Điều ít biết về dòng dõi hoàng tộc của NSƯT Minh Trang

NSƯT Minh Trang là diễn viên kịch nói nổi tiếng ở cả 2 miền Nam - Bắc. Chị được mệnh danh là 'đệ nhất đào thương' trên sàn diễn sân khấu.

NSƯT Minh Trang là hậu duệ vua Thành Thái

NSƯT Minh Trang sinh năm 1960 ở Hà Nội. Đến năm 1987, chị chuyển vào sinh sống với gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh.

NSƯT Minh Trang là cháu ngoại Công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà (Mệ Bông). Công nữ Cẩm Hà là con của công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy (hay Tôn Thụy), được gọi là Bà Chúa Nhất, công chúa Mỹ Lương, chị ruột của vua Thành Thái.

Công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy (hay Tôn Thụy), được gọi là Bà Chúa Nhất, hay công chúa Mỹ Lương, chị ruột của vua Thành Thái là bà cố của NSƯT Minh Trang. Ảnh: NVCC

Công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy (hay Tôn Thụy), được gọi là Bà Chúa Nhất, hay công chúa Mỹ Lương, chị ruột của vua Thành Thái là bà cố của NSƯT Minh Trang. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Dân Việt, NSƯT Minh Trang cho biết thời trẻ, chị không biết về nguồn gốc dòng dõi của mình vì mẹ chị giữ kín. Dù mẹ chị là người gốc Huế nhưng ra Bắc học nhưng sau đó chiến tranh không về lại Huế được, bà ở Hà Nội lập gia đình và sinh con. Thời gian sau đó gia đình mới trở về TP.HCM nhưng NSƯT Minh Trang ở lại Hà Nội vì quá yêu nghệ thuật.

NSƯT Minh Trang và bức hình của bà cố - Công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy treo tại Kinh thành Huế. Ảnh: NVCC

NSƯT Minh Trang và bức hình của bà cố - Công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy treo tại Kinh thành Huế. Ảnh: NVCC

Tới năm 1987, chị mới về đoàn tụ cùng gia đình. Thời gian này, NSƯT Minh Trang được gần gũi bà ngoại (Công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà - Mệ Bông) nhiều hơn. Chị kể bà ngoại rất có thần thái, đi lại, ăn nói đều toát ra vẻ sang trọng, thông minh, dí dỏm. Chị cũng cảm nhận được rõ hơn về dòng dõi hoàng tộc của mình. Hiện tại, mẹ của NSƯT Minh Trang là người cuối cùng của dòng họ Nguyễn. Bà đã gần 90, hiện vẫn sống tại TP.HCM.

NSƯT Minh Trang cũng từng tham gia bộ phim lịch sử cổ trang Phượng Khấu. Trong phim chị thủ vai vợ vua Minh Mạng. Chị được nhận xét diễn xuất có cảm xúc, thần thái gần với cha ông mình.

Trong ảnh, Công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy (giữa ảnh), bà ngoại của NSƯT Minh Trang (mặc áo dài hoa, bên phải của Công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy) - Công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà (Mệ Bông) trên tạp chí Heritage. Ảnh: NVCC

Trong ảnh, Công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy (giữa ảnh), bà ngoại của NSƯT Minh Trang (mặc áo dài hoa, bên phải của Công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy) - Công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà (Mệ Bông) trên tạp chí Heritage. Ảnh: NVCC

Bà ngoại của NSƯT Minh Trang - Công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà (Mệ Bông) bế mẹ của NSƯT Minh Trang. Ảnh: NVCC

Bà ngoại của NSƯT Minh Trang - Công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà (Mệ Bông) bế mẹ của NSƯT Minh Trang. Ảnh: NVCC

NSƯT Minh Trang xuất phát là một diễn viên kịch nói. Năm 1979, chị chính thức công tác tại Đoàn Kịch Nói Hà Nội (Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay). Chị được mệnh danh là “đệ nhất đào thương” của sân khấu kịch Sài Gòn.

NSƯT Minh Trang được mệnh danh là "đệ nhất đào thương". Ảnh: FBNV

NSƯT Minh Trang được mệnh danh là "đệ nhất đào thương". Ảnh: FBNV

NSƯT Minh Trang tạo dấu ấn và thành công ngay từ vai chính đầu tiên trong vở Hà Mi của tôi; sau đó là các vở Cô gái đội mũ nồi xám, Tôi và chúng ta, Lôi vũ… và các bộ phim như: Mê thảo - thời vang bóng; Một cuộc đời bị đánh cắp; Chung cư; Đừng đốt; Chim họa mi; Chiều ngang qua phố cũ; Phương Khấu...

NSƯT Minh Trang dành tình yêu lớn cho nghệ thuật. Ảnh: FBNV

NSƯT Minh Trang dành tình yêu lớn cho nghệ thuật. Ảnh: FBNV

Với nhiều đóng góp, nữ nghệ sĩ được trao tặng nhiều giải thưởng như: Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985 cho vở Hà Mi của tôi (vai Hà Mi), Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1986, danh hiệu Nghệ sĩ xuất sắc của Thủ đô do UBND Thành phố Hà Nội trao tặng năm 1983, danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim truyện truyền hình tại giải Cánh Diều Vàng 1983, bằng khen Cống hiến do Ủy ban Phát Thanh và Truyền hình Việt Nam trao tặng. Nghệ sĩ Minh Trang được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2016.

NSƯT Minh Trang dành tình yêu lớn cho nghệ thuật nên khi bố mẹ bắt vào Nam, chị vẫn kiên trì ở lại Hà Nội để theo học Trường Nghệ thuật Hà Nội, khoa Sân khấu. Nói về giai đoạn này, NSƯT Minh Trang chia sẻ: "Tôi ở lại Hà Nội một mình rất khó khăn, vất vả. Năm 1979, tôi về Đoàn kịch nói Hà Nội (Nhà hát Kịch Hà Nội) và thật may mắn khi có vai chính đầu tiên thành công trong Hà Mi của tôi".

NSƯT Minh Trang hiện sống tại Singapore. Ảnh: FBNV

NSƯT Minh Trang hiện sống tại Singapore. Ảnh: FBNV

Thành công của vở kịch Hà Mi của tôi khiến Minh Trang được công chúng Thủ đô yêu mến. Vì vậy, chị dành tình cảm sâu nặng cho Nhà hát Kịch Hà Nội. NSƯT Minh Trang trải lòng: "Nhà hát Kịch Hà Nội (trước đây là Đoàn kịch nói Hà Nội) với tôi luôn là tổ ấm, là nơi tôi đã lớn lên trên con đường nghệ thuật cùng với các cô chú, anh chị em nghệ sĩ của nhà hát với biết bao kỷ niệm vui buồn và yêu thương... Và chính nơi đây cũng đã cho tôi sự trưởng thành và vinh quang trên con đường nghệ thuật... Tôi luôn biết ơn và cảm ơn tất cả những gì đã có được ở nơi này...

Có lẽ tôi là người "hoài cổ", luôn thích sống với kỷ niệm, bởi vậy chẳng thể nào tôi quên được quãng thời gian chúng tôi còn trên ghế nhà trường (86 Nguyễn Thái Học, trường Nghệ thuật Hà Nội). Hồi đó, tôi luôn là cô gái nhút nhát không được mạnh dạn được như những anh chị Hoàng Dung, Chu Hùng, Minh Vượng, Phương lùn, Thu Vân, Thụy Ninh... những người vào lớp trước tụi tôi một năm... Tôi nhớ những buổi tập vất vả, lo lắng có cả sợ hãi... những hồi hộp đến mất ngủ của những đêm diễn đầu tiên với vai Hà My, rơi những giọt nước mắt với những tràng pháo tay không dứt... Có những kỷ niệm dễ thương, tôi và anh Hoàng Dũng hồi đó thân nhau lắm, hai anh em hễ có việc làm thêm (Lồng tiếng, truyền hình...) là lại ới nhau. Nghèo như nhau, với 2 chiếc xe đạp lạch cạch hai anh em có mặt trên từng cây số, rồi có khi vừa đi vừa tuột xích...

NSƯT Minh Trang vẫn thường xuyên về Việt Nam làm nghệ thuật. Ảnh: FBNV

NSƯT Minh Trang vẫn thường xuyên về Việt Nam làm nghệ thuật. Ảnh: FBNV

Tôi nhớ mùi hoa sữa trên đường đi đến rạp để chuẩn bị "thả hồn" cho đêm diễn... Giờ đây, tuy một số cô chú lớn tuổi đã nghỉ hưu lâu rồi hoặc có những người đã lìa xa cõi đời này... và cả những anh chị bạn diễn cùng thời cũng đã đến tuổi nghỉ không còn ở nhà hát nhưng Nhà hát Kịch Hà Nội vẫn luôn là ngôi nhà mái ấm với các anh em, bạn bè, đồng nghiệp cũ và mới, để những người như tôi ra đi và trở về..."

NSƯT Minh Trang cũng là người đóng vai chính trong nhiều vở kịch của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. NSƯT Minh Trang từng tạo dấu ấn và thành công ngay từ vai chính đầu tiên trong vở Cô gái đội mũ nồi xám, Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ.

Chia sẻ với Dân Việt, NSƯT Minh Trang kể: "Tôi có rất nhiều kỷ niệm với các tác phẩm của anh Lưu Quang Vũ. Thời gian khi tôi mới về Nhà hát kịch Hà Nội, trong quá trình tập các vở kịch, đạo diễn, diễn viên và tác giả đều có mặt để tập chung với nhau.

Ngoài công việc, tôi cùng NSND Hoàng Dũng thường được anh Vũ, chị Quỳnh mời lên ăn cơm vào dịp Tết. Sau khi kết thúc câu chuyện, lúc ra về, anh Vũ thường dúi cho tôi và anh Hoàng Dũng mấy nghìn để ăn Tết. Sau đó, chị Quỳnh cũng lại tiếp tục dúi tiền cho tôi. Những hành động đó khiến tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp, gần gũi của anh chị".

NSƯT Minh Trang trong một sự kiện tưởng niệm nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ảnh: FBNV

NSƯT Minh Trang trong một sự kiện tưởng niệm nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ảnh: FBNV

Được giao những vai chính từ khi mới vào nghề, nhớ về thời điểm này, NSƯT Minh Trang kể với Dân Việt: "Khi đảm nhận các vai diễn, tôi thường trao đổi, chia sẻ và hỏi anh Vũ những điều mình chưa rõ, chưa hiểu. Bởi anh Vũ có cách chia sẻ, dẫn dắt vô cùng dí dỏm, thông minh và dễ hiểu. Khi nhận vai diễn một cô gái thanh niên xung phong trong vở Tôi và chúng ta, đó là một cô gái cống hiến cả tuổi xuân cho chiến trường. Sau khi trở về, cô gái này bị ông chủ một nhà máy lừa và đã mang thai. Lúc này, ông ta đã chối bỏ trách nhiệm và không nhận.

Ở độ tuổi của lúc đó, tôi không hiểu hết được vấn đề khi mình còn quá trẻ. Thế nhưng, khi nói chuyện với anh Vũ xong, tôi đã vô cùng xúc động. Anh nói về cuộc sống đời thường, những câu chuyện anh thấy được từ những người thanh niên xung phong. Những vốn sống của anh đã cho tôi hiểu được nhiều câu chuyện, bài học trong cuộc sống".

NSƯT Minh Trang chia sẻ, chị nhớ nhất vở Tôi và chúng ta. Khi diễn vở này tà Sài Gòn, một ngày NSƯT Minh Trang diễn đều ba buổi với sự hò reo, vỗ tay không ngớt của khán giả.

"Sau khi các vở diễn kết thúc, khán giả vỗ tay không ngớt và không muốn về. Đó là thời kì hoàng kim của kịch Việt Nam. Dù đã diễn đi diễn lại nhiều lần nhưng khi kết thúc vở diễn, tôi vẫn khóc vì nhân vật của anh quá hay. Kịch của anh Vũ thật đến mức làm cho tôi nghĩ rằng mình chính là nhân vật đó", NSƯT Minh Trang xúc động chia sẻ với Dân Việt.

Sau khi vào TP.HCM sinh sống, NSƯT Minh Trang vẫn thể hiện sự xuất sắc của mình trong diễn xuất. NSND Hồng Vân từng nói: "Hồi tôi mới ra trường và về sân khấu 5B thì Minh Trang đã là "vơ-đét của các vơ-đét" trên sàn diễn rồi". Bày tỏ về chuyện được gọi bằng những "mỹ từ" này, NSƯT Minh Trang nói với PV Dân Việt: "Vì tôi thường được đóng vai chính, nên các bạn đồng nghiệp thế hệ sau ưu ái mà gọi tôi như vậy, tôi rất cảm ơn. Còn tôi không bao giờ tự nhận mình như thế. Với tôi, "đệ nhất" hay "vơ-đét của các vơ-đét" nghe "to tát" quá".

NSƯT Minh Trang nổi tiếng cả hai miền Nam - Bắc. Ảnh: FBNV

NSƯT Minh Trang nổi tiếng cả hai miền Nam - Bắc. Ảnh: FBNV

Tuy nhiên, khi sự nghiệp đang phát triển, NSƯT Minh Trang theo chồng sang nước ngoài định cư khiến khán giả tiếc nuối. Hiện chị đang sống cùng gia đình tại Singapore.

Thời gian gần đây, chị có trở lại phim truyền hình và nhận được sự ủng hộ của người chồng tâm đầu ý hợp. Sau khi hoàn thành công việc, NSƯT Minh Trang lại trở về với vai trò bà nội trợ đảm đang.

Chị chia sẻ rằng cuộc sống của mình cũng đơn giản, bình dị như bao người phụ nữ khác. Sáng sớm thức dậy lo cho con đi học, pha cà phê cho chồng, cuối tuần ăn sáng cùng cả nhà. Đặc biệt chị rất thích tưới cây mỗi buổi sáng và nghe tiếng chim hót. Mặc dù ở nhà căn hộ nhưng chị cũng gắng sắp xếp một góc nhỏ bình yên, trồng cây trong chậu đặt ở ban công, có đủ cả rau thơm rau húng và hoa. Lúc rảnh rỗi chị làm việc nhà, đọc sách, đi chợ". Hiện chị vẫn đi về giữa Singapore và Việt Nam mỗi khi có công việc. Mỗi lần về Hà Nội chị thường phải ở khách sạn. Còn về TP.HCM chị vẫn về nhà chị có mẹ và em ruột sống tại đây.

Theo Hà Thúy Phương/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/giai-tri/dieu-it-biet-ve-dong-doi-hoang-toc-cua-nsut-minh-trang-2011307.html