Trong văn hóa đại chúng phương Tây, Chén Thánh (Holy Grail) là một bảo vật xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học điện ảnh. Để hiểu về vật phẩm đặc biệt này, cần nhìn lại lịch sử Thiên Chúa Giáo.
Trong đức tin của các tín đồ Thiên Chúa, Chén Thánh là chiếc ly chúa Jesus đã dùng để uống trong bữa tối cuối cùng, và cũng là chiếc ly mà Joseph xứ Arimathea đã dùng để hứng máu của Jesus khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá.
Do tầm quan trọng của việc chúa Jesus bị đóng đinh và bí tích thánh thể trong Thiên Chúa Giáo, việc tìm ra Chén Thánh đã trở thành nhiệm vụ thiêng liêng, được coi là biểu hiện của sự gắn bó với Thiên Chúa.
Theo các nhà nghiên cứu, hình tượng Chén Thánh có thể đã bắt nguồn từ hình tượng chiếc vạc và những vật dụng thần bí khác trong thần thoại xứ Celt, là chủ đề thường thấy trong những tác phẩm văn học liên quan đến vua Arthur.
Nhà thơ Pháp Chrétien de Troyes được cho là đã có công giới thiệu Chén Thánh như một đồ vật linh thiêng trong tác phẩm có tựa đề “Perceval” của ông vào đầu thế kỷ 12.
Khoảng năm 1200, trong bài thơ “Joseph xứ Arimathea”, nhà thơ Robert de Boron đã cụ thể hóa ý nghĩa Thiên Chúa Giáo của chiếc chén , trong đó chỉ ra nguồn gốc của Chén Thánh là từ Bữa Tối Cuối Cùng và cái chết của Jesus.
Kẻ từ đó, Chén Thánh đã trở thành một hình tượng văn hóa quan trọng của phương Tây. Với quá trình toàn cầu hóa trong thế kỷ 20, danh tiếng của bảo vật huyền bí này đã lan rộng toàn cầu.
Dù nhìn chung vẫn chỉ được coi là huyền thoại, nhiều người vẫn tin rằng Chén Thánh là một bảo vật có thật chứ không chỉ là một sự hư cấu trong văn học Trung cổ.
Một số sử gia cho rằng các Hiệp Sĩ dòng Đền đã chiếm được Chén Thánh từ Núi Đền trong các cuộc Thập Tự Chinh và chôn giấu chiếc chén tại một vị trí bí mật mà ngày nay không còn ai biết tới.
Mời quý độc giả xem video: Nhà thờ Đức Bà Paris/VTV.
T.B (tổng hợp)