Điều kinh khủng gì sẽ xảy ra nếu 'sông băng ngày tận thế' tan chảy?
Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu 'Sông băng ngày tận thế' bị sập, mực nước biển có thể dâng cao thêm hơn 50cm.
Với diện tích 192.000 km2 (bằng 1/3 diện tích nước Pháp), sâu hơn 1 km, sông băng Thwaites, ở phía tây Nam Cực, là sông băng lớn nhất thế giới.
Vài năm trở lại đây, Thwaites là một trong những sông băng dễ bị tan chảy nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Từ đó, sông băng này được mệnh danh là "Sông băng ngày tận thế" hoặc "Thảm họa ngày phán xét cuối cùng". Điều này cũng khiến sông băng Thwaites chiếm một phần đáng kể trong khối lượng băng tan ở vịnh đảo Pine mở ra biển Amundsen (chiếm 1/3 khối lượng năm 2012).
Để nghiên cứu sâu hơn hiện tượng băng tan ở đây, các nhà khoa học Thụy Điển đã sử dụng tàu ngầm tự hành tiếp cận phần mặt trước của sông băng Thwaites. Họ thu thập dữ liệu về sức mạnh, nhiệt độ, độ mặn và hàm lượng oxy của các dòng nước ấm bên dưới sông băng Thwaites.
Theo The Guardian, dữ liệu đo được cho thấy các dòng nước biển ấm hoạt động mạnh hơn dự kiến, từ đó chúng có thể làm tan nền đáy sông băng nhanh hơn và sông băng Thwaites sẽ tan nhanh hơn so với tính toán trước đó.
Giáo sư hải dương học vật lý Anna Wåhlin, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, giải thích, mặt trước của sông băng Thwaites nằm trên một số điểm cố định dưới mặt nước biển. Tuy nhiên vì nhiệt độ nước biển tăng lên từ sâu dưới đại dương, làm tăng tốc độ tan băng khiến những điểm cố định biến mất. Tình trạng này khiến nước biển ấm xâm nhập sâu vào sông băng Thwaites, lâu dài sẽ đẩy nhanh quá trình sông băng bị nứt khỏi Nam Cực và trôi vào đại dương.
"Nếu điều đó xảy ra, mọi thứ sẽ sụp đổ. Đây có thể là sự khởi đầu của những thay đổi khủng khiếp", bà Anna Wåhlin cảnh báo.
Ước tính nếu sông băng Thwaites bị sập, lượng băng đá khi tan có thể khiến mực nước biển dâng cao thêm 65 cm. Cộng với lượng băng tan chảy từ các sông băng gần đó, nước biển có thể tăng cao tới 3m, đe dọa nhiều thành phố.
“Kịch bản” này có thể xảy ra theo báo cáo của các nhà nghiên cứu Thụy Điển được công bố trên tạp chí Science Advances ngày 9/4.
Năm ngoái, các nhà khoa học Anh cũng phát hiện những hố sâu khổng lồ bên dưới Thwaites. Những hố sâu này khiến nước biển xâm nhập vào bên trong sông băng, đẩy nhanh tốc độ xói mòn, tan chảy. Tình trạng băng đá ở Nam Cực tan chảy nhanh hơn tốc độ tích tụ ngày càng trở nên nghiêm trọng suốt 30 năm qua, chiếm khoảng 4% mực nước biển dâng toàn cầu. Từ năm 2000, Nam Cực đã mất 1.000 tỷ tấn băng đá.
Với dữ liệu mới thu thập được các nhà khoa học biết được tình hình phân bố các dòng hải lưu chuyển động bên dưới phần nổi sông băng Thwaites và sự hiện diện của một số dòng nước ấm. Các dữ liệu cũng tiết lộ có một khu vực đáng ngạc nhiên bao gồm nhiều khối lượng nước ấm tiếp xúc và trộn lẫn vào nhau. Nghiên cứu hiện tượng này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ quá trình tan chảy bên dưới sông băng. Nếu điều chỉnh được dòng chảy của chúng có thể bảo đảm sông băng bám giữ ổn định với đáy biển.
Minh Hoa (t/h)