Điều khiến ông lớn đổ ngàn tỷ vào 'trùm' bánh bao Thọ Phát
Kido đã chi 810 tỷ đồng để nắm giữ 51% cổ phần Thọ Phát và tiếp tục rót thêm tiền để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 68% trong tháng 10.
Tập đoàn Kido (Mã: KDC) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2023, trong đó tiết lộ giá trị khoản đầu tư vào CTCP Thọ Phát Quốc tế, thương hiệu bánh bao 40 năm tuổi và chiếm thị phần lớn nhất tại miền Nam.
Tổng số tiền mà Kido rót vào là hơn 810 tỷ đồng để nắm giữ 51% cổ phần tại cuối tháng 9, qua đó đưa Thọ Phát trở thành công ty con thứ 7 gia nhập hệ sinh thái này. Với dữ liệu này, "ông trùm bánh bao" đang được định giá gần 1.600 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, Kido mới đây còn thông báo nâng tỷ lệ sở hữu tại Thọ Phát lên 68% vốn điều lệ ngay trong tháng 10 để trở thành mảnh ghép quan trọng trong chiến lược mở rộng ngành bánh. Với tỷ lệ mới này, số tiền tập đoàn này rót vào là hơn 1.000 tỷ đồng.
Giá trị này đưa Thọ Phát trở thành công ty lớn thứ ba trong hệ sinh thái của Kido, chỉ sau Vocarimex và Tường An, hai doanh nghiệp chủ lực trong ngành dầu thực vật.
Thọ Phát được thành lập từ năm 1987, hiện là thương hiệu bánh bao lớn nhất miền Nam với hơn 4.000 điểm bán hàng. Công ty chuyên sản xuất và phân phối các dòng bánh bao, bánh giò, xôi, bánh nướng, bánh chiên... Doanh nghiệp sở hữu nhà máy ở TP.HCM với diện tích hơn 22.000 m2, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.
Công ty bánh bao đặt mục tiêu phát triển 1.000 đại lý, 1.200 cửa hàng mini Bao, 100.000 điểm bán lẻ và độ phủ 100% cửa hàng MT (cửa hàng hiện đại) trên toàn quốc.
Trong khi Kido là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm. Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường ở ngành kem lạnh với thị phần chiếm 44,5% và ngành bơ thực vật với 74,9%, đứng thứ 2 ngành dầu ăn khi chiếm khoảng 30% thị phần.
Năm 2021, đơn vị này cũng chính thức quay lại ngành bánh với thương hiệu KIDO's Bakery sau 5 năm bán mảng bánh kẹo cho Mondelez International. Sau Thọ Phát, ông lớn này cho biết tiếp tục tìm kiếm các thương vụ M&A nhằm mục tiêu quay lại top đầu ngành bánh kẹo đến năm 2025.
Theo báo cáo hợp nhất quý III, Kido ghi nhận doanh thu hợp nhất giảm gần 29% về mức 2.356 tỷ đồng. Nhưng nhờ tiết giảm mạnh chi phí, công ty vẫn có một kỳ kinh doanh tăng trưởng cao về lợi nhuận với 82 tỷ đồng, bằng 2,7 lần kết quả cùng kỳ.
Cộng thêm kết quả khởi sắc trong nửa đầu năm nhờ thoái vốn một phần tại KidoFoods, tập đoàn đa ngành này thông báo đạt 647 tỷ đồng lãi sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái và đã xấp xỉ kế hoạch năm.
Kido vẫn tiếp tục duy trì dòng tiền ổn định với số dư tiền và tương đương tiền cuối quý III lên tới 2.058 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Tập đoàn có các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 764 tỷ đồng (chủ yếu gồm 480 tỷ đồng trái phiếu Chứng khoán Rồng Việt và tiền gửi ngân hàng). Công ty còn có tạm ứng 1.393 tỷ đồng cho công ty TNHH MTV Đầu tư châu Á để mua các cổ phần mục tiêu.