Điều ông Trump không ngờ tới ở Tổng thống Biden

Tổng thống Joe Biden kêu gọi sự chuyển giao thế hệ và bỏ qua tham vọng riêng trong bài phát biểu tối 24/7, tạo hình ảnh đối lập với cựu Tổng thống Donald Trump.

 Tổng thống Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên vào sáng 25/7 sau khi tuyên bố rút lui khỏi cuộc bầu cử tháng 11. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên vào sáng 25/7 sau khi tuyên bố rút lui khỏi cuộc bầu cử tháng 11. Ảnh: New York Times.

Vào ngày 6/1/2021, nước Mỹ chứng kiến một cuộc bạo loạn và nỗ lực níu giữ quyền lực của cựu Tổng thống Donald Trump. Gần 4 năm sau, vào tối 24/7, người dân Mỹ lại chứng kiến Tổng thống Joe Biden giải thích lý do ông từ bỏ theo đuổi vị trí quyền lực nhất đất nước.

Guardian nhận định diễn văn của ông Biden vào tối 24/7 là một sự kiện cảm động có tính toán, khởi đầu cho chuỗi hoạt động chia tay sự nghiệp của vị tổng thống - từ “một đứa trẻ nói lắp có xuất thân khiêm tốn” trở thành chính trị gia và người đứng đầu Nhà Trắng. Điều này có thể khiến những đảng viên Dân chủ trung thành rơi nước mắt.

Bài phát biểu cũng chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump cả về lời nói và hành động. Mặc dù không trực tiếp nhắc tên người tiền nhiệm, ông Biden đã cho thấy hai tầm nhìn hoàn toàn khác nhau về chức vụ tổng thống Mỹ.

Lời chỉ trích dứt khoát

Ông Biden mở đầu bài phát biểu bằng việc đề cập đến những tổng thống từng giữ chức vụ này trước đây như Tổng thống Thomas Jefferson, George Washington, Abraham Lincoln và Franklin Roosevelt.

"Tôi tôn kính văn phòng này nhưng tôi yêu đất nước hơn", ông nói. "Đây là vinh dự lớn nhất đời tôi khi được phục vụ người dân với tư cách tổng thống. Nhưng để bảo vệ nền dân chủ - thứ đang bị đe dọa - tôi nghĩ nó quan trọng hơn bất kỳ chức vị nào".

Đó dường như là một lời chỉ trích dứt khoát đối với ông Trump, người được cho là coi trọng chức vị. Với sự hỗ trợ từ tổ chức Heritage Foundation bảo thủ, ông Trump đang có ý định mở rộng quyền lực tổng thống. Do đó, khi từ bỏ quyền lực, ông Biden dường như muốn chứng minh bản thân luôn là người cao cả hơn. Quyết định này được bà Hillary Clinton mô tả là "hành động yêu nước thuần túy nhất từng thấy".

Thực tế, dù đã có nhiều tháng để chuẩn bị cho tình huống này, chiến dịch của ông Trump vẫn đang vật lộn tìm chiến lược mới nhằm đối phó với ứng viên thay thế của đảng Dân chủ, Phó tổng thống Kamala Harris. Có lẽ họ không thể tin rằng Tổng thống Biden sẽ rút lui vì họ biết ông Trump sẽ không bao giờ làm điều tương tự.

 Tổng thống Joe Biden phát biểu từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày 24/7. Ảnh: CNN.

Tổng thống Joe Biden phát biểu từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày 24/7. Ảnh: CNN.

Trong bộ vest màu xanh đậm, áo sơ mi trắng, cà vạt xanh và huy hiệu cờ Mỹ, ông Biden ở giữa xung quanh là các thành viên gia đình. Theo một phóng viên trong Phòng Bầu dục, có lúc con gái ông, bà Ashley, nắm lấy tay Phu nhân Jill Biden.

Ông Biden là tổng thống đương nhiệm đầu tiên tuyên bố sẽ không tái tranh cử kể từ thời cựu Tổng thống Lyndon Johnson năm 1968. Song trái ngược với bài diễn văn dài của ông Johnson, ông Biden nhanh chóng chỉ định bà Harris làm người thế chân mình.

Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng Tổng thống Biden đã trải qua nhiều khó khăn về mặt tinh thần khi bị một số đảng viên Dân chủ hoài nghi và chỉ trích trước khi tuyên bố rút lui. Họ cũng là những người đang ca ngợi ông sau quyết định bất ngờ.

Chức vụ tổng thống vốn là khát vọng cả đời của ông Biden. Kể từ lần đầu tranh cử vào năm 1988 cho đến chiến thắng năm 2020, sự nghiệp của vị tổng thống từng được coi là minh chứng cho những người dân thuộc tầng lớp lao động. Tuy nhiên, hiện nhiều người cho rằng họ cần một gương mặt mới.

Trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục, ông Biden đã kìm nén những cảm xúc riêng, song ông cũng tái khẳng định năng lực của bản thân.

"Tôi tin rằng thành tựu của tôi với tư cách tổng thống, khả năng lãnh đạo của tôi trên thế giới và tầm nhìn của tôi cho tương lai nước Mỹ, tất cả đều xứng đáng với một nhiệm kỳ thứ hai", ông nói. "Nhưng không có gì, không có gì có thể cản trở việc cứu nền dân chủ của chúng ta, bao gồm cả tham vọng cá nhân".

Kêu gọi chuyển giao thế hệ

Tổng thống Biden cũng kêu gọi chuyển giao thế hệ trong giới lãnh đạo: "Tôi đã quyết định rằng cách tốt nhất để tiến về phía trước là truyền ngọn đuốc cho một thế hệ mới".

"Đây là cách tốt nhất để đoàn kết quốc gia của chúng ta. Tôi biết có những thời điểm và bối cảnh đòi hỏi kinh nghiệm (ở người lãnh đạo). Cũng có những thời điểm và bối cảnh mà (chúng ta) cần tiếng nói mới, tươi trẻ hơn. Đó chính là lúc này", ông bày tỏ.

 Ông Trump được cho là sẽ khó có thể đưa ra quyết định tương tự Tổng thống Biden. Ảnh: New York Times.

Ông Trump được cho là sẽ khó có thể đưa ra quyết định tương tự Tổng thống Biden. Ảnh: New York Times.

Guardian nhận định quyết định này có thể hạn chế quyền lực của ông Biden trong 6 tháng cuối cùng trên cương vị tổng thống. Song ông cam kết tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự của mình và kêu gọi cải cách Tòa án Tối cao - cơ quan đang bị cuốn vào các vụ bê bối đạo đức, tranh cãi về quyền phá thai và tuyên bố miễn truy tố tổng thống đối với những hành động thuộc phạm vi Hiến pháp cho phép.

"Điều tuyệt vời về nước Mỹ” là tại đây người dân là người cai trị, ông Biden nhấn mạnh. "Lịch sử nằm trong tay chúng ta. Quyền lực nằm trong tay chúng ta. Ý niệm về nước Mỹ nằm trong tay chúng ta. Chỉ cần người dân giữ vững niềm tin và ghi nhớ chúng ta là ai”.

Vào năm 2020 - năm của đại dịch toàn cầu, phong trào Black Lives Matter và sự suy giảm tín nhiệm với ông Trump - sự đồng cảm với xuất thân của Tổng thống Biden đã giúp ông trở thành người lãnh đạo xuất hiện đúng lúc trong mắt công chúng, với nhiệm vụ hàn gắn trái tim và bảo vệ nền dân chủ.

Tuy nhiên, đến năm nay, thời kỳ của ông Biden dường như đã qua. Việc vị tổng thống miễn cưỡng nhận ra thực tế này và quyết định truyền lại ngọn đuốc cho người kế nhiệm có thể đã cho ông Trump thấy một bài học mà cựu tổng thống có lẽ sẽ không bao giờ tiếp nhận, Guardian nhận định.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-ong-trump-khong-ngo-toi-o-tong-thong-biden-post1488215.html