Điều ông Trump khó ngờ tới

Đảng Cộng hòa xoay quanh ông Trump và bị chi phối bởi nhóm bảo thủ cực đoan, trong khi đảng Dân chủ thống nhất và sẵn sàng đàm phán vì mục tiêu chung.

“Nhiều chính trị gia công khai ủng hộ Trump, nhưng lại âm thầm lo sợ về ông ấy”, bà Nikki Haley - cựu Thống đốc bang South Carolina - chia sẻ hồi tháng 2. “Họ biết ông ấy thảm họa tới mức nào và sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho đảng. Họ chỉ quá sợ để nói ra những gì mình nghĩ. Tôi thì không sợ nói ra sự thật phũ phàng này. Tôi không cần phải nịnh nọt ông Trump”.

Tuy nhiên, bà Haley đã có mặt tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở Milwaukee, và cổ vũ ông Trump. “Tổng thống Trump đã mời tôi phát biểu tại đại hội này nhân danh sự đoàn kết. Tôi sẽ bắt đầu (bài phát biểu) bằng tuyên bố: Donald Trump có sự ủng hộ mạnh mẽ của tôi, chấm hết”.

Các nhà khoa học chính trị hiện gọi đảng Cộng hòa là đảng “cá nhân”, khi đảng này xoay quanh một nhân vật, không phải chương trình nghị sự hay liên minh. Những người bất đồng như Liz Cheney, Chris Christie, Adam Kinzinger và thậm chí cả cựu Phó tổng thống Mike Pence đều đã bị loại bỏ.

Trong khi đó, đảng Dân chủ đã chứng minh họ không phải đảng theo đuổi cá nhân. Đại hội tuần này sẽ phản ánh một hành động tập thể mang tính lịch sử: Đảng tập hợp để thuyết phục lãnh đạo của đảng, Joe Biden, rút lui.

New York Times đặt câu hỏi tại sao hai đảng của nước Mỹ lại đối lập hoàn toàn như vậy. Câu trả lời là: Một lý do có từ trước khi ông Trump xuất hiện, lý do còn lại là vì ông Trump.

Trước khi có ông Trump

Có một mâu thuẫn cốt lõi trong đảng Cộng hòa mà không tồn tại trong cốt lỗi của đảng Dân chủ.

Đảng viên Dân chủ có chung niềm tin rằng chính phủ có thể và nên hành động thay mặt cho người dân. Những người cực tả tin rằng chính phủ nên làm nhiều hơn nữa, còn nhóm ôn hòa tin rằng chính phủ nên hành động mạnh mẽ hơn một chút. Tuy nhiên, tất cả người được bầu làm lãnh đạo đều có cùng một lý do: Sử dụng quyền lực của chính phủ để theo đuổi tầm nhìn của họ về những điều tốt đẹp. Dù có mâu thuẫn và chia rẽ, đảng luôn có chỗ cho đàm phán vì mục đích chung.

Ngược lại, đảng Cộng hòa hiện đại được xây dựng dựa trên sự căm ghét chính phủ. Một số thành viên muốn chứng kiến chính phủ bị thu hẹp và tê liệt đến mức không còn đủ sức mạnh để can thiệp vào nhiều khía cạnh xã hội.

Đây là tinh thần từ xưa cũ, và từng được Grover Norquist - nhà hoạt động chống thuế nổi tiếng - mô tả: “Tôi không muốn xóa bỏ chính phủ. Tôi chỉ muốn thu hẹp nó xuống mức tôi có thể kéo nó vào nhà tắm và dìm nó trong bồn tắm”.

Những chính trị gia, đặc biệt là các cá nhân tham gia vào chính phủ hiện tại, đều có nguy cơ trở thành mục tiêu cho các cuộc thanh trừng trong tương lai. Các nhóm bảo thủ cực đoan như Tea Party và Freedom Caucus không ngần ngại đối đầu những người đương nhiệm khi họ có quyền lực đủ lớn tại Hội nghị Cộng hòa Hạ viện.

Nhiều chủ tịch Hạ viện của đảng Cộng hòa đã bị hạ bệ sau khi trải qua giai đoạn không mấy dễ chịu. Ông John Boehner tuyên bố từ chức sớm, trong khi ông Kevin McCarthy - trải qua 15 vòng bỏ phiếu - đã bị các thành viên cực đoan của đảng phế truất chưa đầy một năm sau đó.

 Đảng Cộng hòa hiện đại được xây dựng dựa trên sự căm ghét chính phủ. Ảnh: New York Times.

Đảng Cộng hòa hiện đại được xây dựng dựa trên sự căm ghét chính phủ. Ảnh: New York Times.

Adam Smith - Nghị sĩ Dân chủ tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện - kể rằng một đồng nghiệp đảng Cộng hòa từng đùa muốn “đổi” những thành viên cực đoan của đảng Cộng hòa cho đảng Dân chủ, ám chỉ dù ở đảng nào thì cũng có những người có tư tưởng quá khích.

“Tôi nghĩ đảng chúng tôi không có thành viên Quốc hội nào quá khích theo hướng đó”, ông nói. “Tôi đã làm việc với từng người về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia. Họ có thể không bỏ phiếu cho đạo luật này, nhưng họ sẽ đưa ra ý tưởng. Trong khi với đảng Cộng hòa, nếu chính phủ muốn làm điều gì đó, họ luôn tìm cách ngăn chặn, như kiểu phản xạ vậy. Điều này như ăn sâu vào đảng Cộng hòa, khiến việc duy trì một tổ chức có trách nhiệm với chính phủ trở nên khó khăn”.

Nancy Pelosi - cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ thuộc đảng Dân chủ - cũng đưa ý kiến tương tự.

“Rất khó để làm việc với những người thực sự không có niềm tin hay chương trình nghị sự nào. Đàm phán với người không muốn gì cả thực sự khó”, bà chia sẻ về lý do đảng Dân chủ tại Hạ viện lại đoàn kết hơn đảng Cộng hòa.

Vì ông Trump

Nhiều người ở đảng Dân chủ theo đuổi ý thức hệ chặt chẽ. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Trump đã biến đảng Dân chủ thành một đảng thực dụng theo cách tàn nhẫn, tức là quyết định dựa trên thực tế thay vì cố chấp với những nguyên tắc bất biến. Chính sự thực dụng này khiến họ đề cử ông Joe Biden vào năm 2020, nhưng cũng sẵn sàng từ bỏ vị tổng thống 81 tuổi vào năm 2024.

Ông Smith là một trong những thành viên cấp cao đầu tiên công khai kêu gọi ông Biden rút khỏi cuộc đua. “Nhiều người ủng hộ Biden đã hiểu lầm. Họ cho rằng tôi làm vậy là vì Joe, nhưng thực ra là vì Trump và nỗ lực ngăn chặn ông ấy từ năm 2017. Chúng ta sẽ đoàn kết và làm mọi thứ để đạt được điều này”, ông nói.

Có những thời điểm tranh cãi xoay quanh ông Biden khiến đảng Dân chủ lục đục nội bộ. Tuy nhiên, điểm chung trong mọi cuộc thảo luận là nỗi sợ ông Trump sẽ tái đắc cử.

“Nhiều đảng viên Dân chủ coi Trump đối lập với toàn bộ dự án của nước Mỹ”, David Axelrod - chiến lược gia của chiến dịch năm 2008 của cựu Tổng thống Barack Obama - nói. “Nếu Haley tranh cử thay vì Trump, không chắc đảng Dân chủ đã gấp gáp tới vậy”.

 Đảng Dân chủ có nỗi sợ chung, đó là nỗi sợ ông Trump tái đắc cử. Ảnh: New York Times.

Đảng Dân chủ có nỗi sợ chung, đó là nỗi sợ ông Trump tái đắc cử. Ảnh: New York Times.

Không đảng viên Dân chủ nào đóng vai trò lớn hơn bà Pelosi trong nỗ lực thuyết phục ông Biden. Bà giải thích mình được thúc đẩy bởi một mối đe dọa to lớn.

“Tôi muốn chiến dịch có thể giành chiến thắng. Tôi quyết định ở lại Quốc hội để đánh bại người đó, vì tôi nghĩ ông ta là mối nguy hiểm cho đất nước chúng ta”, bà nói.

Khi được hỏi nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump sẽ có ý nghĩa thế nào với nước Mỹ, mặt bà Pelosi lo lắng thấy rõ. “Tôi gần như không thể ngủ được vì tình hình hiện tại. Nhưng viễn cảnh ấy không thể tưởng tượng được, không thể xảy ra với đất nước chúng ta”, bà nói.

Ông Biden cũng có đồng quan điểm. “Không có gì, không thứ gì, kể cả tham vọng cá nhân, có thể cản trở nỗ lực giải cứu nền dân chủ của chúng ta”, tổng thống Mỹ nói khi quyết định dừng cuộc đua. Thật khó để tưởng tượng ông Trump sẽ rút lui vì cho rằng tham vọng cá nhân của mình đứng sau thành công của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử.

Đây chính là công thức của đảng Dân chủ nhằm duy trì sự gắn kết như một đảng chính trị. Họ thống nhất trong mong muốn sử dụng chính phủ để cải thiện cuộc sống của người dân. Họ thống nhất trong niềm tin rằng phải ngăn chặn ông Trump. New York Times nhận định nếu nói 2024 là lần đối đầu giữa bà Kamala Harris và ông Trump thì chưa đủ, vì đây cũng là cuộc cạnh tranh giữa ông Trump và đảng Dân chủ.

Chiến dịch của ông Trump hiểu, và lo sợ điều này. “Tôi nghĩ ông Joe Biden không có nhiều lợi thế, nhưng đảng Dân chủ thì có”, Susie Wiles - cố vấn của ông Trump - chia sẻ hồi tháng 3.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-ong-trump-kho-ngo-toi-post1492799.html