Điều thú vị từ một bài thơ

là bài thơ 'Đi trong đêm thị xã' - Giải khuyến khích cuộc thi thơ năm 1975 của Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) của Nguyễn Hoàng Sơn.

Bài thơ được viết năm 1973, tức là sau ba năm Nguyễn Hoàng Sơn tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân (1970) rồi lên công tác ở Sở Xây dựng tỉnh miền núi Hòa Bình. Thời đó sinh viên tốt nghiệp do tổ chức nhà trường “đặt đâu ngồi đó” chứ mấy ai thực hiện được nguyện vọng cá nhân. Ba năm “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân” nơi thị xã nhỏ, hẹp và hoang sơ của miền sơn cước “…Ở lẫn với rừng đẵn bương làm lán/Ăn cơm ngô đánh giặc với miền Nam...”, đêm đến Nguyễn Hoàng Sơn hay tản bộ dọc con đê Đà Giang men sông Đà rồi bài thơ ra đời sau nhiều đêm đi như thế:

Tôi đi trên đường phố Hòa Bình

Nghe dòng sông đâu đây, gần lắm

Tiếng gió qua lùm cây như tiếng sóng

Hơi nước bay đầy dịu mát trời đêm

Bỗng thấy dòng sông như nhịp đập quả tim

Quả tim khỏe không bao giờ mệt mỏi.

……

Tôi đi một mình trên đê Đà Giang

Dòng sông chảy trong đêm như đại lộ

Lửa chài sáng hay ánh đèn xe cộ

Một chiếc ca-nô đột ngột kéo còi

Những ngôi nhà yên ngủ quanh tôi

Và hẳn trong giấc mơ những con người đôn hậu

Cái thị xã mà họ hằng yêu dấu

Sẽ hiện về trong bộ cánh tương lai?

Năm tháng cho ta tin ở ngày mai.

Tác phẩm của Nhà văn, nhà báo Hoàng Sơn.

Năm 1975 Nguyễn Hoàng Sơn gửi dự cuộc thi thơ Báo Văn nghệ và được trao giải khuyến khích. Giải không cao, nhưng với một chàng trai mới 26 tuổi thì quả là “oách” so với nhiều người cùng lứa. Với “Đi trong đêm thị xã”, Nguyễn Hoàng Sơn một bước được ngồi cùng “chiếu giải” sang trọng với 19 tên tuổi của văn đàn cả nước khi đó và cả sau này, những: Hữu Thỉnh, Văn Lê, Anh Ngọc, Lê Đình Cánh, Ngô Văn Phú, Nguyễn Phan Hách, Võ Thanh An...

Nghe nói nhà thơ Xuân Diệu - thành viên Ban chung khảo cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm đó - khen bài thơ “Đi trong đêm thị xã” ngôn từ giản dị, trong sáng và có tính dự báo, lạc quan phơi phới (?)…

Do ngồi mài ghế ở cơ quan quản lý về xây dựng tỉnh mà Nguyễn Hoàng Sơn nắm bắt được thông tin về một dự án ngăn sông Đà và xây dựng nhà máy thủy điện trong tương lai. Nhưng nghe, biết là một chuyện còn chuyển tải thông điệp ấy vào thi ca thì Nguyễn Hoàng Sơn phải là người nhanh nhạy và tự tin lắm mới có thể viết xanh rờn: “Năm tháng cho ta tin ở ngày mai”!

Không chỉ được trao giải, chính bài thơ “Đi trong đêm thị xã” đã “chắp cánh” tương lai cho tác giả mà khi viết Nguyễn Hoàng Sơn không mảy may nghĩ đến. Chuyện là sau khi “Đi trong đêm thị xã” được in trên Báo Văn nghệ, nhà báo Dương Kỳ Anh (sau này là Tổng Biên tập Báo Tiền Phong) cũng là người hay thơ đã nảy ý định kéo Nguyễn Hoàng Sơn về Tiền Phong. Ý định đó được lãnh đạo báo chấp thuận và rồi giao cho chính Dương Kỳ Anh ngược lên Sở Xây dựng Hòa Bình đặt vấn đề “xin” Nguyễn Hoàng Sơn.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hòa Bình khi đó chẳng những ủng hộ mà còn lấy làm vinh dự và mừng vì đơn vị mình có cán bộ được cơ quan báo chí Trung ương “để mắt” đến! Tuy vậy, việc xúc tiến thủ tục giấy tờ để cho Nguyễn Hoàng Sơn chuyển công tác cũng chững lại mấy tháng. Bởi thời điểm đó tỉnh Hòa Bình chuẩn bị sáp nhập với Hà Tây thành Hà Sơn Bình (tháng 12/1975) và Sở Xây dựng Hòa Bình lo nhập với Sở Xây dựng Hà Tây. Phải đến giữa năm 1976, người thơ Nguyễn Hoàng Sơn mới chính thức nhận quyết định chuyển công tác từ Sở Xây dựng Hà Sơn Bình về Báo Tiền Phong.

Vậy là một bước, bài thơ “Đi trong đêm thị xã” đã “đưa” Hoàng Sơn ra Hà Nội và chuyển sang làm báo bên cạnh nghiệp thơ phú.

Nhà ở Hà Đông nên ngoài đi xe đạp, thi thoảng Hoàng Sơn cũng nhảy ô-tô buýt đi làm. “Mỗi sớm mai” là bài thơ đầu tiên của Sơn viết sau khi về Báo Tiền Phong: “Chẳng là đồng nghiệp đồng hương/Vì chung nhau một đoạn đường mà quen/ Xe dừng, cửa mở, em lên/Vừa may, cứ sợ nữa em lỡ giờ/Mưa theo cơn, nắng có mùa/Chuyến xe đúng hẹn, nắng mưa vẫn dừng/Ở đây bến vắng giữa chừng/Chỉ mình em xách cặp lồng bước lên”

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn và vợ trong chuyến đi Mỹ dự lễ tốt nghiệp đại học của con gái.

Đó là thời bao cấp khốn khó. Không “Chỉ mình em xách cặp lồng…” đi làm đâu, mà Hoàng Sơn và nhiều người cùng thời cũng thế! Cái khó nó hiện hữu từ trong cuộc sống mỗi gia đình. Sau này khi “Tiễn con gái lớn về nhà chồng” Hoàng Sơn còn hoài niệm: “…Thuở ấy nhà ta thật nghèo/Con vừa sinh đã phải cùng chia sẻ/Một quả trứng ba người nhường nhau/Mền bông rách truyền hai thế hệ”

Và rồi “cơm áo không đùa với khách thơ” còn đeo bám Hoàng Sơn đến sau khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới. Nhiều tờ báo tuần ở Trung ương được xuất bản thêm các số cuối tuần, cuối tháng. Năm 1988, Báo Tiền Phong ra tờ Tiền Phong Chủ nhật thiên về văn hóa văn nghệ và Nguyễn Hoàng Sơn được làm Trưởng ban - kiêm Thư ký tòa soạn. Hợp với “sở trường” mình quá, người thơ từ đó cũng bận bịu, gặp gỡ nhà văn nọ nhà thơ kia nhiều hơn để viết bài và có thêm nhuận bút, đương nhiên rồi!

Trước và sau khi trở thành Trưởng ban - kiêm Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong Chủ nhật, trong vai trò phóng viên chuyên về văn hóa, văn nghệ Nguyễn Hoàng Sơn có nhiều chuyến chu du ra nước ngoài. Vốn là người giỏi quan sát, chịu khó tìm hiểu lại rành Anh ngữ nên đi đến đâu ở xứ người Hoàng Sơn cũng có đầy ắp cái “mang về”. Đó là các ghi chép, đoản văn tinh tế và ấn tượng, những: “Đi tìm thơ ở…Bangkok”, “Một lần làm hảo hán” (ở Trung Quốc), “Ngửa cổ nhìn tháp đôi” (ở Kuala Lumpu), “Làm khách của cộng đồng người Việt ở Nga”, “Tôi đi “ba cùng” với người dân Mỹ”… đã nói lên điều đó!

Có một chuyến đi nước ngoài để lại nhiều ấn tượng nhất, đó là đợt được Báo Tiền Phong cử đi dự lớp đào tạo và quản lý công tác Đoàn thanh niên kéo dài những 9 tháng ở CHDC Đức cuối năm 1988. Như nhiều người được đi Tây thời đó, Hoàng Sơn cũng loay hoay vay mượn tiền bạn bè, đắn đo lo cái “mang đi và mang về” (tên một bài viết của Sơn). Sơn cũng mang đi những quần bò, áo phông Thái, hàng thủ công mỹ nghệ… rồi “mang về” những áo lông, xích-líp xe đạp, bàn là và hàng va-li phim ảnh WRWO Đức rất thịnh hành trong Nam ngoài Bắc thời đó…

Nhưng Hoàng Sơn có một thứ “mang về” mà không phải ai cũng có. Đó là ghi chép “Cảm nhận Bec-lin” và một sê-ri hơn chục bài thơ. Trong đó có bài thơ “Tele café” của Sơn: “Tôi xếp hàng ròng rã/Chờ lên tháp truyền hình/Muốn được nhìn cho thỏa/ Cả hai phần Bec-lin/… Tháp sắp trọn vòng quay/Người bán hàng tới nhắc/Tôi tặng cô một Mark/Để được thấy nụ cười/Nụ cười từ mặt đất/Mang theo lên lưng trời!”.

Tinh tế và hóm hỉnh đến thế là cùng! Hoàng Sơn đã mang nụ cười “mua” được ấy từ lưng trời Béc-lin về Việt Nam. Trong một lần trà dư tửu hậu với bạn bè, Sơn cười tít: - Lần đầu tiên trong đời vợ chồng tớ có tiền gửi tiết kiệm. Chẳng có gì phải giấu giếm, ai đi Tây chẳng “rứa”! - rồi cao hứng đọc: “Thư về, em hẳn khó tin/Anh đang đứng giữa Béc-lin, chợ trời/Cũng đôi co, cũng chào mời/Dẫu không dễ hiểu được lời của nhau” (Chợ trời Béc-lin).

Sau chuyến đi Đức, Hoàng Sơn sắm được con Honda Cub50 để mỗi sớm mai phóng vè vè từ Hà Đông đến cơ quan. Nhưng rồi chẳng lâu sau, Sơn đã “chào thân ái” con đường Nguyễn Trãi đông đúc Hà Đông - Hà Nội. Ấy là đầu thập niên 90, Báo Tiền Phong được UBND thành phố Hà Nội cấp cho miếng đất đâu những 5.000m2 và phân lô chia cho cán bộ, phóng viên ở ngay trung tâm quận Đống Đa. Vậy là một bước vợ chồng Hoàng Sơn có gần 60m2 đất, xây được căn nhà tầng chỉ cách Ô Chợ Dừa vài trăm mét…

An cư giữa thủ đô, “khách thơ, khách báo” Nguyễn Hoàng Sơn đã lạc nghiệp 33 năm ở Báo Tiền Phong cho đến khi nghỉ hưu. 33 năm, Hoàng Sơn đã cho ra đời 12 tập truyện, thơ, trong đó 2 tập thơ viết cho thiếu nhi: “Sự tích rước đèn Trung thu”“Dắt mùa thu vào phố” được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1989 và 1992). Ngoài ra là hai tập sách dầy dặn: “Tranh luận văn học”“Văn đàn thời sự & bình luận” (NXB Văn học, năm 2000 và 2003) - Đây là những ghi chép, trao đổi, tranh luận của Hoàng Sơn với hàng chục “Người văn - Nghề văn” trên Tiền Phong chủ nhật, một số báo, tạp chí Trung ương và Hà Nội. Với “Tranh luận Văn học”, năm 2001, một lần nữa Hoàng Sơn lại được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Thật thú vị, sau bài thơ “Đi trong đêm thị xã”, Nguyễn Hoàng Sơn gắn bó với nghề báo và có thêm 3 tác phẩm được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Có được như vậy, đâu phải mấy ai?

Hà Nội, tháng 11/2021.

Bùi Đức Khiêm

(Nhà văn - Nguyên Tổng Biên tập Báo Công Thương)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dieu-thu-vi-tu-mot-bai-tho-post178016.html