Điều hành chính sách tài khóa thích ứng với bối cảnh mới

Mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, song các chính sách này đã hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, theo các chuyên gia kinh tế, cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thích ứng với bối cảnh mới, khôn khéo, linh hoạt và 'ưu ái' doanh nghiệp để đạt đa mục tiêu.

Những khó khăn đến từ nội tại nền kinh tế

Nhìn lại quá trình thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dù kết quả đạt được là rất tích cực, nhưng vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Vào quý cuối cùng của năm, thu NSNN đã có dấu hiệu chững lại, nhiều khoản thu nội địa giảm.

Thu NSNN 11 tháng năm 2022 dù đã vượt dự toán, song một số ngành, lĩnh vực đã xuất hiện những khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao liên tục khi giá xăng, dầu tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn như ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Một số ngành do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, nguồn nhiên liệu khan hiếm, thiếu hụt làm cho sản xuất trì trệ. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2022 đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên áp lực từ sức ép lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác... Đây là những áp lực cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Vào cuối năm 2022, tốc độ tăng thu NSNN đã có dấu hiệu giảm. Thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất) bình quân 5 tháng đầu năm đạt 11% dự toán (114 nghìn tỷ đồng/tháng), từ tháng 6 đến tháng 11/2022 thu bình quân chỉ đạt dưới 6% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu quý III/2022 giảm 7,8% so với quý I và giảm 13,5% so với quý II/2022 và có xu hướng giảm dần theo từng tháng.

Chính vì rất nhiều yếu tố tác động nêu trên, Chính phủ đã trình Quốc hội dự toán thu năm 2023 ở mức thận trọng, trong bối cảnh một số tổ chức quốc tế dự báo khả năng thế giới suy thoái.

Áp lực điều hành chi ngân sách đã giảm nhẹ dần

Trong bối cảnh mới, theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, những tác động đối với chi NSNN là chưa rõ ràng. Vào thời điểm này, khi dịch bệnh được kiểm soát, các nhiệm vụ chi cấp bách, phát sinh đã giảm nhẹ dần gánh nặng lên NSNN.

Đối với chi thường xuyên, việc thực hiện các nhiệm vụ chi vẫn bám sát dự toán trên cơ sở các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách chi tiêu hiện hành. Một số nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh... được thực hiện từ các nguồn dự phòng NSNN, chi dự trữ quốc gia, dự trữ tài chính theo quy định.

Thận trọng dự toán thu ngân sách năm 2023

Chính phủ đã trình Quốc hội dự toán thu năm 2023 ở mức thận trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này là cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái, giá dầu và giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu, tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... làm gia tăng rủi ro, khó khăn, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Đối với chi đầu tư phát triển, tình trạng giá cả nguyên vật liệu leo thang có tác động nhất định tới việc đấu thầu, triển khai thực hiện các công trình, dự án; tuy nhiên, với các biện pháp kiểm soát giá kịp thời, tình trạng tăng giá đã chững lại. Dự toán chi năm 2023 được xây dựng trên cơ sở các nhiệm vụ, chính sách, chế độ, kế hoạch đầu tư công trung hạn và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo phê duyệt.

Với các tác động thu - chi nêu trên, đánh giá, bội chi NSNN năm 2022 và dự toán năm 2023 đang được kiểm soát tốt, thấp hơn mức Quốc hội cho phép tại Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá cả bùng phát ở mức cao, chính sách tài khóa có thể sẽ được mở rộng để kích cầu nội địa hoặc thực hiện việc miễn, giảm, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Những chính sách này sẽ gây sức ép lên cân đối NSNN.

Kết thúc năm ngân sách, trên cơ sở tăng thu ngân sách và thực tế giải ngân của các dự án, rà soát cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa được sử dụng, không được chuyển nguồn và các khoản tiết kiệm chi, mức bội chi NSNN năm 2022 theo tính toán thấp hơn mục tiêu đề ra, khoảng 3,8% (khoảng 4% GDP).

Tập trung vốn cho đầu tư phát triển

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số, quản lý chặt chẽ hoàn thuế. Đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội giao.

Trước đó, trả lời phỏng vấn TBTCVN, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, điều hành chi NSNN năm 2023 phải thực hiện theo đúng dự toán, chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong đó, cần tập trung vốn cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2023; vốn chương trình mục tiêu quốc gia (cả đầu tư và thường xuyên); vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thực hiện dự toán NSNN năm 2023, Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương tổ chức điều hành chi ngân sách địa phương chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm, trong khả năng của ngân sách địa phương; chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; nhiệm vụ chi quan trọng, đột xuất.

Bộ Tài chính vẫn kiên định trong điều hành: siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch; chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, toàn ngành thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh, kiểm tra, kiểm toán đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên.

Theo các chuyên gia kinh tế, với vai trò là công cụ điều hành vĩ mô quan trọng, trong thời gian tới cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, chính sách tài khóa là yếu tố quyết định cùng với chính sách thương mại, xuất nhập khẩu và các chính sách khác để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Việc thực hiện các chính sách tài khóa trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu tập trung ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế hiệu quả. Trong đó ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động, kịp thời có các điều chỉnh chính sách thuế, phí vừa góp phần giảm giá thành, kiểm soát giá cả, đồng thời giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, cần thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý giá. Trong khi lạm phát tiếp tục được kiểm soát, cần quyết liệt tận dụng dư địa tài khóa sẵn có để đẩy mạnh kích thích kinh tế với sự linh hoạt lớn hơn. Đồng thời, chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ phục hồi kinh tế, là nền tảng để giải quyết các vấn đề xã hội.

Đối với chi NSNN, theo Bộ Tài chính, tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, ưu tiên chi đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, cho NSNN và tăng khả năng chống chịu trước diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-hanh-chinh-sach-tai-khoa-thich-ung-voi-boi-canh-moi-121731-121731.html