Điều không đổi trong mục tiêu hòa bình của Tổng thống Ukraine Zelensky
Theo chân ông Zelensky bước vào phòng làm việc của Tổng thống, từng góc khuất trong cuộc gặp mặt căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ukraine đã lật mở trước mắt tôi. Nhiều thứ đã thay đổi kể từ giờ phút lịch sử ấy, song ông Zelensky vẫn kiên định với lập trường ban đầu: sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Đã 6 năm kể từ ngày nhậm chức nhưng Tổng thống Zelensky dường như vẫn không thấy thoải mái khi bước vào phòng làm việc của mình. Đó là một không gian lộng lẫy, choáng ngợp với những chi tiết trang trí bằng đồng thau sáng loáng và nhiều chùm đèn pha lê kiểu cách, mang dáng dấp phô trương từa tựa căn dinh thự Mar-a-Lago tọa lạc ở miền Nam nước Mỹ của ông chủ Nhà Trắng.
Dẫn tôi tham quan nơi làm việc vào một buổi tối tháng 3, ông Zelensky liên tục xin lỗi vì sự hào nhoáng không thuộc về mình ấy. Ông nói thẳng, nếu có thể, ông sẽ dẹp bỏ hết những món đồ xa hoa, đập bỏ các trụ cột và quét một lớp sơn trắng để che đi lớp mạ vàng trên trần nhà.
“Bạn biết đấy, chúng tôi đâu có nhiều thời gian để sửa sang lại, nhất là trong vài năm gần đây”, nhà lãnh đạo Kiev nói, ngầm nhắc tới cuộc xung đột hiện tại với Moscow.

Tổng thống Ukraine Zelensky tại phòng làm việc. Ảnh: The Time
Nhưng Tổng thống Ukraine không mời tôi đến đây để tham quan, mà là để làm rõ bầu không khí căng thẳng sau cuộc gặp những người đứng đầu Nhà Trắng tại Phòng Bầu dục vào ngày 28/2. Khi đó, ông Trump và Phó Tổng thống JD Vance công khai chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky là “vô ơn” và “yếu đuối”, đồng thời cáo buộc Tổng thống Ukraine đang “đánh bạc với Thế chiến thứ ba”.
Tới nay, ông Zelensky chọn giữ im lặng vì không muốn làm tình hình thêm căng thẳng và trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vụ việc bằng đáp án duy nhất: "Hãy để lịch sử phán xét". Dù hy vọng có thể khép lại chương cũ để bước tiếp; bản năng vẫn luôn thôi thúc nhà nhà lãnh đạo Kiev lên tiếng về những điều khiến ông trăn trở.
Lật mở những góc khuất trong quá khứ
Tổng thống Zelensky kể lại rằng ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc gặp cấp cao tại Washington. Khác với những chuyến thăm Nhà Trắng trước đó, đây là lần đầu tiên ông Zelensky trực tiếp đối thoại với người đồng cấp Mỹ trong Phòng Bầu dục, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận hòa bình cho Ukraine.
Với mong muốn gây ấn tượng và xoa dịu mối quan hệ Mỹ-Ukraine vốn đang căng thẳng, hiển nhiên, ông Zelensky đã không tới Nhà Trắng với đôi tay không. Mang tặng ông chủ Nhà Trắng một món quà có ý nghĩa vốn là một thông lệ truyền thống, đồng thời cũng là cách mà các vị khách phương xa bày tỏ tâm ý của mình.
Trước đó, Thủ tướng Israel Netanyahu tặng ông Trump một máy nhắn tin bằng vàng, ẩn ý về vụ tấn công rúng động Lebanon hồi tháng 9/2024. Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí đi xa hơn thế, đặt vẽ một bức tranh sơn dầu về ông Trump và gửi nó đến Nhà Trắng trong tháng này. Về phần mình, ông Zelensky mang đến một món quà quý giá khác: chiếc đai vô địch của võ sĩ quyền anh hạng nặng Oleksandr Usyk.
Tuy vậy, vào phút chót, ông Zelensky đổi ý và trao cho người đồng cấp Mỹ một tập tài liệu gồm ảnh các tù binh Ukraine từng bị Nga giam giữ. Món quà này không những không làm ông Trump hài lòng mà còn khiến Tổng thống Mỹ cảm thấy như bị quy trách nhiệm cho nỗi đau của những người lính Ukraine. Theo các quan chức Mỹ, hành động của ông Zelensky đã khiến cuộc gặp đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu.

Ông Zelensky trao cho ông Trump một tập tài liệu gồm ảnh các tù binh Ukraine từng bị Nga giam giữ tại phòng Bầu dục vào ngày 28/2. Ảnh: The Time
Một tương lai bất định
Chuyến đi của chúng tôi tiếp tục vào sáng hôm sau khi đoàn xe Tổng thống rời Kiev đến làng Moshchun để tưởng niệm 125 binh sĩ hy sinh tại đây. Ông Zelensky cho biết nơi này từng diễn ra một trận giao tranh ác liệt kéo dài 23 ngày hồi đầu năm 2022, trong bối cảnh quân Ukraine phải chiến đấu với tỷ lệ chênh lệch 13 chọi 1.
Trên đường trở về, màn hình iPhone của Tổng thống Ukraine xuất hiện cảnh báo không kích từ khoảng 200 chiếc máy bay không người lái Shaheds đang hướng về phía Odessa. Thật may mắn, một đồng minh thân cận của ông Zelensky là Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel – người tình cờ có mặt tại Odessa vào ngày hôm đó đã kịp rời đi chỉ 20 phút trước khi cuộc tấn công bắt đầu. Trong năm đầu tiên Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Séc đã ủng hộ Ukraine hơn một triệu quả đạn pháo, khi nguồn cung từ Mỹ suy giảm.
Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ năm ngoái, nơi ông Zelensky trình bày Công thức Hòa bình gồm 10 nguyên tắc lập lại hòa bình, bao gồm yêu cầu Moscow rút quân và đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự với các tướng lĩnh Moscow từng tham chiến.
Dù ủng hộ Công thức Hòa bình nhưng Tổng thống Pavel – người có thời gian dài phục vụ quân ngũ, dường như tỉnh táo hơn nhiều về cách xung đột sẽ kết thúc. Bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ hồi tháng 6/2024, ông Pavel cho rằng Ukraine sẽ khó đạt được hòa bình thực sự trong tương lai gần, viện dẫn những chiến tuyến bị đóng băng suốt nhiều năm trong lịch sử, tiêu biểu như Bức tường Berlin hay đường biên giới chia cắt hai nửa Triều Tiên-Hàn Quốc.
Điều không thay đổi trong tầm nhìn của ông Zelensky
Thật vậy, kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ, tầm nhìn lớn của Tổng thống Zelensky về hòa bình đã bị dần thu hẹp lại và Công thức Hòa bình không còn xuất hiện trong các bài phát biểu công khai của người đứng đầu chính quyền Kiev.
Khi đường đua tranh cử Mỹ tiến gần đến đoạn kết vào tháng 10/2024, ông Zelensky đã trình bày một kế hoạch ít tham vọng hơn với 5 điểm, trong đó giữ nguyên gia nhập NATO và nhấn mạnh hơn vào lợi ích tài chính dành cho Mỹ, thay vì chỉ loanh quanh nói về các giá trị đạo đức chung. Một trong những lợi ích béo bở mà ông Zelensky đề xuất với Mỹ là quyền tiếp cận khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD dưới lòng đất Ukraine.
Đây cũng là đề xuất mà ông Trump đưa ra sau khi tái nhậm chức, cho phép Mỹ khai thác nguồn tài nguyên dồi dào của Ukraine như một khoản bồi thường cho sự hỗ trợ quân sự mà Washington đã cung cấp cho nước này. Trải qua nhiều tuần đàm phán căng thẳng, hai bên đã đạt được đồng thuận và dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận khai khoáng trong cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 28/2.
Và chúng ta đều biết những gì diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử. Sau một thời gian ngắn ngừng cung cấp viện trợ quân sự và thông tin tình báo cho Ukraine, đẩy lực lượng Ukraine vào thế khó việc phát hiện các đợt tấn công mới của Nga, đặc biệt ở khu vực Kursk, Washington cuối cùng cũng đồng ý bắt tay lại với Kiev, nhờ vào những nỗ lực ngoại giao tại Saudi Arabia trong tháng 3 vừa qua.
Nhưng điều đó là không đủ ông Zelensky thôi lo ngại về những nhượng bộ của Mỹ với Nga, bao gồm việc Tổng thống Mỹ loại bỏ yêu cầu gia nhập NATO của Ukraine ra khỏi bàn đàm phán và chào đón Nga trở lại nhóm G7 - câu lạc bộ của những nền kinh tế giàu có nhất thế giới.
Theo ông Zelensky, nếu cuộc chiến kết thúc với việc Kiev chấp nhận các điều khoản mà Moscow đưa ra, những khu vực giao tranh hiện tại sẽ biến thành "vùng chết" trên bản đồ châu Âu. Dù có nhiều thay đổi trong kế hoạch hòa bình, Tổng thống Ukraine vẫn kiên định với mục tiêu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của nước này trong bất kỳ thỏa thuận tương lai với Nga.