Điều gì xảy ra khi sống chung với trào ngược lâu ngày
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản là đo pH trong lòng thực quản, nhưng đây là khảo sát tương đối khó thực hiện và không phổ biến ở Việt Nam.
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng điển hình như ợ nóng, trớ, ợ hơi, đau vùng thượng vị hoặc các biểu hiện ngoài thực quản.
Theo bác sĩ, khoảng 20% trường hợp có biểu hiện trong thực quản, nhưng đến 80% biểu hiện ngoài thực quản, bao gồm ho kéo dài, khàn tiếng, đau họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang, hoặc cơn đau ngực. Sau khi đánh giá các triệu chứng, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để xác định bệnh nhân có bị trào ngược dạ dày thực quản hay không.
Bác sĩ Phượng nhấn mạnh các biến chứng đơn thuần của trào ngược dạ dày thực quản chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, những biến chứng nặng hơn, như viêm thực quản trào ngược, có thể dẫn đến hẹp thực quản, xuất huyết thực quản, thậm chí thủng thực quản.
"Trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản, mặc dù tỷ lệ này không cao", bác sĩ Phượng chia sẻ.
Cụ thể, khi bệnh nhân có biến chứng Barrett thực quản nhưng không ghi nhận chuyển sản, nghịch sản hay loạn sản, tỷ lệ ung thư là 0,5%. Tuy nhiên, nếu Barrett thực quản có tình trạng nghịch sản, loạn sản hoặc chuyển sản, nguy cơ ung thư tăng lên 10%, thậm chí đến 40%. Vì vậy, bệnh cần được theo dõi và điều trị kịp thời để loại trừ các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên tắc điều trị trào ngược dạ dày thực quản là loại bỏ các yếu tố nguy cơ, như ăn quá cay, quá chua, sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, hoặc các chất kích thích. Khi không còn các yếu tố nguyên nhân, bệnh có khả năng tự hồi phục hoặc dễ dàng điều trị hơn.