UOB: Kinh tế Việt Nam có thể 'tăng trưởng chậm lại' vào cuối năm

Theo báo cáo của ngân hàng UOB, kinh tế Việt Nam trong quí 2 năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, do một số rủi ro tiềm ẩn, các chuyên gia nhận xét nền kinh tế trong nước có thể bị chậm lại trong nửa cuối năm, với mức dự báo tăng trưởng vẫn giữ nguyên là 6%.

(KTSG Online) – Theo báo cáo của ngân hàng UOB, kinh tế Việt Nam trong quí 2 năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, do một số rủi ro tiềm ẩn, các chuyên gia nhận xét nền kinh tế trong nước có thể bị chậm lại trong nửa cuối năm, với mức dự báo tăng trưởng vẫn giữ nguyên là 6%.

Dấu hiệu phục hồi rõ hơn

Theo đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy GDP thực tế của Việt Nam trong quí 2 tăng 6,93% so với cùng kỳ, tiếp nối đà tăng trưởng tử mức 5,87% trong quí 1 và vượt qua mức 6,72% so với cùng kỳ trong quí 4 năm 2023.

“Kết quả này gây bất ngờ so với kỳ vọng của chúng tôi và thị trường là 6,0%, vì cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều hoạt động mạnh mẽ trong quí”, bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB nhận xét.

Trong quí 2 năm 2024, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: TL

Trong quí 2 năm 2024, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: TL

Trong quí 2, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng với mức tăng lần lượt là 10% và 7,1%. Đây là quí thứ 11 liên tiếp có kết quả tăng trưởng kể từ khi phục hồi sau đại dịch trong quí 3 năm 2021. Trong nửa đầu năm 2024, lĩnh vực sản xuất đóng góp 29% và lĩnh vực dịch vụ đóng góp 45% trong mức tăng trưởng chung 6,42%.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết tổng thương mại bán lẻ được ghi nhận tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm 2024, ở mức 8,6% so với cùng kỳ. Theo đó, doanh số bán lẻ tăng khoảng 7,4% với mảng dịch vụ du lịch, mảng khách sạn và ăn uống đều ghi nhận mức tăng.

Điều này được thúc đẩy bởi sự phục hồi liên tục của ngành du lịch khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón khoảng 8,8 triệu lượt khách nước ngoài, với 50% lượng khách quốc tế là khách đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ngoài ra, các hoạt động ngoại thương cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quí 2 nhờ sự thúc đẩy của nhu cầu tiêu dùng và sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn.

Bất chấp tình hình chính trị căng thẳng trên thế giới, xuất khẩu vẫn ghi nhận mức tăng cao. Trong nửa đầu năm, xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 14% và 16,6% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại đạt 11,3 tỉ đô la Mỹ với phần lớn đến từ thương mại với Mỹ trong khi Trung Quốc là nguồn thâm hụt thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, các mặt sản phẩm xuất khẩu như máy tính, điện thoại di động, thiết bị liên lạc, máy móc, dệt may và giày dép đạt tổng trị giá khoảng 110 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chính như linh kiện điện tử, máy móc, vải, thép…đạt 89,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Báo cáo của UOB cũng cho biết, đa số nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tích cực về triển vọng dài hạn của Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký từ đầu năm đến tháng 6 đạt 15,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó, Singapore là nguồn vốn đầu tư lớn nhất với 5,6 tỉ đô la Mỹ, kế tiếp là Nhật Bản với 1,7 tỉ đô la Mỹ, Hồng Kông với 1,7 tỉ đô la Mỹ và Hàn Quốc với 1,4 tỉ đô la Mỹ.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI “chảy” vào Việt Nam từ đầu năm đến tháng 6 đạt 10,8 tỉ đô la Mỹ. Theo UOB, những dữ liệu này cho thấy Việt Nam tiếp tục được coi là điểm đến đầu tư quan trọng, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi. Không chỉ vậy, sự gia tăng dòng vốn FDI sẽ thúc đẩy các hoạt động trong các quí tới, bao gồm xây dựng và việc làm.

Tăng trưởng chậm lại vào cuối năm

UOB nhận định các kết quả hoạt động trong quí 2 cao hơn kỳ vọng, tích cực, triển vọng cho năm 2024 vẫn tươi sáng. Tuy nhiên, theo ngân hàng, nửa cuối năm 2024, các hoạt động có thể trầm lắng hơn, do ảnh hưởng từ cơ sở dữ liệu của nửa cuối năm 2023 và những rủi ro vẫn còn hiện hữu, làm gián đoạn các thị trường.

Ngân hàng UOB nhận xét tình hình kinh tế Việt Nam cuối năm có thể tăng trưởng chậm và giữa nguyên dự báo mức tăng trưởng là 6%. Ảnh: UOB

Ngân hàng UOB nhận xét tình hình kinh tế Việt Nam cuối năm có thể tăng trưởng chậm và giữa nguyên dự báo mức tăng trưởng là 6%. Ảnh: UOB

Dù nhu cầu ngành bán dẫn có sự phục hồi, kinh tế Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á tăng trưởng ổn định và các ngân hàng trung ương lớn có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ, UOB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024.

“Mặc dù Việt Nam có một số thay đổi gần đây trên chính trường, chính sách dài hạn chào đón và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp lâu nay của Việt Nam dường như sẽ được giữ nguyên”, báo cáo cho biết thêm.

Gần đây, việc đồng Việt Nam mất giá trước đô la Mỹ và tỷ lệ lạm phát tăng có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không thay đổi lãi suất trong thời gian ngắn. UOB nhận xét đà tăng trưởng hiện tại có thể bị chậm lại trong nửa cuối năm, với việc duy trì mức lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%.

Các chuyên gia UOB cũng cho rằng, với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ lãi suất trong tháng 6 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu nới lỏng lập trường chính sách trong nửa cuối năm có thể giúp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đi theo xu hướng chung.

Gia Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/uob-kinh-te-viet-nam-co-the-tang-truong-cham-lai-vao-cuoi-nam/