Điều kỳ diệu mang tên tình bạn

Tây Bắc những ngày đầu đông trời chuyển gió mùa trở lạnh. Con đường đi làm quen thuộc được điểm xuyến những hạt mưa phùn lất phất. Thoang thoảng trong làn gió se lạnh là mùi thơm ngọt ngào của những lò nấu mật đường. Từng cuộn khói nối nhau chơi trò ú tim. Sớm mai đầu đông của một cô giáo vùng cao như tôi thật yên bình xen lẫn cảm giác ấm áp bởi giọng nói, tiếng cười, sự hồn nhiên, vô tư của những cô cậu học trò lớp chủ nhiệm.

Ngược dòng thời gian gần 3 năm về trước, tôi nhận nhiệm vụ chủ nhiệm và phụ trách môn Ngữ văn. Sau 1 tuần làm quen lớp, tôi bắt đầu chú ý tới Thi, cô học trò thoạt nhìn tôi đã nhầm em là con trai với mái tóc tém gọn gàng. Thi luôn đeo khẩu trang và không trò chuyện với bất kỳ bạn nào trong lớp. Dần dà qua tìm hiểu từ gia đình, tôi mới biết Thi có biểu hiện của bệnh “mất kết nối xã hội”. Em hay nghỉ học không lý do, sống thu mình thụ động và gần như muốn né tránh tất cả bạn bè cũng như sự quan tâm của thầy, cô giáo…

Tìm hiểu các bạn trong lớp, tôi biết Thi chỉ chơi với Thùy Trang. Nhưng 2 bạn lại học ở 2 lớp khác nhau. Điều này khiến Thi hụt hẫng và càng thu mình. Vì vậy, tôi đã xin nhà trường để Thùy Trang chuyển sang lớp tôi. Từ ngày có Trang học cùng, Thi có vẻ cởi mở hơn mặc dù em vẫn trốn tránh cô giáo và các bạn. Nhận thấy dấu hiệu tích cực từ tình bạn của 2 cô học trò, tôi đã gặp riêng Trang để tìm hiểu thêm về sở thích cũng như thói quen của Thi. Đồng thời, tôi nhờ Trang phối hợp để giúp Thi hòa nhập với lớp hơn.

Trang khá nhanh nhẹn lại năng động. Em xin tôi được ngồi cạnh Thi và cô bé đã kéo Thi dần ra khỏi “vỏ kén” bằng các tiết mục văn nghệ của lớp, các hoạt động tập thể. Ngoài ra, biết Thi học yếu các môn Toán, Khoa học tự nhiên và Ngữ văn, vì vậy, Trang thường đến nhà Thi rủ bạn học nhóm. Ban đầu Thi còn khước từ và ngại học những môn em không có thế mạnh, nhưng Trang khá tinh ý, em động viên bạn cùng cố gắng và dần giúp bạn tự tin phát biểu trước lớp.

Những buổi chiều khi tôi tới trường ôn tập cho học sinh, hình ảnh tôi thường thấy là đôi bạn đang chỉ nhau làm bài tập. Thi cười nói với bạn khá vui vẻ, em cũng không còn nghỉ học không lý do. Ngoài ra, Trang còn động viên Thi vào đội văn nghệ xung kích của trường. Ban đầu Thi còn e dè từ chối, nhưng trước lời động viên của tôi và sự khích lệ của Trang: “Mình thấy Thi hát hay mà. Mình tin bạn sẽ làm được. Đừng ngại, còn có mình mà…”, Thi đã có nhiều thay đổi tích cực. Là cô giáo chủ nhiệm của hai em, tôi cảm nhận được tình bạn trong sáng cùng sự yêu thương mà Trang dành cho bạn của mình. Đó chính là tình bạn chân thành, xuất phát từ trái tim đầy ắp yêu thương, sự sẻ chia…

Ngắm nhìn bó hoa và chiếc khăn voan quàng cổ mềm mại cùng nét chữ nghiêng nghiêng: “Em chúc cô luôn xinh đẹp, hạnh phúc và thành công”. Cuối tấm thiệp ghi tên hai cô trò nhỏ, trong tôi hạnh phúc trào dâng. Tôi mường tượng khuôn mặt, nụ cười cùng tình bạn đầy thân thiết mà hai cô bạn nhỏ dành cho nhau, khóe mắt tôi rưng rưng…

Có lẽ, với những thầy, cô giáo, chỉ cần chứng kiến tình bạn bình dị, chân thành, luôn hướng về nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ của các em là chúng tôi đã thấy hạnh phúc. Cảm ơn tình bạn của các em giúp tôi thêm hiểu rằng đôi khi những điều kỳ diệu của cuộc sống lại được tạo nên từ sự thấu hiểu và lòng chân thành.

Phạm Thị Yến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/165740/dieu-ky-dieu-mang-ten-tinh-ban