Điều kiện hợp đồng BOT trái quy định pháp luật sẽ bị vô hiệu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định những điều kiện hợp đồng dự án BOT trái với quy định pháp luật từng thời kỳ sẽ bị vô hiệu.
Nội dung được đưa ra tại báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, 7 và 8 Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng cho biết Chính phủ mới đây ban hành các Nghị định 68/2019 và Nghị định 25/2020 nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Thủ tướng cũng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của 5 quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050. Cụ thể gồm: mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, sân bay, hệ thống cảng biển và kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng giao.
Đồng thời đang chỉ đạo các cơ quan liên quan báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội để chuyển đổi hình thức từ đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công đối với các dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 08 dự án BOT thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Về những tồn tại cần giải quyết của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đối với việc quyết toán các dự án các hợp đồng BOT, BT trước thời điểm Thông tư số 166 ngày 17/11/2011 có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải căn cứ quy định pháp luật từng thời kỳ, quy định của Hợp đồng dự án và điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP để thực hiện quyết toán các hợp đồng BOT, BT trước thời điểm Thông tư số 166 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành.
"Những điều kiện hợp đồng trái với quy định pháp luật từng thời kỳ sẽ bị vô hiệu", báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Đối với việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay một số dự án có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu. Chính phủ đang xem xét để xử lý các vấn đề nêu trên.
Đối với việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết từng trạm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện Thông tư thay thế Thông tư 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, nhằm đảm bảo việc quản lý doanh thu minh bạch, chính xác và khách quan hơn.
Còn trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Đến nay, có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng. Do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá, theo tính toán sẽ có nhiều dự án bị vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu...
Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, tính toán cụ thể và tổng hợp báo cáo Thủ tướng phương án xử lý.