Điều kiện nước trong giải đấu thuyền máy công thức 1 ra sao, và đầm Thị Nại có đáp ứng?
Tại khu vực đầm Thị Nại (TP. Quy Nhơn), đội F1H2O Bình Định – Việt Nam đã đưa toàn bộ 3 thuyền công thức 1 ra sân bãi để lắp ráp động cơ, chuẩn bị cho chặng đua Grand Prix of Binh Dinh vào ngày 29 - 31/3.
Đã trải qua gần 40 năm tổ chức, đi qua hơn 30 quốc gia trên thế giới và có 300 lần tổ chức thi đấu, nhưng Giải đua UIM F1H2O World Championship vẫn còn xa lạ với người hâm mộ thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, sắp tới đây, vào ngày 29 - 31/3 khán giả trong nước có thể theo dõi những đường đua kịch tính, hấp dẫn với những cỗ máy có tốc độ lên đến 250km/h ngay tại đầm Thị Nại (TP. Quy Nhơn).
Thể thức thi đấu thuyền máy công thức 1?
Giống như đua xe công thức 1, UIM F1H2O World Championship sẽ thi đấu từ 6 - 8 chặng Grand Prix với khoảng 10 đội đua đến từ các nước, mỗi đội sẽ gồm 2 thành viên.
Mỗi chặng Grand Prix sẽ được diễn ra ở các khu vực Châu Âu, Châu Á và Trung Đông. Các chặng sẽ có 3 ngày thi đấu, trong ngày đầu tiên sẽ thi đấu Qualifying giành Pole, hay còn gọi là giành vị trí xuất phát, ngày thứ 2 là đua nước rút tính điểm (Sprint Race), và ngày cuối cùng là vòng đua chính (Final Race).
Về Qualifying - vòng loại là một phần của giải đua F1H2O World Championship - Grand Prix, diễn ra trước mỗi chặng đua chính. Mục đích của vòng loại là để xác định thứ hạng xuất phát cho các tay đua trong chặng đua chính (Pole). Thiết bị bấm giờ hiện đại nhất sẽ ghi lại thành tích của từng thuyền. Vòng loại được chia thành ba giai đoạn Q1, Q2 và Q3.
Sprint Race - vòng nước rút, mỗi đường đua của vòng thi này có kích thước khác nhau, nhưng thông thường có chiều dài khoảng 2.000m. Mỗi đường đua có ít nhất một đoạn thẳng dài và nhiều khúc cua gấp, chủ yếu là cua trái với một hoặc hai cua phải.
Chặng nước rút mới được bổ sung vào năm 2023 để tính thành tích cá nhân của các tay đua. Các tay đua sẽ được bốc thăm để chia thành 2 chặng đấu. Người chiến thắng ở mỗi chặng sẽ được điểm quy đổi, dựa vào hệ thống tính điểm của UIM.
Final Race - vòng đua chính, thường kéo dài khoảng 45 phút, các tay đua sẽ thi đấu theo vòng quanh một đường đua (sa hình) được đánh dấu. Thứ tự xuất phát của các tay đua đã được xác định từ vòng Qualifying. Trải qua 30 vòng (lap), người chiến thắng được xác định là tay đua hoàn thành vòng đua chính với thời gian nhanh nhất.
Luật thi đấu, các tay đua phải sử dụng thuyền máy được thiết kế theo quy định của UIM. Tốc độ tối đa của thuyền máy là 250 km/h. Các tay đua không được phép va chạm với nhau hoặc với các chướng ngại vật trên đường đua. Nếu vi phạm luật thi đấu, các tay đua có thể bị phạt, bao gồm cả việc bị loại khỏi cuộc đua.
Điều kiện nước trong giải đấu F1H2O
Điều kiện nước đóng vai trò quan trọng trong kết quả của mỗi chặng đua F1H2O. Một số yếu tố quan trọng như dòng chảy, gió, độ mặn, nhiệt độ.
Theo đó, dòng chảy có thể ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ và khả năng điều khiển của thuyền, còn gió mạnh có thể tạo ra sóng lớn, khiến việc lái thuyền trở nên khó khăn và nguy hiểm. Còn độ mặn của nước có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ thuyền và nhiệt độ nước có thể ảnh hưởng đến độ bám của lốp thuyền.
Do vậy, BTC F1H2O sẽ theo dõi chặt chẽ các điều kiện nước và có thể hoãn hoặc hủy bỏ cuộc đua nếu điều kiện quá nguy hiểm.
Chia sẻ về điều kiện thi đấu ở đầm Thị Nại, chuyên gia kỹ thuật của đội F1H2O Bình Định–Việt Nam, ông Johan Osterberg nói rằng, đây là một nơi tuyệt vời, thời tiết có thể hơi nóng nhưng cả đội có thể thích nghi được.
Ghi nhận của Tiền Phong, tại khu vực đầm Thị Nại, đội F1H2O Bình Định – Việt Nam đã đưa toàn bộ 3 con thuyền công thức 1 về sân bãi. Với lợi thế là chủ nhà, đội có mặt sớm tại khu vực dành cho các VĐV và bắt tay vào các công tác căng lều trại, sắp đặt khu vực kỹ thuật chỉnh sửa máy.
Các thành viên của đội, gồm 3 chuyên gia kỹ thuật, 1 điều phối, 2 tay đua là đội trưởng Jonas Andersson (49 tuổi, Thụy Điển) và Stefan Arand (21 tuổi, Estonia) tất bật làm việc để chuẩn bị cho chặng đua Grand Prix of Binh Dinh vào ngày 29 - 31/3.