Điều ít người biết về danh tính của bà Harris

Bà Kamala Harris đang được nhiều nhà lãnh đạo ủng hộ trở thành tổng thống người Mỹ gốc Á đầu tiên. Song khía cạnh xuất thân này của bà lại không được biết đến rộng rãi.

Nhắc đến cuộc bầu cử năm 2020, ông Daniel Chiang, 38 tuổi, người Mỹ gốc Đài Loan từ Connecticut, lập tức nhớ tới doanh nhân người Mỹ gốc Đài Loan Andrew Yang. Tuy nhiên, đó không phải ứng viên duy nhất trong cuộc đua năm 2020 đến từ cộng đồng này.

Kamala Harris, phó tổng thống đương nhiệm, người từng đồng hành với Tổng thống Joe Biden vào năm 2020, và là ứng viên tiềm năng đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới, cũng là người Mỹ gốc Á. Ông Chiang rất ngạc nhiên khi biết điều này.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó", ông chia sẻ với tờ New York Times.

Bà Harris được biết đến rộng rãi là phụ nữ da đen đầu tiên được bầu làm phó tổng thống Mỹ. Song nếu tìm hiểu kỹ hơn về chính trị gia này, có thể thấy bà có xuất thân phức tạp hơn những gì thường được biết đến.

Xuất thân của bà Harris

Bà Harris có mẹ là người di cư từ Ấn Độ và cha là người di cư từ Jamaica. Tuy nhiên, rất ít người biết bà là chính trị gia người Mỹ gốc Ấn và người Mỹ gốc Á. Khi được yêu cầu kể tên một người Mỹ gốc Á nổi tiếng, chỉ có 2% người Mỹ nhắc đến bà Harris, theo một khảo sát gần đây của Quỹ Người Mỹ Gốc Á.

Song bà Harris chưa bao giờ né tránh việc nói về xuất thân gốc Ấn Độ và danh tính người Mỹ gốc Á của mình. Bà thường chia sẻ rằng mẹ và ông ngoại người Ấn Độ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời bà. Khi phát biểu trước các lãnh đạo người Mỹ gốc Á trong vai trò phó tổng thống, bà cũng thường dùng đại từ "chúng ta" hay "chúng tôi" và tự gọi mình là "một thành viên của cộng đồng này".

Khi còn là thượng nghị sĩ vào năm 2017, bà Harris là thành viên “Nhóm Nghị sĩ người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương”, cũng như “Nhóm Nghị sĩ người da đen”. Bà cũng là một đại diện nổi bật cho chính quyền Tổng thống Biden với cộng đồng người Mỹ gốc Á, tham gia tổ chức lễ hội Diwali, Tết Nguyên đán và cả chợ đêm châu Á tại Washington.

 Phó tổng thống Kamala Harris ít được biết đến là chính trị gia người Mỹ gốc Á. Ảnh: New York Times.

Phó tổng thống Kamala Harris ít được biết đến là chính trị gia người Mỹ gốc Á. Ảnh: New York Times.

Từ lâu, bà Harris đã mất kiên nhẫn với những đồn đoán về chủng tộc của mình. Bà khẳng định luôn thoải mái và tự hào về xuất thân.

"Tôi chưa bao giờ gặp khủng hoảng danh tính", bà Harris chia sẻ trong chương trình "Asian Enough" của The Los Angeles Times vào năm 2020. "Có lẽ tôi thất vọng vì mọi người cho rằng tôi lẽ ra phải trải qua một cuộc khủng hoảng như vậy và cần giải thích về nó, nhưng tôi thì không".

Việc bà Harris không được biết đến rộng rãi là chính trị gia người Mỹ gốc Á phản ánh ranh giới chủng tộc đang dần thay đổi ở Mỹ, nơi số lượng người Mỹ đa chủng tộc ngày càng tăng và chỉ một số ít người Mỹ gốc Á thừa nhận khía cạnh danh tính này.

Khi trở thành phó tổng thống vào năm 2020, bà Harris được coi là người đánh dấu nhiều cột mốc. Phó tổng thống được ca ngợi là phụ nữ da đen đầu tiên đảm nhận vai trò này. Bà cũng là người Mỹ gốc Á đầu tiên, người gốc Nam Á đầu tiên, người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ da màu đầu tiên.

Theo New York Times, thuật ngữ người Mỹ gốc Á vừa là là một “nhãn dán” mang tính địa lý và chủng tộc, vừa thể hiện bản sắc chính trị và văn hóa. Thuật ngữ này được các nhà hoạt động ở Vịnh San Francisco đặt ra vào năm 1968, sau đó được dùng để chỉ những người có xuất thân từ hơn 20 quốc gia.

Câu hỏi lớn

Song hiện không rõ việc chia sẻ chung bản sắc văn hóa có thể khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á ủng hộ bà Harris như thế nào.

Theo khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew, chỉ khoảng 52% số người gốc Á trong độ tuổi trưởng thành ở Mỹ nói rằng họ thường nhắc đến nguồn gốc xuất thân khi giới thiệu danh tính. Và tại quốc gia này, khi thuật ngữ "người Mỹ gốc Á" được sử dụng, mọi người vẫn thường nghĩ đến khu vực Đông Á, một phần vì Nhật Bản và Trung Quốc là những nước đầu tiên có số lượng lớn công dân di cư đến Mỹ.

Các khảo sát đã chỉ ra rằng người Mỹ gốc Á và người Mỹ nói chung ít có khả năng nghĩ người Ấn Độ và Pakistan là người châu Á hơn là người Trung Quốc và Hàn Quốc. Tình trạng này nhiều khả năng vẫn tiếp diễn, ngay cả khi người Mỹ gốc Ấn đã trở thành cộng đồng người gốc Á lớn nhất tại Mỹ, vượt qua nhóm người gốc Hoa, theo báo cáo điều tra dân số Mỹ năm 2023.

"Việc xác định người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương là một câu chuyện dài và vẫn còn nhiều tranh cãi đến tận ngày nay. Và nhiều người Mỹ gốc Ấn cũng không cảm thấy nhất thiết phải có nhãn dán này”, bà Sara Sadhwani, phó giáo sư chính trị tại Đại học Pomona, nói.

 Sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Á với bà Harris vẫn còn là câu hỏi lớn. Ảnh: New York Times.

Sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Á với bà Harris vẫn còn là câu hỏi lớn. Ảnh: New York Times.

Vịnh San Francisco, nơi bà Harris lớn lên, từ lâu đã là một trong những khu vực đa dạng nhất nước Mỹ.

"Khi đến từ những nơi như thế này, bạn ở trong một cộng đồng với nhiều khác biệt, và đa chủng tộc không phải điều bất thường", bà Nitasha Tamar Sharma, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học Northwestern, cho biết.

Bà Sharma cũng chỉ ra rằng mặc dù người Mỹ đa chủng tộc là một trong những nhóm nhân khẩu học phát triển nhanh nhất trong nước, sự hiểu biết của công chúng về việc thể hiện danh tính đa chủng tộc - đặc biệt khi những chủng tộc đó không phải người da trắng - vẫn còn chậm.

"(Cựu Tổng thống) Barack Obama đã góp phần giúp vấn đề đa chủng tộc được thảo luận nhiều hơn ở Mỹ", bà Sharma nói. Theo điều tra dân số năm 2020, hơn 33 triệu người Mỹ tự nhận là có hai hoặc nhiều chủng tộc - một con số đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua.

Trong khi đó, một số người Mỹ gốc Á đang tỏ ra hào hứng với chiến dịch của bà Harris. Hôm 24/7, hơn 1.500 người - bao gồm các lãnh đạo nổi bật như Hạ nghị sĩ Judy Chu, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai và Cựu Phó tổng chưởng lý Vanita Gupta đã tham gia lời kêu gọi ủng hộ bà Harris cùng cộng đồng phụ nữ gốc Á.

Nhóm người Mỹ gốc Ấn cũng cho thấy sự hứng khởi. Nhiều người đã ủng hộ bà Harris, thích thú với câu chuyện bà kể về những chuyến thăm đến Chennai (Ấn Độ) từ thời thơ ấu và tình yêu của bà với các món ăn miền Nam Ấn Độ như idlis và dosas.

Sau khi bà Harris thông báo quyết định tranh cử, cộng đồng này cũng nhanh chóng quyên góp, Chủ tịch nhóm vận động Impact Neil Makhija cho biết.

Ông Rahul Vachhani, 40 tuổi, quản lý dự án ở Fairfax (Virginia), cũng chia sẻ gia đình ông rất phấn khởi về cơ hội chào đón tổng thống Mỹ gốc Ấn và nữ tổng thống đầu tiên, đến nỗi họ đã quyên góp 50 USD cho chiến dịch của bà Harris ngay khi bà vừa thông báo.

"Con trai tôi từng nói ‘con sẽ là tổng thống Mỹ gốc Ấn đầu tiên’, nhưng có lẽ bây giờ nó phải chịu làm người thứ hai thôi", ông Vachhani nói.

Cuộc gọi quan trọng từ ông Obama và phu nhân tới bà Harris Cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân đã liên lạc với Phó tổng thống Kamala Harris để bày tỏ sự ủng hộ với bà trong cuộc đua trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-it-nguoi-biet-ve-danh-tinh-cua-ba-harris-post1488948.html