Điều gì xảy ra nếu trái phiếu Saigon Glory không được gia hạn

Tổ chức quản lý tài sản đảm bảo sẽ thực hiện các biện pháp xử lý như thông báo xử lý, định giá, đánh giá, bán, chuyển nhượng, cho thuê hoặc xử lý theo cách khác nhằm thu hồi vốn cho trái chủ.

Giữa năm 2020, Công ty TNHH Saigon Glory phát hành 10 lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm hoặc 5 năm với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng để phát triển dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ The Spirit of Saigon.

Một nửa trong số trái phiếu này đáo hạn trong tháng 6 và tháng 7 năm nay và Saigon Glory cam kết mua lại trái phiếu trước ngày 12/6.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính, bất động sản diễn biến không thuận lợi, Saigon Glory không thu xếp kịp nguồn tiền để mua lại trái phiếu đúng hạn.

Mới đây, công ty đã tổ chức hội nghị trái chủ để xin được gia hạn thanh toán các lô trái phiếu trên, có mã từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.05, tổng giá trị 5.000 tỷ đồng. Sau khi tổ chức hội nghị trực tiếp không thành công, Saigon Glory chuyển sang lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản. Kết quả hội nghị trái chủ lần 2 chưa được công bố.

Được biết, các lô trái phiếu có tổng trị giá 5.000 tỷ đồng, thuộc sở hữu của gần 3.000 trái chủ. Mức độ đại chúng cao với số lượng nhà đầu tư sở hữu trái phiếu đông đảo có thể khiến việc lấy ý kiến trái chủ của Saigon Glory gặp bất lợi.

Trong trường hợp không nhận đủ ý kiến đồng ý của các trái chủ sở hữu 75% tổng mệnh giá trái phiếu, Saigon Glory có thể phải đối mặt với sự kiện vi phạm và dẫn đến việc kích hoạt các bước quá trình xử lý tài sản đảm bảo, theo quy định trong điều kiện phát hành.

Tài sản đảm bảo trong các lô trái phiếu trên là cổ phần của Saigon Glory và các tài sản đảm bảo khác, thường là các quyền lợi gắn liên với dự án sử dụng vốn, ở đây là dự án The Spirit of Saigon. Và bên quản lý tài sản đảm bảo là một ngân hàng lớn có vai trò xử lý tài sản đảm bảo trên.

Các bước xử lý tài sản đảm bảo được quy định cụ thể trong các hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo, hợp đồng đảm bảo, hợp đồng thế chấp và các văn bản liên quan đến đợt phát hành trái phiếu.

Thông thường, nếu không có thỏa thuận khác giữa doanh nghiệp phát hành và trái chủ, khi sự kiện vi phạm xảy ra, tổ chức quản lý tài sản đảm bảo sẽ thực hiện các biện pháp xử lý bao gồm những không giới hạn: thông báo xử lý, định giá, đánh giá, bán, chuyển nhượng, cho thuê hoặc xử lý theo cách khác phù hợp với quy định của hợp đồng quản lý và hợp đồng đảm bảo.

Số tiền thu được sẽ sử dụng để thanh toán chi phí xử lý tài sản, nộp thuế sau đó trả lãi quá hạn, lãi đến hạn và gốc trái phiếu. Số tiền còn lại sẽ được hoàn trả cho bên bảo đảm. Trong trường hợp tiền xử lý tài sản đảm bảo không đủ để thanh toán, thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả đẩy đủ cho trái chủ.

Tuy vậy, việc xử lý tài sản đảm bảo ẩn chứa rủi ro và phụ thuộc vào các quy định của pháp luật tại thời điểm xử lý. Trong trường hợp tài sản đảm bảo bị hạn chế chuyển nhượng hoặc áp đặt các điều kiện chuyển nhượng, trái chủ sẽ gặp khó khăn trong việc thu hồi. Đồng thời, trái chủ có thể phải chịu các chi phí có liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo.

Theo các chuyên gia, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chủ yếu phụ thuộc vào thời gian xử lý và giá trị thu hồi. Ngoài ra, các yếu tố khách quan như tình hình thị trường, thủ tục chuyển giao thì các yếu tố chủ quan về mức độ hoàn thiện dự án, pháp lý tranh chấp, sự đồng thuận của các bên… cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng và tiến độ xử lý tài sản.

Thực tế, việc xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu ngân hàng trong những năm qua thường trải qua nhiều thủ tục phức tạp, thời gian có thể kéo dài một vài năm hoặc lâu hơn tùy các điều kiện và các yếu tố khác như thị trường và khả năng hấp thụ sản phẩm, việc tìm kiếm nhà đầu tư.

Do đó, gia hạn trái phiếu có thể là lựa chọn tốt hơn cho trái chủ; đặc biệt trong trường hợp trái phiếu có tài sản đảm bảo là các dự án có giá trị lớn và có triển vọng tạo ra dòng tiền thanh toán rõ ràng.

The Spirit of Saigon là dự án có vị trí đắc địa ở trung tâm TP. HCM, nằm tại khu tứ giác Bến Thành, có 4 mặt tiền là Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette và đối diện chợ Bến Thành. Dự án có diện tích hơn 8.500 m2, gồm 2 tòa tháp cao 55 tầng và 48 tầng.

Dự án đã hoàn chỉnh thủ tục pháp lý và đã được UBND TP.HCM chấp thuận bán nhà ở hình thành trong tương lai với 214 căn hộ.

The Spirit of Saigon có tên cũ là The One và được khởi công từ năm 2012, dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng tiến độ xây dựng không được như kế hoạch ban đầu. Dự án đã hoàn thành công trình phần ngầm bao gồm cọc móng và 6 tầng hầm, hiện đang thi công đến lầu 8 của khối đế.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dieu-gi-xay-ra-neu-trai-phieu-saigon-glory-khong-duoc-gia-han-1687408547933.htm