Điều hành giá xăng dầu: Cần sớm có giải pháp kìm đà tăng

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2875/BCT-KH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; trong đó, Bộ này đã nêu rõ về giá xăng dầu trong nước cũng như công tác điều hành giá xăng dầu.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Giá xăng ở đâu so với thế giới?

Về điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua, Bộ Công Thương cho hay, trong các kỳ điều hành giá, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá để đảm bảo giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn.

Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/5/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 50,23% đến 67,09% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11/5/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 25,04% - 46,85%.

Giá xăng RON95 tại thời điểm trước kỳ điều chỉnh ngày 23/5 là 29.988 đồng/lít (1,3 USD/lít), bằng mức bình quân thế giới (đứng thứ 86/170 quốc gia), thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc (1,35 USD/lít), Thái Lan (1,43 USD/lít), Lào (1,74 USD/lít), Hàn Quốc (1,53 USD/lít), Campuchia (1,39 USD/lít). Tỷ trọng các loại thế, phí trong giá cơ sở xăng dầu chiếm từ 15,23% đến 34,07% tùy từng loại.

Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 và giá xăng dầu tăng (do giá thế giới tăng và gián đoạn nguồn cung trong nước) trong thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã liên tục sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Việc điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, với việc cung ứng xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, một số cửa hàng (khoảng 20-30 cửa hàng tập trung ở một số tỉnh miền Nam trên tổng số 17.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước) ngừng bán hoặc bán hàng cầm chừng.

Nguyên nhân do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất do khó khăn về tài chính nên lượng giao hàng cho các thương nhân đầu mối bị sụt giảm (tháng 2 giảm 50%, tháng 3 giảm 20% trong khi Nghi Sơn chiếm 35-40% tổng cung xăng dầu cho cả nước. Ngoài ra, giá thế giới tăng cao do cung giảm và gián đoạn, cầu tăng, biến động địa chính trị đặc biệt Nga - Ukraine, các nước nới lỏng tiền tệ và tài khóa nên giá hàng hóa cơ bản tăng mạnh. Nguồn cung trên thế giới khan hiếm và chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng mạnh.

Bộ Công Thương đã kịp thời thực hiện 4 nhóm giải pháp để khắc phục hiện tượng trên. Số lượng cây xăng ngừng bán hoặc bán hàng cầm chừng rất nhỏ, tỷ lệ gần 0,2%, trong khi đó 99,8% các cây xăng dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì bán hàng bình thường và từ đó đến nay, chưa lần nào xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu, dù là cục bộ. Nguồn cung xăng dầu trong nước được đảm bảo. Tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2022 khoảng 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,4 triệu m3, nhập khẩu hơn 6,2 triệu m3.

Nhu cầu xăng dầu quý II khoảng 5,2 triệu m3. Nguồn cung xăng dầu quý II dự kiến khoảng 6,7 triệu m3 từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khoảng 1,8 triệu tấn, từ nhà máy lọc dầu Bình Sơn 1,9 triệu tấn, nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, chưa kể 2,4 triệu m3 theo Quyết định bổ sung và nguồn tồn kho Quý I chuyển sang 1,5 triệu m3. Như vậy, nguồn cung trên sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Quý II và tồn kho gối đầu sang Quý III khoảng 1,5 triệu tấn.

Tuy vậy, theo ông Trần Văn Lâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết, chúng ta không thể so với những quốc gia không có xăng dầu như Lào, Campuchia; cũng không thể so với những quốc gia "đế chế" xăng dầu như Saudi Arabia, Iraq, Iran… Giá xăng của Việt Nam hiện đang ở mức trung bình cao. Giá xăng dầu có tiếp tục tăng, tiếp tục thiết lập các kỷ lục mới trong thời gian tới. Đây cũng là điều bình thường nhưng nếu như vượt quá mục tiêu kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng đến nền kinh tế thì cần có các giải pháp điều tiết cần thiết.

Kìm đà tăng giá

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tiếp tục xu hướng tăng. Tuần qua, giá dầu thế giới đã có những ngày tăng mạnh. Tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent đã tăng tới 6% và giá dầu thô WTI tăng 1,5%. Chốt phiên cuối tuần qua, giá dầu WTI tăng 0,86% lên 115,1 USD/thùng. Còn giá dầu thô Brent giao tháng 7 tăng 1,73% lên 119,4 USD/thùng. Giá dầu thô Brent hiện đã chạm mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Ở trong nước, giá xăng dầu thế giới những ngày qua có xu hướng tăng nên giá xăng, dầu trong nước ở kỳ điều chỉnh giá ngày 1/6 được dự báo cũng sẽ tăng theo giá xăng, dầu thế giới. Giá dầu tăng sau khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang và hiện tiến sát 120 USD/thùng. Với việc giá dầu đang ở cao, nếu xuất khẩu dầu thô Nga giảm mạnh, giá dầu có thể tiếp tục tăng và vượt mốc 150 USD/thùng.

Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết, quỹ bình ổn giá đang âm do đó không thể trông chờ vào Quỹ này để kìm đà tăng giá xăng dầu, mà chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá. Trong cơ cấu giá xăng dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, cần tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn, như bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm. Cùng đó là các giải pháp về tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối làm sao trong quy hoạch sản xuất để tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm. Đó là những công cụ, dư địa để can thiệp nhằm hài hòa lợi ích các bên là nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Văn Lâm cho hay, để kìm đà tăng giá xăng, chúng ta có các công cụ, đó là Quỹ bình ổn xăng dầu, công cụ thuế phí. Công cụ nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương giải quyết được, cần làm ngay; còn nếu vượt quá thẩm quyền của Chính phủ cũng cần sớm tham mưu, kiến nghị, đề nghị các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, quyết định.

"Ngoài ra, dự trữ quốc gia của Việt Nam về xăng dầu rất yếu, vấn đề này, chúng tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương. Hiện nay, dự trữ xăng dầu quốc gia bị trộn lẫn với dự trữ của doanh nghiệp; không có kho riêng của quốc gia về dự trữ xăng dầu. Đó là yếu tố không thật sự an toàn. Hiện nay, tỉ lệ dự trữ xăng dầu của chúng ta chỉ có vài tuần, tới đây cần tăng cường nguồn dự trữ lên", ông Lâm nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, dư địa để điều hành giá xăng dầu vẫn còn, nhưng sẽ phải cân nhắc giữa việc giảm thu ngân sách, tác động lạm phát với kiểm soát đà tăng giá xăng. Có thể tính tới công cụ giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường. Khi giá dầu thế giới tăng cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hoạt động xuất khẩu dầu thô, kèm theo đó là nguồn thu từ các loại thuế, phí đối với dầu thô, xăng dầu thành phẩm trong nước, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan chức năng có thể tiếp tục đề xuất, thực hiện việc giảm thuế bảo vệ môi trường, đồng thời đưa ra chiến lược sử dụng tiết kiệm hơn với mặt hàng xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng khó có biện pháp nào lúc này có thể kiềm chế giá xăng dầu theo kiểu “nhanh, gọn, lẹ” được. Trong điều hành giá, cần thiết có biện pháp khẩn cấp để kiềm chế đà tăng. Song với mặt hàng xăng dầu lại rất khó bởi dư địa để giảm giá như chúng ta đề cập lâu nay là thuế, thường phải được Thường vụ Quốc hội thông qua. Liên bộ quản lý sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá thì nay quỹ đã âm rồi, không còn tác dụng nhiều nữa để hạ nhiệt giá xăng. Để hạ nhiệt đà tăng giá xăng dầu theo đà tăng của thế giới, chỉ còn công cụ giảm thuế và chấp nhận đánh đổi nguồn thu ngân sách giảm để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Đức Dũng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dieu-hanh-gia-xang-dau-can-som-co-giai-phap-kim-da-tang-20220531162322600.htm