Nga gia nhập NATO là điều được nói tới khi các cuộc đàm phán về đảm bảo không mở rộng khối quân sự sang phía Đông có vẻ như đã thất bại. Liên minh Bắc Đại Tây Dương tuyên bố rõ ràng rằng cánh cửa của họ đang mở cho các thành viên mới, bao gồm Ukraine và Georgia.
“Tối hậu thư của ông Putin” đã không có tác dụng, và một số biện pháp mang tính chất quân sự sẽ phải được thực hiện. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Moskva thực hiện một "hành động hiệp sĩ" và gia nhập NATO?
Cần nhấn mạnh đó là, ý tưởng về khả năng Nga, và trước đó là Liên Xô, tham gia Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã có từ lâu.
Gần như ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, một cuộc chiến khác bắt đầu giữa các nước thắng trận. Về phần mình, phương Tây dựng lên một "Bức màn sắt", và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có định hướng chống Liên Xô được thể hiện rõ ràng.
Ngay trước khi Đức gia nhập NATO vào năm 1954, Điện Kremlin đã đặt vấn đề tham gia liên minh, với điều kiện các thành viên cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Điều này có thể giúp vô hiệu hóa từ bên trong một cách thực chất và rất triệt để đối với khối quân sự. Nhưng Mỹ, Anh và Pháp coi đề xuất như vậy là "không đáng để thảo luận".
Lần thứ hai Liên Xô xem xét khả năng gia nhập NATO là vào năm 1983. Nhưng một sự trùng hợp kỳ lạ, đó là sự cố bi thảm với chiếc Boeing của Hàn Quốc bị bắn hạ trên bầu trời Liên Xô.
Châu Âu đã tổ chức cuộc tập trận Able Archer - mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân vào Liên Xô, khiến căng thẳng gia tăng chưa từng có.
Lần thứ ba Nga nghĩ đến việc tham gia Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là vào năm 1991 dưới thời Tổng thống Yeltsin, sau khi Liên Xô tan rã.
Nhưng thay vào đó, vào năm 1994, NATO đã khởi động chương trình Đối tác vì Hòa bình mà không có sự tham gia của Nga, và sau đó Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất bắt đầu, quan hệ với phương Tây xấu đi rõ rệt. Thử nghiệm tiếp theo là cuộc chiến Nam Tư năm 1999.
Lần gần đây nhất, ở cấp cao nhất, Tổng thống Putin đã nói một cách thuận lợi về khả năng gia nhập NATO vào năm 2000: "Tại sao không? Tôi không loại trừ khả năng như vậy - trong trường hợp lợi ích của Nga được tính đến, nếu chúng ta trở thành một đối tác đầy đủ".
Nhưng không ai muốn nói chuyện ngang hàng với Moskva, thay vào đó, Brussels đang đẩy biên giới của mình ngày càng xa hơn về phía Đông. Điều gì có thể đã thay đổi?
Theo báo chí Nga, dù thật kỳ lạ nếu Moskva trở thành thành viên của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ngày nay, song điều này nếu xảy ra thực sự sẽ đem lại lợi ích cho Mỹ như một đối trọng bổ sung đối với Trung Quốc.
Để kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Anh và Australia đã thành lập khối AUKUS. Tuy nhiên từ phía Bắc, Trung Quốc có một "hậu phương" đáng tin cậy là Nga.
Moskva cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dầu khí, khả năng vận chuyển đường bộ và Tuyến đường Biển phía Bắc, cũng như nhiều "lợi ích" khác. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Nga trở thành đồng minh của Mỹ trong khối NATO?
Nếu dòng nguyên liệu thô với mức giá hợp lý đột ngột dừng lại, việc vận chuyển hàng hóa Trung Quốc sang châu Âu bị đình trệ... thì Trung Quốc sẽ gặp vấn đề lớn.
Trung Quốc khi đó sẽ bị NATO và AUKUS chèn ép từ mọi phía. Tuy nhiên đây chỉ là viễn cảnh rất khó xảy ra, bởi thực sự người Nga đã quá hiểu độ tin cậy của Mỹ và phương Tây, khi NATO từng nói sẽ "án binh bất động" và rồi lại âm thầm tìm mọi cách đưa quân đến sát sườn nước Nga.
Bạch Dương