Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán
Phát biểu tại 'Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024', sáng ngày 28/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, ngân hàng tiếp tục chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ. Tiến tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà, sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Thể hiện qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu để đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững và hội nhập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, công điện, chỉ thị để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện theo thẩm quyền đặc biệt là xử lý nhanh các vướng mắc của lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ. Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Qua đó, hỗ trợ sự phát triển của TTCK, tiến tới mục tiêu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định sự phát triển của TTCK có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế.
Hiện nay, TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell hiện đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi.
“Sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và của các doanh nghiệp. Đối với hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), TTCK phát triển hỗ trợ các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn nhằm tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức. Bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN”, ông Hà nói.
Theo các dự báo, năm 2024, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể phục hồi so với năm 2023. Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 5,5-6,5% và năm 2025 là 6-7%.
NHNN sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các TCTD. Điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tạo ra các bước đệm trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư và phát triển TTCK trong tương lai.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng TTCK có thể mang lại lên tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI.
Cùng với đó, cần xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu để Việt Nam có thể đón nhận thêm khoản đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi. Điều này có nghĩa, Việt Nam sẽ có thêm 8 đến 12 tỷ USD đầu tư cho đến năm 2030.
Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước và thực hiện những cải cách trong ngành bảo hiểm và quỹ đầu tư. Nếu được thực hiện thành công, giải pháp này có thể mang lại cho Việt Nam thêm 28 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp thông qua thị trường vốn.