Điều tra doanh nghiệp năm 2025: 'Khám tổng thể' sức khỏe doanh nghiệp

Từ ngày 1/4/2025, ngành thống kê chính thức khởi động Điều tra doanh nghiệp năm 2025 trên phạm vi toàn quốc. Đây là cuộc điều tra thường niên nằm trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia, được thực hiện theo Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Với mục tiêu cung cấp dữ liệu quan trọng cho công tác quản lý, điều hành và dự báo kinh tế, cuộc điều tra năm nay tiếp tục đóng vai trò cốt lõi trong việc 'bắt mạch' tình hình sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam.

Bức tranh toàn cảnh về phát triển doanh nghiệp

Điều tra doanh nghiệp năm 2025 không chỉ đơn thuần là một hoạt động thu thập dữ liệu mà còn là một bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của khối doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước.

Cuộc điều tra này thu thập các thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương. Đồng thời phục vụ tính chỉ tiêu GDP toàn nền kinh tế, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) năm 2024, cũng như các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê của các chuyên ngành kinh tế.

Cuộc điều tra này cũng giúp ngành thống kê biên soạn "Sách trắng doanh nghiệp năm 2025" và “Sách trắng hợp tác xã năm 2025”; tổng hợp các chỉ tiêu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từ các doanh nghiệp có tham gia sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong phạm vi của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025; cập nhật cơ sở dữ liệu làm dàn mẫu của các cuộc điều tra thống kê về doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác.

Điều tra doanh nghiệp năm 2025 được thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc tất cả các ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018) trừ 3 ngành là: (1) Ngành O - Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc; (2) Ngành U - Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế; (3) Ngành T - Hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình.

Đối tượng điều tra của cuộc điều tra này là các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi một ngành kinh tế tại một địa điểm (đơn vị ngành kinh tế theo địa bàn) của tất cả ngành kinh tế quốc dân, trừ ngành O, ngành U và ngành T.

Những thông tin nào sẽ được thu thập?

Điều tra doanh nghiệp năm 2025 sử dụng phương pháp điều tra gián tiếp bằng hình thức thu thập thông tin trực tuyến thông qua sử dụng phiếu điều tra điện tử Webform. Các đơn vị điều tra sẽ thực hiện cung cấp thông tin Phiếu Webform trên Trang thông tin điện tử điều tra doanh nghiệp của Cục Thống kê thông qua hệ thống xác thực tên và mã (mật khẩu) của doanh nghiệp khi truy cập hệ thống để điền Phiếu điều tra https://thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn.

Lịch trình triển khai điều tra

Thời gian thực hiện điều tra được phân theo quy mô và đặc điểm của từng địa phương:

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh: Từ ngày 1/4/2025 đến 31/7/2025.

Các tỉnh, thành phố có từ 5.000 doanh nghiệp trở lên: Từ ngày 1/4/2025 đến 30/6/2025.

Các tỉnh, thành phố còn lại: Từ ngày 1/4/2025 đến 31/5/2025.

Các tập đoàn, tổng công ty: Từ ngày 1/6/2025 đến 15/7/2025.

Việc chia nhỏ lộ trình như trên giúp quá trình thu thập dữ liệu diễn ra suôn sẻ, đảm bảo chất lượng thông tin và tính đại diện cao của mẫu điều tra.

Ngành thống kê sẽ sử dụng 5 loại phiếu điều tra (riêng phiếu điều tra số 2 có 21 loại phiếu) để thu thập các thông tin sau:

(i) Thông tin nhận dạng: Thông tin định danh của đơn vị điều tra; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; loại hình doanh nghiệp; cơ sở trực thuộc của doanh nghiệp;

(ii) Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: Số lao động; thu nhập của người lao động;

(iii) Thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh: Kết quả hoạt động, chi phí sản xuất kinh doanh; vốn đầu tư; sản lượng sản xuất của sản phẩm; tiêu dùng năng lượng; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phân tổ theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam;

(iv) Thông tin về sản phẩm sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp, chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp;

(v) Thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ của doanh nghiệp;

(vi) Thông tin về chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu;

(vii) Thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng yêu cầu thông tin của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, trong đó bao gồm các thông tin về: Số lượng đơn vị sản xuất, số lao động; Quy mô sản xuất, năng lực sản xuất; Ứng dụng khoa học ký thuật trong sản xuất, ứng dụng kinh tế số; Tình hình sử dụng đất nông nghiệp.

Trước đó, theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 của Cục Thống kê được biên soạn từ kết quả Điều tra Doanh nghiệp năm 2024, tính đến thời điểm 31/12/2023, cả nước có gần 921,4 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2022. Khu vực dịch vụ tập trung nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhất, với trên 628 nghìn doanh nghiệp, chiếm 68,2% số doanh nghiệp cả nước. TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều doanh nghiệp nhất cả nước với 273,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 29,6% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dieu-tra-doanh-nghiep-nam-2025-kham-tong-the-suc-khoe-doanh-nghiep-162169.html