Điều hòa nguồn cung xăng dầu: 'Chìa khóa' trong tay Bộ Công thương
Thực tế với xăng dầu hiện nay rõ ràng nguồn nhập khẩu, nguồn cung đầu vào không thiếu mà 'tắc nghẽn' chính là do khâu quản lý. Có rất nhiều biện pháp, công cụ quản lý hiện nay đều nằm trong tay Bộ Công thương, vấn đề là Bộ lựa chọn công cụ nào, giải pháp ra sao để tính toán, cho cả trước mắt và lâu dài.
Giá bán lẻ xăng tăng nhẹ hơn 500 đồng/lít, giá dầu tăng mạnh gần 2.000 đồng/lít Đảm bảo nguồn cung xăng, dầu là yếu tố quan trọng Nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh trong 9 tháng năm 2022
Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về tình trạng một số cây xăng dừng bán hàng những ngày gần đây.
PV: Thưa ông, gần đây giá xăng dầu không còn cao như trước, nhưng tại thị trường trong nước lại đang xảy ra tình trạng một số cây xăng đóng cửa, dừng bán hàng, ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
Đại biểu Trần Văn Lâm: Đúng là giá xăng dầu hiện nay không còn diễn biến nóng như trước, giá đã giảm khoảng 30% so với lúc cao điểm cách đây vài tháng. Trước tiên, đây là kết quả của việc giá xăng dầu thế giới giảm, cùng với đó là các chính sách bình ổn giá trong nước đã phát huy hiệu quả, từ đó giúp kiểm soát giá cả xăng dầu, mặt hàng đầu vào quan trọng cho nền kinh tế.
Kiểm soát giá xăng dầu có tính chất then chốt, đóng góp quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo đời sống người dân. Đây là một thành công trong công tác quản lý giá mặt hàng chiến lược của nền kinh tế, cho thấy hiệu quả từ công cụ quản lý giá của Nhà nước.
Tuy nhiên gần đây, như chúng ta đã thấy, có tình trạng một số điểm bán xăng dầu đóng cửa, hạn chế bán hàng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Thực chất thị trường xăng dầu của ta không thiếu nguồn cung, nhưng ở một số nơi, một số thời điểm bị đứt gãy. Vấn đề này cần phải được rà soát, đánh giá tổng thể một cách kỹ lưỡng xem nguyên nhân từ đâu, từ đó mới có giải pháp.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm
PV: Theo ông thì đâu là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, khi mà nguồn cung không thiếu, giá thế giới không cao?
Đại biểu Trần Văn Lâm: Theo thông tin chúng tôi nắm được thì hiện nay đứt gãy nguồn cung đang ở khâu bán lẻ. Một số cửa hàng xăng dầu phản ánh càng kinh doanh càng lỗ nên phải đóng cửa, lý do là chiết khấu dành cho nhà bán lẻ không phù hợp. Vì người bán lẻ cũng có nhiều loại chi phí về nhân công, mặt bằng, phòng chống cháy nổ… nên cần có tỷ lệ chiết khấu tối thiểu để duy trì hoạt động kinh doanh. Nếu trong thời gian ngắn hạn, do thị trường biến động mạnh thì họ có thể tạm duy trì, nhưng nếu lâu dài thì không được, bởi ai kinh doanh cũng vì mục đích lợi nhuận.
Lúc này vai trò quản lý của Nhà nước là phải đánh giá xem vì sao lợi ích không hài hòa được giữa các khâu phân phối, từ đó tìm lý do để giải quyết căn cơ bằng các biện pháp kinh tế chứ không phải biện pháp hành chính. Biện pháp hành chính buộc họ bán chỉ là để đối phó, giải pháp căn bản phải là cùng hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên.
Ngoài ra, trước đây cũng đã nhiều lần xảy ra tình trạng, khi giá xăng dầu tăng cao, trước mỗi một chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ thì người bán lẻ tính toán được mức giá lên như thế nào, nên họ găm giữ lượng bán ra, để hưởng chênh lệch lợi nhuận. Đây cũng là vấn đề phải tìm giải pháp căn cơ, vì biện pháp hành chính cũng chỉ là giải quyết trước mắt.
Về biện pháp hành chính, Bộ Công thương đang có đầy đủ công cụ pháp lý, cơ sở pháp lý, lực lượng để kiểm tra, kiểm soát cả chuỗi cung ứng xăng dầu từ bán buôn đến bán lẻ, vì tất cả các đầu mối nhập khẩu đều phải được cấp phép của Bộ Công thương, tất cả các cửa hàng kinh doanh bán lẻ đều phải có giấy phép bán lẻ của Bộ Công thương cấp phép thì mới được hoạt động.
Với cả 2 lý do như trên, Bộ Công thương cần phải rà soát kiểm tra xem cụ thể nguyên nhân của tình trạng “tắc nghẽn” xăng dầu hiện đang diễn ra là gì để có biện pháp xử lý hiệu quả. Trước mắt có thể là vẫn bằng biện pháp hành chính, về lâu dài thì phải là giải pháp kinh tế.
PV: Như vậy, theo ông, để gỡ tình trạng đứt gãy nguồn cung cục bộ này thì “chìa khóa” đang nằm trong tay cơ quan quản lý nhà nước?
Đại biểu Trần Văn Lâm: Thực tế với xăng dầu hiện nay rõ ràng nguồn nhập khẩu, nguồn cung đầu vào không thiếu mà "tắc nghẽn" chính là do khâu quản lý. Trong vấn đề này dù do nguyên nhân nào cũng có trách nhiệm của Bộ Công thương.
Khi Bộ Công thương cấp phép cho một đơn vị nhập khẩu xăng dầu về thì phải làm sao để chuỗi cung ứng luôn lưu thông, đưa hàng đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó các cửa hàng xăng dầu đều là hoạt động kinh doanh có điều kiện, đăng ký, được cấp phép mới hoạt động. Ở đây đã cấp phép mà không duy trì được hoạt động, không đúng điều kiện kinh doanh thì phải kiên quyết, thu hồi cả cấp phép nhập khẩu lẫn giấy phép với bán buôn, bán lẻ.
Tại kỳ họp giữa năm, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, tôi cũng đã đưa ra đề nghị gắn chip điện tử để theo dõi lượng nhập, xuất, tồn ở kho hàng của từng cây xăng, từng doanh nghiệp. Việc này trong tầm tay quản lý của Bộ Công thương, kỹ thuật không khó, không quá tốn kém mà sẽ chống được gian lận, quản lý được hàng tồn để nếu trường hợp nào dừng không bán có thể xử lý ngay. Bộ trưởng khi trả lời cũng bày tỏ sự đồng tình nhưng đến nay chưa thấy triển khai.
Có rất nhiều biện pháp, công cụ quản lý hiện nay đều nằm trong tay Bộ Công thương, vấn đề là Bộ lựa chọn công cụ nào, giải pháp ra sao để tính toán, cả trước mắt và lâu dài. Đây chính là lúc ngành Công thương phải xem xét lại toàn bộ quy trình quản lý mặt hàng xăng dầu để đảm bảo thị trường thông suốt, ổn định giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, như tôi đã nói, cần ưu tiên nghiên cứu các biện pháp gắn với thị trường. Biện pháp quản lý hành chính là cần thiết, có tác dụng ngay, nhưng về lâu dài công cụ điều hành tối ưu phải là công cụ kinh tế, hạn chế các biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tại Nghị quyết 130/NQ-CP ngày 6/10/2022 Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022, Chính phủ giao Bộ Công thương tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở bán lẻ xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ. Đồng thời cùng Bộ Tài chính, các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.