Điều tàu sân bay, tin vào con rể - ông Trump đùa với lửa ở Trung Đông
Cùng thời điểm, ông Trump đưa tàu sân bay đến vịnh Ba Tư, và công bố kế hoạch hòa bình cho Israel - Palestine. Hai động thái tưởng như trái ngược này lại có cùng một mẫu số chung.
Vào lúc này, tại vịnh Ba Tư, tàu sân bay USS Abraham Lincoln đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Iran, gửi tín hiệu có phần khiêu khích đến Tehran. Cùng lúc đó, tại vùng Levant, chính quyền ông Trump lại chuẩn bị công bố bản kế hoạch hòa bình rất được mong chờ dành cho người Israel và người Palestine.
Hòa bình hay chết chóc hơn?
Mỹ dường như đang thúc đẩy chiến tranh và dàn xếp hòa bình cùng một lúc, ở hai địa điểm chỉ cách nhau 1.000 km.
Theo CNN, những sự kiện tại vịnh Ba Tư và vùng Levant có thể coi là hai mặt của cùng đồng xu, cả hai động thái này đều hướng tới việc ép buộc các cường quốc quân sự khu vực chấp nhận yêu cầu cứng rắn của Washington. Và cách này có thể dẫn tới những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ vào một chương mới, bạo lực hơn, chết chóc hơn trong lịch sử khu vực.
Với các chuyên gia lâu năm về khu vực, những sự kiện gần đây ở vịnh Ba Tư có thể coi là bước vào ranh giới nguy hiểm. Sự leo thang căng thẳng giữa Iran và Mỹ, cũng như các đồng minh, có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong khi đó, ông Trump đang tiếp tục gây sức ép với Tehran với hy vọng buộc quốc gia Hồi giáo bước vào bàn đàm phán.
Khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào năm 2018, tổng thống Mỹ mô tả đây là "thỏa thuận tồi tệ" và siết chặt vòng kim cô với nền kinh tế Iran bằng một loạt các biện pháp trừng phạt. Chính quyền Tehran phản ứng giống như trước đây, với những gì mà các chuyên gia gọi là "sự kiên nhẫn chiến lược".
Các nhà ngoại giao Iran cố gắng lôi kéo sự ủng hộ của EU với thỏa thuận hạt nhân này, trong khi cố gắng tuân thủ các quy định được đưa ra trong bản thỏa thuận. Nhưng đến ngày 8/5, đúng một năm sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận, lập trường của Tehran đã thay đổi.
Một tháng trước đó, chính quyền Trump tăng cường gây áp lực lên Iran, xóa bỏ các miễn trừ nhập khẩu dầu từ Iran cho một số nước đồng minh - vốn đóng vai trò huyết mạch để Iran kiếm đủ ngoại tệ để tồn tại qua các lệnh trừng phạt. Tàu sân bay USS Abraham Lincoln cũng được điều động tới vịnh Ba Tư ngày 5/5, với nhiệm vụ ngăn chặn các mối đe dọa chưa tiết lộ từ Iran.
Thay vì kiên nhẫn chịu đựng như trước, Iran bắt đầu phản ứng. Tehran tuyên bố nước này bắt đầu đình chỉ một phần cam kết của mình với thỏa thuận hạt nhân, và cho biết sẽ tăng cường làm giàu uranium, bước tiềm tàng để tạo ra vũ khí hạt nhân. Điều này dẫn tới một chuỗi những điểm nóng có khả năng bùng nổ ở khu vực.
"Trụ cột của chiến dịch gây áp lực tối đa là sức ép về mặt kinh tế. Bằng việc đưa ra gần 1.000 điều kiện trừng phạt, bằng việc gắn mác 'tổ chức khủng bố nước ngoài' cho lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, bằng việc hạn chế sản lượng xuất khẩu dầu mỏ... Mỹ hy vọng Iran sẽ quay trở lại bàn đàm phán", ông Naysan Rafati, nhà phân tích Iran của Crisis Group (tổ chức phi chính phủ, chuyên nghiên cứu về xung đột), nhận định.
"Nhưng những gì chúng ta chắc chắn thấy là phản ứng của Iran trên khía cạnh hạt nhân, và rủi ro luôn là việc có thể có phản ứng của Iran trên khía cạnh khu vực", ông Rafati cho biết. "Cứ như thể người Iran muốn nhắc nhở rằng 'bạn có thể đặt chúng tôi vào tình trạng kinh tế khó khăn, nhưng chúng tôi cũng có lá bài để chơi'", chuyên gia này cho biết thêm.
Căng thẳng gia tăng
Hiện chưa rõ Iran đã sử dụng tầm ảnh hưởng của mình với mạng lưới các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn hay chưa. Nhưng chỉ vài ngày sau tuyên bố 8/5, UAE đưa tin 4 tàu chở dầu nước này bị "tấn công phá hoại gần cảng biển chiến lược Fujairah". Iran phủ nhận bất cứ sự liên quan nào. Tại Yemen, những chiến binh Houthi cũng mở cuộc tấn công đầu tiên vào đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia, còn ở Baghdad, một quả tên lửa Katyusha đã được bắn vào khu vực Vùng Xanh, nơi đặt đại sứ quán Mỹ.
"Chắc chắn là đã có một chuỗi những leo thang. Rõ ràng là 'kiên nhẫn chiến lược' của Iran đã được thay thế phần nào bằng sự mất kiên nhẫn chiến lược", ông Rafati nhận định.
Và chưa biết lúc nào mọi chuyện mới kết thúc. Tehran đã từ chối mọi yêu cầu đàm phán của ông Trump. Nền kinh tế đang oằn mình dưới các lệnh trừng phạt và bất mãn chính trị ngày càng gia tăng, gây áp lực buộc Tehran phải hành động.
Chính phủ Iran cảnh báo rằng không nên "nắn gân" họ, và khẳng định rằng Tehran không muốn chiến tranh. Đáp lại điều này là giọng điệu tương tự từ phía Mỹ, khi Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Washington không muốn chiến tranh, trong khi ông Trump đe dọa sẽ "chính thức chấm dứt" sự tồn tại của Iran trong trường hợp xung đột xảy ra.
"Cho dù mục đích của Mỹ là không bắt đầu cuộc xung đột vũ trang, căng thẳng càng tăng thì càng có nguy cơ xuất hiện sai lầm, và nếu điều đó xảy ra mọi thứ sẽ nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát", cựu đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia, ông Ray Mabus, cho biết.
"Tôi nghĩ chúng ta đang ở gần chiến tranh hơn đáng kể so với khi chúng ta đàm phán thỏa thuận hạt nhân, thứ khi đó đã hoạt động tốt ở mọi khía cạnh. Bây giờ thì chúng ta có một tổng thống đã rút khỏi thỏa thuận đó, và nói rằng 'Tôi có thể tạo ra một thỏa thuận tốt hơn'. Và ông ấy chưa làm được. Sự thật là ông ấy đã làm mọi thứ tệ hơn", ông Mabus nhận định.
"Thỏa thuận thế kỷ"
Nhiều chuyên gia cho rằng khoảng thời gian sau tuyên bố ngày 8/5 của Iran sẽ là rất quan trọng. Vụ tấn công phá hoại ở UAE tạo ra một cảnh báo mới ở khu vực, khi quốc gia này luôn tự hào về sự ổn định chính trị và an toàn của mình. Vụ tấn công vào đường ống dẫn dầu của Saudi khiến giá dầu thế giới tăng. Nhưng giữa những căng thẳng đó, cố vấn cấp cao và cũng là con rể của ông Trump - Jared Kushner - đã công bố phần đầu tiên của bản kế hoạch hòa bình được chờ đợi từ lâu dành cho người Israel và Palestine.
Hai sự kiện xuất hiện không cùng thời điểm, nhưng các thông điệp về cơ bản là tương tự nhau. Mặc dù chỉ có khía cạnh kinh tế của cái gọi là kế hoạch hòa bình được tiết lộ, nhưng cố vấn Kushner đã gợi ý rằng người Palestine nên có những nhượng bộ chính trị.
"Mọi người đang để cuộc xung đột của cha ông phá hủy tương lai của con cái họ. Kế hoạch này sẽ đưa ra một con đường thú vị, thực tế và khả thi, hiện không tồn tại", con rể tổng thống chia sẻ với CNN.
Cố vấn Kushner cho biết kế hoạch sẽ thảo luận 4 phần chính: cơ sở hạ tầng, công nghiệp, trao quyền cùng đầu tư vào con người, và cải cách quản trị.
Sáng kiến này đến sau khi chính quyền Trump ủng hộ lập trường của Israel về một số vấn đề, như cơ chế của Jerusalem và quyền được trở lại của người tị nạn Palestine. Ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển sứ quán Mỹ tới đây và cắt các quỹ quan trọng dành cho người tị nạn Palestine.
Người dân Palestine trước đó đã bày tỏ hoài nghi với kế hoạch Kushner, với trọng tâm là việc mở một trung tâm ở Bahrain để xúc tiến đầu tư vào Bờ Tây, dải Gaza và toàn bộ khu vực.
Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Saeb Erekat, cho biết giải pháp cho xung đột "không phải là cải thiện đời sống (người Palestine) dưới sự chiếm đóng (của Israel) mà là đạt được tiềm năng đầy đủ của Palestine bằng cách chấm dứt sự chiếm đóng của Israel".
Đối với một số chuyên gia, việc chính quyền Trump đặt người Palestine ra ngoài là bước chấm dứt giải pháp hai nhà nước, vốn được cộng đồng quốc tế mong muốn từ lâu, với việc thành lập nhà nước Palestine độc lập song song với Israel.
Với cả người Iran và người Palestine, ông Trump dường như đang bắt họ phải đưa ra những nhượng bộ chính trị lớn, để đổi lấy một lời hứa mơ hồ về sự giàu có kinh tế.
Trong cả hai trường hợp, hành động của Washington được coi là nỗ lực để loại bỏ chủ quyền quốc gia, và bị phản ứng bằng sự kháng cự đáng kể. Mặc dù những phản ứng này đang khiến cho tình hình trở nên bế tắc, nó có thể sớm mang tới những khả năng mới mà các nhà hoạch định chính sách không được trang bị đầy đủ để đối phó.