Điệu múa cầu tự trong lễ hội Obando

Cứ đến ngày 17- 19/5 hàng năm, ở thị trấn nhỏ Obando nằm bên Vịnh Manila (Philippines) lại diễn ra một lễ hội hết sức linh thiêng và sôi động.

Ấy là Hội Tam Thánh để mọi người tri ân và hồi cố những kỳ tích nhiệm màu mà ba vị San Pascual Baylon, Santa Clara xứ Assisi và Đức Mẹ Salambao đã mang tới cho xứ sở. Trong lễ hội có một đám rước mà người tham gia đa phần là nữ, vừa đi theo kiệu vừa nhảy múa để cầu tự.

Lễ hội kéo dài suốt ba ngày, mỗi ngày ca ngợi một vị thánh và có những màn biểu diễn xen lẫn nghi thức cầu nguyện sinh con thú vị. Tất cả được thực hiện trên quảng trường và khu vực quanh Nhà thờ lớn San Pascual Baylon của Obando, thu hút hàng triệu người đến xem.

Dù có con cháu, chắt chút hay chưa, ai nấy trảy hội đều rạo rực trong lòng một niềm vui cùng sự lạc quan, tin tưởng rằng, chỉ nay mai thôi, gia đình sẽ đông con nhiều cháu - hạnh phúc. Và cứ thế, mọi người tự nhiên nối vào đoàn rước, cùng múa hát, cảm nhận thánh linh vào thân thể.

Truyền thống thờ cúng các thánh đã xuất hiện từ lâu đời ở Obando. Từ khi ngư dân vớt được một pho tượng Đức Mẹ Mary vào năm 1763 và đặt tại Thánh đường Obando, lập nên ban thờ Tam Thánh, thì mọi việc cầu xin của dân gian, nhất là việc cầu tự, sinh trai hay gái đều được thuận lợi.

Người ta cho rằng, trước khi Thực dân Tây Ban Nha mang Đạo Thiên Chúa đến đây, ở địa phương đã có một nghi lễ cầu xin sự sinh sản, gọi là kasilonawan, trong đó những vũ công múa hát như thể một cống phẩm dâng lên các nhiên thần, và khi có tôn giáo mới, điệu múa liền được dành cho San Pascual Baylon - Thánh bảo hộ việc sinh nở, tài sản và sự dư thừa ở Obando, Thánh Santa Clara xứ Assisi – người đem lại khí hậu tốt lành, giúp giữ thai, chữa trị chứng vô sinh và Đức Mẹ Mary, thân mẫu của Chúa Ki tô, bà cũng mang theo một tấm lưới (Salambao) là biểu tượng của sự sinh sôi và trù phú.

Từ buổi đầu tiên, nam nữ đã múa kasilonawan trước nhà thờ, song có một số thời bị ngưng và từ năm 1972 lại phục hồi và trở thành một điệu múa nghi lễ đường phố hấp dẫn. Người dân Obando đã kết hợp giữa các yếu tố của văn hóa Philippines và Âu châu vào trong kasilonawan, như cái dậm chân, xoay tay, đánh hông tự nhiên vào điệu múa để phát huy sự duyên dáng và vận động của toàn cơ thể, nhất là phần bụng, dạ con, nơi mang thai để đưa sinh linh vào cơ thể.

Do tháng 5, trời khá nóng, đám rước luôn được bắt đầu từ sớm khi còn mát dịu. Vậy mà vẫn có cảm giác hừng hực vì dòng người từ tứ phương đổ về quảng trường. Ai nấy còn ăn vận sặc sỡ, dưới các trang phục của miền nhiệt đới, làm không khí nóng bừng. Riêng với các vũ nữ, họ mặc váy barot saya là một y phục cổ truyền trang nhã, lộng lẫy.

Cũng có khi mặc trang phục được thiết kế riêng trong từng năm, như áo tắm chẳng hạn và cứ thể uốn éo dọc đường. Để xoa dịu cái nóng, trên phố có các hàng kem, nước giải khát thả đá, đồng thời bán bóng, đồ chơi thu hút trẻ em - niềm ước mong của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến với lễ hội. Đây đó cũng thấy những giỏ trứng sặc sỡ, đưa đây thành một mùa Phục Sinh thứ hai tại Obando.

Mỗi trái trứng còn thắt một dải ruy băng có màu riêng, ngụ ý cho sức khỏe, trí tuệ, tiền bạc, danh tiếng… và dĩ nhiên là cả con cái. Nam nữ thành thân hay chưa đều mua trứng để cầu mong hạnh phúc, lấy được người mình yêu và sớm có con.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/dieu-mua-cau-tu-trong-le-hoi-obando-BBxjz3rGg.html