Nằm ở số 54 phố Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chùa Huyền Thiên vốn là một đạo quán lớn của đạo Lão, nằm trong “Thăng Long Tứ quán” linh thiêng nhiều thế kỷ trước.
Theo các sử liệu cũ, quán Huyền Thiên được lập từ thời Lý và sớm nổi tiếng như một trung tâm tu học đạo Lão, trong thời hoàng kim của tôn giáo này ở Việt Nam.
Tương truyền, có lần Huyền Thiên Trấn Vũ qua đây, thấy cảnh đẹp nên đã dừng lại tắm ở giếng này và phù trợ cho dân trong vùng. Sau đấy, dân lập quán thờ ngài.
Tục thờ Huyền Thiên Trấn Vũ bắt nguồn từ một quan niệm cổ xưa trong văn hóa phương Đông, theo đó tất cả vì sao đều di chuyển vị trí, riêng sao Bắc Cực là bất động, do đó được xem là ngôi sao tôn quý nhất.
Người xưa đã thần thánh hóa ngôi sao này với chức vị Bắc Đẩu Tinh quân, do vị thần Huyền Thiên Trấn Vũ trấn giữ. Vị thần này cũng được biết đến với các danh hiệu khác như Huyền Thiên Thượng Đế, Bắc Đế Chân Vũ Đế Quân, Chân Võ Đại Đế...
Theo quan niệm của người Việt xưa, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần làm chủ Phương Bắc, có vai trò đầu lĩnh trong bốn vị thần trấn giữ bốn phương Đông - Tây - Nam - Bắc của kinh thành Thăng Long.
Vì vậy mà ngoài quán Huyền Thiên còn nhiều nơi khác ở Thăng Long thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, như đền Quán Thánh, đình Đông Thành...
Cuối thời Hậu Lê, đạo Lão suy tàn, quán Huyền Thuyên chuyển thành chùa thờ Phật. Công trình được tu bổ, sửa chữa nhiều lần và định hình kiến trúc từ cuối thời Nguyễn. Sau khi bị phá hủy do chiến tranh, chùa được xây lại năm 1948, trùng tu lớn năm 2014.
Dù không còn là một đạo quán, dấu ấn của thời còn nằm trong "Thăng Long Tứ quán" vẫn hiện diện rõ nét tại chùa Huyền Thiên, thể hiện qua pho tượng ngài Huyền Thiên Trấn Vũ có kích thước lớn, được tạo tác sinh động, đặt ở nhà bái đường.
Vào năm 2008, chùa - quán Huyền Thiên đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia của Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video: Non nước hữu tình Chùa Tam Chúc | VTV24.
Quốc Lê