình để theo đuổi ngành nghề vất vả này.

Bất chấp khó khăn vẫn "cháy" hết mình với nghề điện

3 năm miệt mài với đường dây điện, mao mạch, Phạm Thị Thu Uyên (22 tuổi)- ở Thanh Miện, Hải Dương càng học lại càng say nghề kỹ thuật. Hiện Uyên là sinh viên năm 3 của Khoa Điện chuyên ngành điện Công nghiệp (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội).

Đây là một trong 2 nghề chất lượng cao, dạy theo tiêu chuẩn của Đức mà trường Cao đẳng Cơ điện đang giảng dạy theo chương trình thí điểm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Nhìn dáng vẻ tiểu thư, xinh đẹp của Uyên, ít ai biết được rằng cô lại có đam mê đặc biệt với các ngành kỹ thuật. Để thực hiện đam mê ấy, Uyên từ bỏ cả trường đại học để chọn học nghề, dù ban đầu bố mẹ có không đồng ý.

"Lúc đầu bố mẹ nghe em nói sẽ chọn ngành điện thì cảm thấy rất lo lắng. Bố mẹ khuyên em nên chọn ngành nào đó nhẹ nhàng phù hợp hơn với con gái. Phải mất một thời gian dài thuyết phục bố mẹ mới đồng ý cho cho em đi học nghề điện"- Uyên chia sẻ.

Nhớ lại ngày đầu nhập học, cô gái vẫn giữ nguyên cảm giác hồi hộp: "Ngày đầu tiên nhập học, lần đầu tiên bước vào khoa cả trăm người chỉ có mình là con gái, lúc đó em cũng cảm thấy khá lo lắng. May nhờ thầy cô quan tâm, các bạn hỗ trợ nên được 1-2 tuần em cũng quen dần".

Hồi tưởng về những tháng ngày miệt mài, hì hụi bên những chiếc ốc vít, đường dây điện, mao mạch... Uyên vẫn cảm thấy vui và may mắn. May mắn vì mình được học đúng ngành mình thích. Vui vì dù thể trạng yếu ớt nhưng khi học tập luôn được các bạn và thầy cô hướng dẫn dìu dắt tận tình nên dù có khó khăn gì cô cũng vượt qua.

"Có một kỷ niệm em nhớ nhất đó là giờ học thực hành, lúc đó phải thực hiện thao tác uốn cắt ống đi dây điện. Bình thường sẽ dùng máy gò để làm, nhưng tình huống lúc đó không có máy gò bắt buộc người thợ phải dùng tay chân. Lóng ngóng mãi không làm được, lúc này thầy phải ra hướng dẫn chỉ em cách đặt ống xuống đất, tì gối lên để uốn. May được thầy hướng dẫn, nên em làm đúng kỹ thuật và cuối cùng cũng thành công"- Uyên kể.

Ngoài việc học Uyên còn là bí thư Đoàn của lớp nên cô tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, hay tư vấn tuyển sinh của nhà trường ở các tỉnh thành. Uyên kể lúc được chia sẻ tình yêu nghề nghiệp với các em học sinh cô cảm thấy rất vui, cuộc sống có ý nghĩa hơn và chính cô cũng được tiếp thêm năng lượng mới để học tập và làm việc.

Phạm Thị Thu Uyên (đứng) tham gia hội thảo về giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Quang Anh

Phạm Thị Thu Uyên (đứng) tham gia hội thảo về giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Quang Anh

Sau 3 năm học, Uyên kết thúc thời gian học chuyên ngành và đã hoàn thành học cấp bằng ngoại ngữ. Cô dự định, tốt nghiệp xong sẽ đăng ký đi làm việc ở Đức. Nếu được tuyển dụng, đây sẽ là cơ hội để Uyên có thêm kinh nghiệm sau đó về nước làm việc.

Không còn giới hạn về giới trong các ngành kỹ thuật

Cũng giống như Phạm Thị Thu Uyên, cô gái Đặng Hồng Ân- quê Ninh Thuận là sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Cả lớp học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô có gần 100 nam sinh bỗng xuất hiện một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp, giọng nói nhẹ nhàng nữ tính và thành tích học tập “cực chất”, khiến ai cũng bất ngờ và thú vị.

Hồng Ân chia sẻ: "Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ em đang "ngồi nhầm lớp" vì con gái ai lại đi học kỹ thuật, nhưng bản thân em lại thấy bình thường, không có gì bất ổn ở đây cả".

Ngoài Hồng Ân, lớp cô còn có 1 bạn gái nữa. Tuy nhiên, trong trường số lượng bạn gái theo học cũng rất khiên tốn.

Nằm trong tốp sinh viên có điểm trúng tuyển cao nhất lớp (24,35 điểm với toán 7.8, văn 7.75 và tiếng Anh 8.8), Hồng Ân lý giải việc mình lựa chọn học ngành được xem là của “cánh mày râu”: “Em thích những công việc thiên về hoạt động và mạnh mẽ một chút. Trước khi quyết định chọn ngành này, em cũng đã tìm hiểu rất kỹ chương trình đào tạo. Em thấy thích thú vì sẽ được học chủ yếu về thực hành, lắp ráp, chi tiết máy...".

Hồng Ân cho rằng, không cần vào đại học bằng mọi giá dù có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm. "Thời buổi này học trình độ nào không quan trọng, quan trọng là năng lực của người đó thế nào. Em chọn học nghề vì đó là sở thích và là niềm đam mê."- Hồng Ân nói.

Mong muốn được lan tỏa tình yêu với nghề cho nhiều nữ sinh có cùng đam mê nhưng chưa thực sự quyết tâm gắn bó, theo học nghề, Hồng Ân nhắn nhủ: "Các bạn nữ hãy sống với đam mê của mình, nếu mình sống với đam mê của mình thì mình sẽ cố gắng hết sức để đạt được ước muốn và thành công".

Câu chuyện về tình yêu với giáo dục nghề nghiệp, khối ngành kỹ thuật của 2 cô gái trẻ, xinh đẹp, năng động phần nào sẽ là động lực giúp nhiều nữ học sinh được sống với đam mê "học những thứ mình thích". Đồng thời, câu chuyện cũng là cách góp phần thay đổi nhận thức của xã hội rằng, không phải cứ là con gái thì không thể học hay làm các nghề kỹ thuật.

Quang Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-gi-thoi-thuc-nhung-bong-hong-theo-hoc-cac-nghe-ky-thuat-116647.html