Điều kiện tổng thể để triển khai Chương trình Giáo dục mới

Ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình Giáo dục mới), nhằm rà soát tình hình triển khai Chương trình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất những nhiệm vụ trong thời gian tới.

Điểm Trường Tiểu học Kim Đồng huyện Lâm Hà (năm học 2021-2022).

Điểm Trường Tiểu học Kim Đồng huyện Lâm Hà (năm học 2021-2022).

CÁCH TIẾP CẬN, ĐỊNH HƯỚNG VÀ TRIẾT LÝ MỚI

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thực hiện chưa có tiền lệ. Là lần tiến hành đổi mới rất sâu sắc, toàn diện, chuyển đổi về cả cách tiếp cận, định hướng và triết lý. Đặc biệt, liên quan đến xã hội hóa, có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), thay đổi tính chất của SGK... Sự đổi mới diễn ra tốc độ rất nhanh, phạm vi tiến hành rộng, kì vọng của Đảng, Nhân dân rất cao, nhưng tiến hành trong bối cảnh nguồn lực tài chính, con người khó khăn, thiếu thốn; bối cảnh ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, dẫn tới nguồn nhân lực biến động, thay đổi nhiều... Với một chương trình mang tính dài hơi, Bộ trưởng GDĐT đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo sở GDĐT tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022-2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ngay từ năm 2022 này, các địa phương phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các điều kiện khác cho tới năm học 2024-2025 (năm triển khai ở các lớp cuối cùng) để tham mưu cụ thể, tránh việc tới đâu tham mưu tới đó. Bộ trưởng đồng thời lưu ý các vấn đề như lựa chọn sách giáo khoa; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ; mua sắm thiết bị dạy học...

ĐỘI NGŨ LÀ NỀN MÓNG, CƠ SỞ VẬT CHẤT CẦN ĐƯỢC THÁO GỠ

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, trước hết, đội ngũ giáo viên là nền móng. Vì vậy, quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng tập huấn các mô-đun. Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã triển khai tổ chức tập huấn các mô-đun. Vấn đề luôn đặt ra là chất lượng để khi triển khai dạy học, giáo viên chủ động và sáng tạo. Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết, ở cấp tiểu học, các môn Tin học, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc và cấp THPT có thêm môn Âm nhạc, Mỹ thuật gây khó khăn cho việc bố trí giảng dạy và tuyển dụng giáo viên. Ở cấp THCS, giáo viên dạy các môn Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, đòi hỏi giáo viên phải được trải qua các khóa đào tạo ngắn hạn để có thể tiếp cận nội dung, kiến thức, năng lực trong dạy học tích hợp. Trưởng phòng GDĐT Lâm Hà Nguyễn Duy Trinh cũng trăn trở về tình hình giảm biên chế của đội ngũ trong ngành Giáo dục tỉnh và huyện Lâm Hà. Thực hiện kế hoạch tại Văn bản 251, ngày 24/3/2022 của Sở Nội vụ và Văn bản 500 ngày 25/3/2022 của UBND huyện Lâm Hà, “số lượng người làm việc tại các đơn vị trường học công lập trực thuộc năm 2023 theo hướng giảm ít nhất 3,5% số lượng người làm việc so với số giao năm 2021 đối với các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên”. Ông Trinh chia sẻ: “Thực hiện giảm biên như vậy sẽ không thực hiện được số giáo viên/lớp so với các quy định của ngành Giáo dục”. Nhiệm vụ thực hiện bố trí, sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên càng trở nên quan trọng lúc này.

Về chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn tỉnh, Sở GDĐT cho biết, tổng kinh phí thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020 là 1.638 tỷ đồng. Cơ sở vật chất được cải thiện từng bước, tỷ lệ kiên cố hóa tăng lên theo từng năm học, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của ngành. Tiến độ xây dựng, chất lượng công trình được nâng cao, mang lại hiệu quả đầu tư; tỷ lệ kiên cố hóa ở cấp tiểu học 2.705 phòng/3.541 phòng (đạt 74,6%); cấp THCS 1.521 phòng/1.618 phòng (94%) và cấp THPT 1.161 phòng /1.216 phòng (95,5%).

Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2545, ngày 7/12/2019, trong đó, bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư 35 dự án để lập báo cáo xin chủ trương, khởi công xây dựng trong năm 2021, với kinh phí 1.106,304 tỷ đồng. Các công trình chuẩn bị đầu tư đã thực hiện thiết kế sơ bộ, bao gồm các phòng học, phòng bộ môn, các phòng bộ môn còn thiếu theo Chương trình GDPT 2018 như: phòng giáo dục âm nhạc, phòng mĩ thuật, phòng khoa học công nghệ, phòng khoa học xã hội, phòng đa chức năng, phòng thiết bị giáo dục và đã tính đến cấp tiểu học đạt 100% một lớp/1 phòng học kiên cố, nhà bếp, nhà bán trú để đảm bảo học 2 buổi/ngày...

Về trang thiết bị dạy học tối thiểu, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí mua sắm thiết bị dạy học, bao gồm thiết bị dạy học tối thiểu toàn tỉnh là 1.005 tỷ đồng. Căn cứ Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu từ lớp 1 đến lớp 12 của Bộ GDĐT ban hành, Sở GDĐT đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, thống kê, báo cáo để có kế hoạch trang bị đảm bảo cung ứng đủ trong năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo.

Khó khăn về cơ sở vật chất khi triển khai Chương trình GDPT 2018, theo Sở GDĐT Lâm Đồng, hiện, một số lớp học có diện tích phòng học chưa hợp lý, không gian lớp học chật chội, dẫn đến việc tổ chức các hoạt động dạy học trong nhóm còn hạn chế. Một số trường ở vùng thành phố có sĩ số học sinh/lớp khá đông đã ảnh hưởng rất nhiều về thực hiện Chương trình, đặc biệt đối với lớp 1. Môn Tin học, Ngoại ngữ là môn bắt buộc nhưng phần lớn các trường chưa có phòng chức năng phục vụ dạy học 2 môn học này. Sở cũng cho biết thêm, một số địa phương hiện cơ sở vật chất xây dựng lâu năm đã xuống cấp, thiếu phòng chức năng hoặc không có đủ diện tích đất để xây dựng thêm các phòng học, phòng chức năng, bếp ăn, chỗ nghỉ cho học sinh để đảm bảo lộ trình 100% học sinh được học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú khi triển khai thực hiện.

LỜI KẾT

Chương trình GDPT 2018 xây dựng theo hướng mở, tăng tính chủ động trong kế hoạch dạy học và lựa chọn SGK của nhà trường, theo xu hướng của nền giáo dục các nước tiên tiến. Chúng tôi khép lại bài viết này với sự tán đồng cao ý kiến của Trưởng phòng GDĐT huyện Đạ Huoai Nguyễn Văn Trinh: “Để đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu mong đợi của Chương trình thì phải đồng bộ hóa cả 4 yếu tố, đó là chương trình; SGK; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Hiện nay, chương trình, SGK cơ bản đã ổn, yêu cầu đặt ra là đội ngũ giáo viên phải đủ về số lượng, đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; đồng thời, phải đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, phương pháp dạy học mới theo hướng dạy học phát triển năng lực, kỹ năng dạy học thực hành, trải nghiệm... Ngoài ra, phải bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên dạy tổ hợp môn tự nhiên, xã hội, đây là những yếu tố quyết định thành công. Bên cạnh đó, phải chuẩn hóa và cung cấp kịp thời hơn thiết bị dạy học cho phù hợp với yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục mới”.

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202204/dieu-kien-tong-the-de-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-moi-3109635/