Điều ít biết về miếng dán mụn
Miếng dán mụn ngày càng phổ biến và đa dạng chủng loại, nhưng ít người biết rằng có loại nào tốt nhất là loại nào dễ gây kích ứng.
Miếng dán mụn - được quảng cáo với tác dụng gom cồi mụn và giảm thâm - dễ dàng được tìm thấy ở các hiệu thuốc với nhiều hình dạng, kích thước, màu sắc và công thức khác nhau. Nhiều người cũng thoải mái dán nó khi ra nơi công cộng.
Nhưng các bác sĩ da liễu khuyên rằng trước khi thử dùng miếng dán mụn, bạn cần biết rằng các loại dán mụn cũng có hiệu quả và tác dụng phụ cần lưu ý, theo The New York Times.
Cơ chế hoạt động của miếng dán mụn
Miếng dán mụn đơn giản là miếng băng được dùng để dán lên mụn. Chúng thường được lót bằng hydrocolloid - một loại vật liệu hấp thụ, tạo gel mà các chuyên gia y tế đã sử dụng trong nhiều thập kỷ như một loại băng vết thương.
Khi được dán vào vết thương, hydrocolloid sẽ hấp thụ chất lỏng dư thừa, tạo thành gel và tạo ra môi trường thúc đẩy quá trình lành vết thương. Bản thân miếng dán ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách bảo vệ da khỏi bụi bẩn và vi khuẩn.
Tiến sĩ John Barbieri, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Brigham and Women ở Boston (Mỹ), cho biết: "Nếu bạn dán miếng dán lên nốt mụn mủ, nó có thể bảo vệ nốt mụn, tạo ra môi trường chữa lành, giúp loại bỏ chất bẩn và dầu".
Băng vết thương dùng trong y khoa thường chỉ được làm bằng hydrocolloid, nhưng một số miếng dán mụn có chứa thuốc - bao gồm các thành phần điều trị mụn như benzoyl peroxide (chống lại vi khuẩn gây mụn) và axit salicylic (làm giảm sưng và thông thoáng lỗ chân lông). Một số miếng dán cũng chứa các thành phần làm dịu da như dầu cây trà và lô hội, hoặc các thành phần làm khô da như dầu của hạt cây gai dầu.
Một số phiên bản dán mụn thậm chí có cả các vi kim - đầu nhọn siêu nhỏ đâm vào da nhằm đưa dưỡng chất thấm sâu vào vết mụn.
Các chuyên gia cho biết miếng dán hydrocolloid có thể giúp làm mờ vết thâm. Nhưng các bác sĩ da liễu cảnh báo không nên sử dụng phiên bản thuốc.
Tiến sĩ Barbieri cho biết một số thành phần hoạt tính của miếng dán thuốc, như benzoyl peroxide, axit salicylic và axit glycolic, có thể giúp điều trị mụn trứng cá, nhưng chúng cũng có thể gây kích ứng, đặc biệt là khi dán lên da. Ngay cả các miếng dán có thành phần được quảng cáo là “tự nhiên” và “làm dịu” như tinh dầu cây trà và lô hội cũng có thể gây kích ứng khi sử dụng theo cách này.
Tiến sĩ Leela Athalye, bác sĩ da liễu tại California, cho biết miếng dán vi kim có thể thẩm thấu vào da và cung cấp các thành phần điều trị mụn tốt hơn các loại miếng dán khác. Nhưng chúng cũng có khả năng gây kích ứng nhiều hơn.
Theo Tiến sĩ Barbieri, các miếng dán thuốc và vi kim có lẽ không hiệu quả hơn so với các phiên bản chỉ có hydrocolloid. "Hydrocolloid hoạt động rất tốt khi dùng riêng lẻ", ông nói.
Cách tốt nhất để dùng miếng dán mụn
Hướng dẫn sử dụng sản phẩm thường khuyên bạn nên vệ sinh và lau khô vùng da bị ảnh hưởng, dán miếng dán lên mụn và để nguyên trong khoảng 6-8 giờ hoặc qua đêm.
Sau khi chất keo hấp thụ dầu, da chết và vi khuẩn, vật liệu sẽ chuyển sang màu trắng và hơi phồng lên (đây có thể là biểu hiện của sự hiệu quả).
Có rất ít nghiên cứu về hiệu quả của miếng dán mụn. Nhưng ngay cả khi không có thử nghiệm lâm sàng, nhiều bác sĩ da liễu vẫn khuyến khích bệnh nhân sử dụng các phiên bản không chứa thuốc để điều trị mụn.
Bác sĩ Rahman cho biết miếng dán chỉ chứa hydrocolloid là một giải pháp thay thế nhẹ nhàng hơn so với các loại kem điều trị tại chỗ thông thường, có thể gây kích ứng cho một số người do các thành phần hoạt tính như benzoyl peroxide hoặc axit salicylic.
Nhưng các miếng dán này không có tác dụng với tất cả các loại mụn. Chúng sẽ không hiệu quả với mụn nang hoặc mụn cục, dạng mụn hình thành sâu dưới da. Chúng cũng không có tác dụng nhiều với mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng.
"Các miếng dán có thể hút bớt chất lỏng ra khỏi những đốm mụn kể trên, nhưng tác dụng rất ít. Kiểu mụn lý tưởng để dùng miếng dán là mụn mủ hoặc mụn nước không quá sâu", bác sĩ Athalye cho biết.
Khi lột miếng dán mụn, cần gỡ cẩn thận và nhẹ nhàng vì lột miếng dán quá nhanh có thể gây trầy xước, dẫn đến sẹo hoặc thâm. Athalye khuyên bạn nên gỡ miếng dán trong khi tắm nước ấm hoặc chỉ tháo ra khi miếng dán mất độ bám dính.
Theo các chuyên gia, miếng dán hydrocolloid có thể giúp mụn mau lành hơn, nhưng chúng không phải là công cụ duy nhất để chăm sóc mụn.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dieu-it-biet-ve-mieng-dan-mun-post1490293.html